| Hotline: 0983.970.780

Tiềm năng nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ: [Bài 4] Thừa mặt nước nhưng thiếu cơ chế

Thứ Năm 03/10/2024 , 08:36 (GMT+7)

Tỉnh Đắk Lắk có hàng chục nghìn ha mặt nước có thể nuôi trồng thủy sản nhưng do vướng cơ chế nên đang bị bỏ trống, gây lãng phí.

Đắk Lắk có số lượng hồ đập đứng đầu cả nước nên có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Quang Yên.

Đắk Lắk có số lượng hồ đập đứng đầu cả nước nên có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Quang Yên.

Tỉnh Đắk Lắk là một trong những địa phương có số lượng hồ, đập lớn nhất cả nước với 782 công trình thủy lợi, gồm 607 hồ thủy lợi, tổng dung tích khoảng 560 triệu m3, 118 đập dâng và 57 trạm bơm. Do đó, địa phương này có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ. Tuy nhiên, do vướng quy định, nhiều doanh nghiệp, HTX và người dân muốn thuê mặt nước để nuôi trồng thủy sản mà không được, dẫn đến bỏ trống gây lãng phí.

Vừa qua, HTX Nông nghiệp Dịch vụ Thương mại Ea H’Đing (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) có tờ trình gửi UBND huyện, Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk xin nuôi cá trong lòng hồ chứa nước Ea M’Drang.

Ông Y Hưng Niê, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ Thương mại Ea H’Đing, cho biết, hồ chứa nước Ea M’Drang hiện chưa có đơn vị nào thuê để nuôi trồng thủy sản. Khu vực này rộng gần 10ha mặt nước, lâu nay để trống nên người dân đánh bắt cá tự do trong lòng hồ bằng nhiều hình thức, có cả kích điện. Do đó, nguồn lợi thủy sản trong hồ ngày càng cạn kiệt.

“HTX xin được thuê diện tích mặt nước để thả cá. Việc này nhằm giúp các thành viên trong HTX có thêm thu nhập và bảo vệ lòng hồ được tốt hơn. HTX sẽ xây dựng kế hoạch nuôi trồng những loại thủy sản nhanh mang lại thu nhập cho các thành viên. Dự kiến khi được cấp phép, HTX sẽ tổ chức cho 5 thành viên nuôi trồng thủy sản với doanh thu 250-300 triệu đồng/năm. Đây là số tiền lớn đối với người dân”, ông Y Hưng nói.

Cũng theo ông Y Hưng, ngoài hồ Ea M’Drang, HTX đang làm đơn trình cơ quan chức năng thuê hồ đập Ea Mát (xã Ea Khiết) để nuôi cá và chăn nuôi vịt. Việc này nhằm tăng thu nhập cho người dân là thành viên HTX.

Ông Phạm Hữu Thành, Giám đốc Chi nhánh Krông Pắc (thuộc Công ty TNHH MTV Quản lý Công trình thủy lợi Đắk Lắk), cho biết, đơn vị quản lý 19 hồ, trong đó có 14-15 hồ có thể cho thuê để nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, tại địa phương mới có 9 hồ có người nuôi, hoạt động đánh bắt.

“Nhiều hồ tiềm năng rất lớn nhưng cần có sự phối hợp với chính quyền địa phương. Hiện nay, có doanh nghiệp đến địa phương đề xuất nuôi cá và xây dựng đội quản lý thủy sản cộng đồng. Theo đó, doanh nghiệp thả cá và để người dân đánh bắt, nguồn thủy sản này được doanh nghiệp mua lại. Địa phương có nhiều tiềm năng, hồ nằm ở vùng nước sạch, lại không có các nhà máy hóa chất nên đa số thủy sản nuôi trồng đánh bắt được người tiêu dùng đánh giá rất cao”, ông Thành chia sẻ.

Tuy nhiên, hiện nay việc cho thuê mặt nước tại các hồ tại tỉnh Đắk Lắk đang vướng. “Về phía công ty, chúng tôi ủng hộ doanh nghiệp, người dân thuê để nuôi trồng thủy sản nhưng do chưa có đơn giá nên không thể triển khai. Tại một số địa phương còn có tình trạng khó khăn khi doanh nghiệp đến làm hợp đồng thuê. Công ty đã gửi hồ sơ cho Phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc nhưng nửa năm nay chưa được thông qua hồ sơ”, ông Thành nói.

