| Hotline: 0983.970.780

Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng tất bật vào vụ tết với tiêu chí chất lượng và ATTP

Thứ Bảy 15/12/2018 , 09:30 (GMT+7)

Trong cái se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi về làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng thuộc xã Mỹ Thạnh (huyện Giồng Trôm – Bến Tre). Trong những ngày này, làng nghề thật nhộn nhịp và tấp nập vào vụ mùa Tết.

 Đi đến đâu cũng thấy cả gia đình đều quây quần làm bánh, còn ở trước sân, nhà nào cũng tranh thủ lúc trời có nắng phơi bánh.

Vừa đến làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, chúng tôi bắt gặp hình ảnh dọc hai bên đường là những phên bánh tráng trải dài thẳng tắp, trước sân nhà của những hộ dân làng nghề là một màu trắng của những phên bánh tráng nối liền nhau từ nhà này sang nhà khác, sát mặt đường là những quầy hàng được bày bán với nhiều mặt hàng đặc sản khác nhau của Bến Tre để du khách lựa chọn, nhưng nhiều nhất vẫn là những chiếc bánh tráng Mỹ Lồng, có cả bánh còn sống và cả bánh đã được nướng chín. Ở đây, nhà nhà, bất kể người già, trẻ con, thanh niên trai tráng đều tham gia, mỗi người một công đoạn, thuần phục, lành nghề.

Với đôi tay thoăn thoắt của chị em phụ nữ làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bột được đổ từng vá lên tấm vải, rồi cán mỏng đều khắp một lượt, bánh vừa trở mình trong vắt là vít ra cho vào phên để phơi (Ảnh: LHV)

Có đến Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng vào những ngày này, bắt gặp bàn tay thoăn thoắt, vội vả của người làm bánh càng cảm nhận hơn không khí ngày Tết đang cận kề. Ông Huỳnh Hữu Nghĩa – Chủ nhiệm HTX Bánh tráng Mỹ Lồng cho biết, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng có trên 100 năm, trước đây sản xuất nhỏ lẻ phục vụ các hộ gia đình trong những ngày Tết. Dần dần số lượng ngày một nhiều thêm, sản lượng bánh làm ra nhiều hơn không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân trong tỉnh mà còn theo các đơn đặt hàng đi khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ và xa hơn theo chân khách du lịch ra nước ngoài.

“Những năm gần đây các lò không ngừng mọc lên, nâng số lò của làng nghề lên trên 240 lò. Những ngày giáp tết làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng nhộn nhịp, các lò sản xuất bánh đang tất bật nghi ngút khói. Hiện tại, mỗi ngày, làng nghề cung cấp cho thị trường hơn 500 thiên bánh (1.000 cái/thiên), đạt doanh thu trên 100 triệu đồng, giải quyết cho hơn 700 lao động tại địa phương. Nhờ làm bánh tráng và một số nghề dịch vụ kéo theo nên Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng có trên 40% hộ có đời sống khá giàu” – ông Nghĩa nói.

Ông Huỳnh Hữu Nghĩa – Chủ nhiệm HTX Bánh tráng Mỹ Lồng phơi bánh tráng Mỹ Lồng dưới cái nắng xuân (Ảnh: LHV)

Nơi làm bánh luôn tỏa lên mùi hương thơm phức, chị Nguyễn Thị Kim Hoàng ở ấp Nghĩa Huấn đã có 35 năm tuổi nghề, cho biết: “Muốn có chiếc bánh tráng Mỹ Lồng thật ngon thì khâu chọn và pha bột rất quan trọng và thứ bột đó mới thật sự là bí quyết làm nên tên tuổi bánh tráng Mỹ Lồng. Gạo được chọn phải là gạo thơm vừa, cùng với đường, muối, mè đã được cân định lượng cho đúng, nhưng với người thợ lành nghề, chỉ cần đong bằng mắt, bằng tay là không sai li nào. Song bí quyết chính thống có lẽ nằm trong phần nước cốt dừa béo ngậy của xứ sở quê hương”.

Nhìn đôi tay nhuần nhuyễn, thuần thục của người phụ nữ đang tráng bánh, mới thấy được sự tài hoa của các chị như một “nghệ nhân” thực thụ. Lò tráng bánh ở đây được làm bằng thủ công, phía dưới là nồi nước to, phía trên căng một lớp vải mịn. Bột được đổ từng vá lên tấm vải, rồi cán mỏng đều khắp một lượt, bánh vừa trở mình trong vắt là vít ra cho vào phên để phơi.

Chị Nguyễn Thị Kim Hoàng ở ấp Nghĩa Huấn tập trung sản xuất bánh tráng phục vụ tết Đinh Dậu (Ảnh: LHV)

Từng bếp rực lửa như xua đi hết cái lạnh se se đặc trưng của miền sông nước Cửu Long vào những ngày cuối năm. Bên lò bánh còn đang nghi ngút khói, chị Nguyễn Thị Thúy ấp Chợ (Mỹ Thạnh) chia sẻ: Nghề truyền thống làm bánh tráng này đã có từ lâu, nhưng ai là người sản sinh ra nó thì không rõ. Lúc tôi còn nhỏ, gia đình tôi đã có làm bánh rồi, những chiếc bánh đã nuôi sống cả nhà, con cái đều được học đến nơi đến chốn.

“Mỗi năm vào dịp tết là các lò hoạt động không ngơi tay, các lò tăng công suất lên gấp 3 – 5 lần mới đủ bánh bán. Công việc làm bánh giáp tết hơi mệt vất vả nhưng ai cũng vui hớn hở vì có thu nhập khá cao” – chị Thúy nói.

Tuy trên gương mặt của những người thợ còn vết thâm quầng quanh mắt vì nhiều đêm thức khuya dậy sớm, nhưng những tiếng nói cười rộn ràng đã lấn đi cái mệt mỏi. Cảnh người người nhộn nhịp, khuân vác những phên bánh tráng đi phơi, tạo sinh khí cho làng nghề những dịp vào xuân.

Những phên bánh tráng trải dài thẳng tắp, với hương vị nồng nàn luôn làm say đắm lòng viễn khách (Ảnh: LHV)

 

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất