Hiện nay, toàn thành phố Hải Phòng có 5 hệ thống thủy lợi trên đất liền và một hệ thống thủy lợi ở đảo Cát Hải. Đối với 5 hệ thống thủy lợi trên đất liền đã được giao cho các công ty khai thác công trình thủy lợi để quản lý. Các hệ thống thủy lợi đều có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, cải tạo môi trường sinh thái, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai và đặc biệt là bảo đảm an ninh nguồn nước.
Trên thực tế, các công trình thủy lợi tiếp tục được duy trì, bảo dưỡng hàng năm. Tuy nhiên do chi phí bảo dưỡng các công trình thủy lợi còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu, một số công trình xuống cấp, không đảm bảo khả năng tiêu thoát nước, đặc biệt là trong cơn bão số 3 vừa qua.
Là một trong những đơn vị vận hành hệ thống thủy lợi, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải được phân công phụ trách hệ thống thủy lợi An Kim Hải với 122 tuyến kênh trục, 58 trạm bơm điện, 40 cống dưới đê và 25 tuyến kênh tưới sau trạm bơm trên địa bàn huyện An Dương và tiêu thoát nước cho một số quận.
Trong cơn bão số 3 vừa qua, việc vận hành hệ thống thủy lợi của công ty gặp nhiều khó khăn. Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Vũ Xuân Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải cho biết:
“Khi bão đổ bộ đã gây nên tình trạng mất điện khiến trạm bơm Hoàng Lâu và cống Hoàng Lâu không thể vận hành được. Chỉ đến khi chân triều ngoài sân xuống thấp hơn so với mực nước trong đồng thì chúng tôi mới vận hành lại được cống Hoàng Lâu bằng biện pháp thủ công nên mất nhiều thời gian”.
Thực tế này đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả vận hành hệ thống thủy lợi, không đảm bảo theo đúng năng lực, công suất công trình hiện có. Để đảm bảo công tác vận hành, công ty đã lắp thêm 2 trạm bơm dã chiến với công suất 1.000m3/giờ để tiêu thoát nước cho các khu công nghiệp và khu dân cư.
Những ngày vừa qua, các công ty vận hành hệ thống thủy lợi lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng, luôn đặt mình trong trạng thái sẵn sàng ứng phó. Đặc biệt, với ảnh hưởng của hoàn lưu bão, lượng nước mưa đo được xấp xỉ 500mm, trùng với thời điểm chân triều lên cao, lũ thượng nguồn đổ về luôn đạt và vượt mức báo động 3.
Để đảm bảo tiêu thoát nước kịp thời cho hơn 20.000ha lúa, các đơn vị vận hành thủy lợi đã tranh thủ những thời gian thủy triều xuống thấp để vận hành các công trình tiêu úng nhằm tiêu thoát nước nhanh chóng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp tình thế trong những tình huống khẩn cấp để đảm bảo yêu cầu tiêu thoát nước. Để có thể giải quyết triệt để, ông Vũ Xuân Hạnh cho rằng doanh nghiệp cần thêm những cơ chế, chính sách để hỗ trợ.
“Qua cơn bão số 3, chúng tôi xin đề xuất đầu tư kinh phí cải tạo 8 cống dưới đê xung yếu và xây dựng thêm 1 số trạm bơm tiêu, nhất là địa bàn gần khu công nghiệp để vừa đảm bảo thoát nước cho khu công nghiệp, vừa tránh ngập úng khu dân sinh. Còn đối với trạm bơm chính Hoàng Lâu cần trang bị máy phát điện để đảm bảo có thể vận hành khi mất điện trong một số điều kiện như bão lớn, áp thấp nhiệt đới”, ông Hạnh chia sẻ thêm.
Cùng với việc cải tạo, xây dựng các trạm bơm tiêu và đầu tư hệ thống máy phát điện, đại diện đơn vị vận hành hệ thống thủy lợi An Kim Hải cũng mong muốn rằng được đầu tư để nạo vét sâu lòng kênh, đắp cao để đảm bảo trong việc trữ nước, phòng chống xâm nhập mặn, đáp ứng sản xuất nông nghiệp. Đây cũng chính là việc mà các đơn vị vận hành hệ thống thủy lợi cần nhanh chóng kiểm tra, khảo sát để sớm đưa ra kiến nghị phù hợp.