Theo ông Trịnh Quốc Bảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý Công trình thủy lợi Đắk Lắk, hiện nay công ty tiếp nhận hàng chục hồ sơ của các cá nhân, tổ chức gửi xin thuê mặt nước để nuôi cá. Tuy nhiên, do vướng quy định về giá nên công ty chưa thể giải quyết cho những trường hợp này.

Để giải quyết thực trạng trên, công ty đã có những kiến nghị, xây dựng giá thủy lợi khác từ năm 2019 gửi các cấp, các ngành nhưng vẫn chưa có thông báo cụ thể. Do đó, trong thời gian chờ Trung ương phê duyệt thì doanh nghiệp có xin thực hiện theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành trước đây nhưng việc này không được chấp nhận, vì chưa có quy định về giá trần, dẫn đến hơn 7.300ha mặt nước phải bỏ trống.

Đắk Lắk có nhiều tiềm năng nhưng hiện nay vướng cơ chế nên việc nuôi trồng thủy sản trên các công trình thủy lợi còn khó khăn. Ảnh: Quang Yên.

Đắk Lắk có nhiều tiềm năng nhưng hiện nay vướng cơ chế nên việc nuôi trồng thủy sản trên các công trình thủy lợi còn khó khăn. Ảnh: Quang Yên.

“Nhu cầu thuê mặt nước để nuôi trồng thủy sản ở Đắk Lắk rất lớn. Nếu giải quyết được việc cho thuê 30-50% diện tích mặt nước của doanh nghiệp đang quản lý thì mỗi năm có một khoản thu nhất định. Đây là nguồn để công ty có thể đầu tư cải tạo, sửa chữa các công trình xuống cấp. Do đó, doanh nghiệp cũng kiến nghị cơ quan chức năng sớm ban hành giá trần quy định đối với dịch vụ khác”, ông Bảo nói.

Ông Nguyễn Thành Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đắk Lắk, cho biết, đối với dịch vụ thủy lợi khác thì Bộ Tài chính phải ban hành khung giá. Khi có khung giá thì Hội đồng nhân dân tỉnh mới họp ban hành nghị quyết.

“Những năm gần đây địa phương đã gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính xin ban hành khung giá dịch vụ khác đối với các công trình thủy lợi. Tuy nhiên, Bộ Tài chính thông báo thiếu hồ sơ, yêu cầu bổ sung. Dù đã bổ sung nhưng đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa có quy định cụ thể về khung giá”, lãnh đạo Chi cục Thủy lợi Đắk Lắk nói.

Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 40.000ha mặt nước, nếu triển khai cho tổ chức, cá nhân thuê nuôi trồng thủy sản sẽ giúp các đơn vị quản lý hồ có thêm nguồn thu để duy tu, sửa chữa những công trình hư hỏng, xuống cấp, đồng thời giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần bảo vệ hồ thủy lợi tốt hơn.

Xem thêm
Sóc Trăng sẽ xây dựng dự án liên kết chuỗi giá trị cá đồng

Nuôi cá đồng thay lúa vụ 3 cho hiệu quả kinh tế cao, Sóc Trăng định hướng phát triển nguồn lợi, liên kết chuỗi giá trị cá đồng ở các địa phương vùng trũng.

Nghịch lý tại cảng cá Cửa Hội: Chỉ có 1 tàu cá neo đậu

Được đầu tư xây dựng, nâng cấp với kinh phí 126 tỷ đồng nhưng hệ thống cầu cảng quy mô của cảng cá Cửa Hội hiện chỉ phục vụ 1 tàu cá vào neo đậu.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Mong ngư dân vững tâm bám biển, ngã ở đâu đứng dậy ở đó

Đó là tâm tư của ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản gửi đến các tổ chức, cá nhân gặp biến cố từ đợt thiên tai, mưa bão mới đây.