| Hotline: 0983.970.780

Xử lý vi phạm hành lang công trình thủy lợi: Địa phương còn thờ ơ

Thứ Tư 02/10/2024 , 16:30 (GMT+7)

Hà Tĩnh Xây dựng công trình kiên cố, hàng rào, trồng cây, xả rác… trên hành lang công trình thủy lợi là những vi phạm phổ biến của người dân Hà Tĩnh, cần ngăn chặn kịp thời.

Mặc dù hệ thống quy phạm pháp luật đã quy định rất rõ chế tài xử phạt các hành vi vi phạm hành lang công trình thủy lợi, tuy nhiên, thực tế việc thực thi chế tài của các cấp quản lý nhà nước và doanh nghiệp thủy nông trên địa bàn Hà Tĩnh đang khá bế tắc.

Nhiều hộ dân xây dựng hàng rào trên hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Ảnh: Thanh Nga.

Nhiều hộ dân xây dựng hàng rào trên hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Ảnh: Thanh Nga.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Hà Tĩnh, hầu hết vi phạm do lịch sử để lại, trong khi thẩm quyền xử phạt hầu hết nằm ở cấp huyện, cấp xã, doanh nghiệp chỉ là đơn vị phối hợp. Thế nhưng, hiện nay hầu hết chính quyền địa phương vào cuộc chưa quyết liệt, thậm chí thờ ơ dẫn đến vi phạm của người dân gia tăng theo từng năm.

“Chúng tôi thường xuyên có văn bản thông báo các trường hợp vi phạm để chính quyền xử lý. Sau đó các địa phương cũng phát văn bản nhưng chỉ đạo theo kiểu hành chính, còn cầm tay chỉ việc, xử phạt theo quy định thì rất ít”, vị lãnh đạo nói.

Các vi phạm phổ biến hiện nay khó xử lý là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; dựng công trình kiên cố, hàng rào; trồng cây lâu năm; xả rác thải, nước thải sinh hoạt… trên hành lang bảo vệ công trình thủy lợi.

Kênh N1-12, đoạn qua xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, do Công ty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh quản lý chỉ dài hơn 1km, đi qua phần đất của 15 hộ dân nhưng có đến gần chục hộ vi phạm hành lang công trình này.

Xả rác thải xuống kênh gây tắc dòng chảy là vi phạm phổ biến nhất. Ảnh: Thanh Nga.

Xả rác thải xuống kênh gây tắc dòng chảy là vi phạm phổ biến nhất. Ảnh: Thanh Nga.

Thời điểm chúng tôi đến, 5 - 6 công nhân Trạm Bắc Hà, thuộc Công ty thủy lợi Nam Hà Tĩnhđang phải sử dụng cuốc, xẻng, bao tải để thu gom hàng trăm kg rác thải của người dân đổ xuống kênh gây ách tắc dòng chảy. Theo chị Nguyễn Thị Lan Thương, người đã có 20 năm công tác tại trạm cho biết, công việc này là việc làm thường xuyên của chị.

“Thực tế nhiệm vụ chính của tôi là vận hành kênh để đảm bảo nước không thất thoát trong quá trình tưới. Tuy nhiên, mấy năm nay người dân xả rác thải xuống kênh mương rất nhiều nên tháng nào chúng tôi cũng phải đi vớt rác. Nhiều khi tôi nghĩ, mình làm thủy lợi mà không khác gì một công nhân môi trường”, chị Thương ngao ngán nói.

Ông Nguyễn Văn Hải, Trạm trưởng Trạm Bắc Hà cho rằng, thực trạng người dân vi phạm hành lang công trình thủy lợi đã xảy ra trong rất nhiều năm và ngày càng gia tăng. Vấn đề đặt ra bây giờ là mạnh tay xử phạt để tăng tính răn đe.

“Về lâu dài, chính quyền phải nhận thức được trách nhiệm của mình. Không thể phó mặc để doanh nghiệp tự xử lý người dân đổ rác xuống kênh, xây dựng công trình trên hành lang công trình thủy lợi. Bởi, pháp luật đã quy định thẩm quyền xử phạt các vi phạm trên là chính quyền địa phương chứ không phải doanh nghiệp thủy nông”, ông Hồ Đức Việt, Phó trưởng phòng phụ trách phòng Quản lý khai thác, Công ty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Để ngăn chặn các hành vi vi phạm, chính quyền địa phương cần vào cuộc bằng hành động chứ không phải bằng các văn bản hành chính. Ảnh: Thanh Nga.

Để ngăn chặn các hành vi vi phạm, chính quyền địa phương cần vào cuộc bằng hành động chứ không phải bằng các văn bản hành chính. Ảnh: Thanh Nga.

Vị này kiến nghị thêm, cấp trên cần đầu tư kinh phí thực hiện cắm mốc phạm vi hành lang công trình thủy lợi, bởi không ít hộ dân vì không nắm được luật, không xác định được phạm vi nên đã vô tình vi phạm.

Quá trình cấp giấy chứng nhận sử dụng đất giáp công trình thủy lợi, chính quyền cũng cần tham khảo kỹ Luật Thuỷ lợi, lấy ý kiến người dân liền kề công trình nhằm hạn chế sai sót cấp bìa trên hành lang công trình thủy lợi.

Trạm Bắc Hà quản lý gần 40km kênh cấp 1, 2 và một số kênh cấp 3, phục vụ tưới cho hơn 3.200ha đất nông nghiệp của 5 xã thuộc huyện Thạch Hà. Các tuyến kênh cấp 1, 2 do Trạm quản lý đa phần đã được bê tông hoá, đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Tuy nhiên kênh nhỏ tưới dưới 150ha đang xuống cấp, hư hỏng, vỡ xi măng, ảnh hưởng đến việc dẫn nước, thất thoát nước.

Xem thêm
Nông nghiệp là lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng giữa Việt Nam - Mông Cổ

Bộ trưởng Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ Enkhbayar Jadamba khẳng định trong buổi tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan.

Lũ chính vụ năm 2024 có thể đã đạt đỉnh cuối tháng 9, đầu tháng 10

Dự báo đỉnh lũ chính vụ năm 2024 đầu nguồn sông Cửu Long đã xuất hiện vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 và dao động ở mức xấp xỉ báo động 1.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Cha con 'người hùng không biết chữ' cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Dù không biết chữ, cha con anh Nguyễn Văn Hai vẫn mày mò tự chế thiết bị lặn để cứu trạm bơm Cống Bún khỏi sự cố rò rỉ trước thời điểm mưa lũ.