Tại tỉnh Gia Lai, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu để nâng cao và phát triển bền vững ngành Cà phê Tây Nguyên”.
Chưa hình thành chuỗi giá trị có hiệu quả
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), tổng diện tích cây cà phê của nước ta hiện nay đạt khoảng 696.000ha, năng suất đạt 27,7 tạ/ha, sản lượng đạt 1.764.000 tấn.
Trong đó, chủ yếu tập trung trồng tại vùng Tây Nguyên với diện tích khoảng 639.000ha, chiếm tỷ lệ 92% so với cả nước. Hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 80 quốc gia và chiếm khoảng 20 - 22% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của thế giới.
Tuy Việt Nam nằm trong những quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu nhưng lại nằm trong nhóm giá thấp nhất trong các nước xuất khẩu cà phê. Nguyên nhân chính là khoảng 85% sản lượng cà phê của nước ta được sản xuất do các hộ nông dân. Những hộ nông dân này sử dụng nhiều giống và quy trình canh tác khác nhau, khiến chất lượng cà phê không cao, không đồng đều.
Một số mô hình liên kết nông dân đã được thành lập gần đây như nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) hoạt động khá hiệu quả. Tuy nhiên, hình thức này chưa nhiều, quy mô nhỏ, vẫn phụ thuộc vào các tác nhân cung ứng dịch vụ, chưa hình thành chuỗi giá trị có hiệu quả, chủ yếu tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh mà chưa phát huy được tiếng nói và vị thế của người nông dân sản xuất cà phê.
Ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Sản xuất và thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) cho biết, hiện HTX có 113 thành viên, đang chăm sóc tập trung 300ha cà phê Robusta, thu hoạch bình quân trên 1000 tấn nhân/năm. Khó khăn lớn nhất của HTX hiện nay là thiếu vốn, thiếu nhân lực có chuyên môn. Các thành viên của HTX góp vốn tính giá trị chủ yếu bằng vườn cây cà phê, trình độ chuyên môn tiếp cận cách làm mới thì rất hạn chế, dẫn đến quy trình sản xuất khép kín với công nghệ cao, đảm bảo chất lượng sản phẩm cần phải đầu tư đồng bộ.
Ngoài ra, dịch Covid-19 bùng phát đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đầu ra cho sản phẩm HTX vì không bán được, chuỗi cung ứng bị dứt gãy, giá thành cao gây khó khăn cho sản xuất.
Trong khi đó, ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết, tính đến tháng 12/2021, công ty đã liên kết, hợp tác với 15 HTX tại Gia Lai và Đăk Lăk với gần 10.000 nông hộ. Theo đó, tổng diện tích cà phê liên kết với các HTX gần 3.000ha và sản lượng đạt khoảng 10.000 tấn nhân/năm. Tổng diện tích cà phê liên kết trực tiếp với nông dân theo tiêu chuẩn 4C, RA hơn 20.000ha và sản lượng đạt 60.000 tấn nhân/năm.
Theo ông Hiệp, phần lớn nông dân tại Tây Nguyên có diện tích canh tác nhỏ lẻ, phân tán, không đồng nhất. Hơn nữa, chi phí đầu tư vườn cây lớn do lạm dụng phân bón, nước và thuốc bảo vệ thực vật, cùng với đó hiệu quả sản xuất thấp do sản xuất nhanh mún, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Đặc biệt, chi phí sau thu hoạch của HTX, nông dân cao do giao dịch qua nhiều khâu trung gian, thiếu kho chứa đạt tiêu chuẩn và đóng gói kèm theo.
Phải cùng nhau liên kiết để phát triển
Để phát triển bền vững ngành hàng cà phê, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho biết, cần phải chuẩn hoá giống cà phê cho vùng tổ chức sản xuất, chuẩn hoá sản lượng và tiêu chuẩn cà phê cho thị trường. Theo đó, thị trường mua ổn định cho toàn bộ vùng trồng, tránh cạnh tranh không lành mạnh và phá giá.
Muốn vậy, nông dân phải tham gia liên kết thành các HTX, các nông trường để được đại diện về quyền lợi, tiếp cận các nguồn lực và tài nguyên cho sản xuất, đồng thời được đảm bảo về sinh kế và đời sống; đảm bảo hệ thống liên kết chặt chẽ, giảm đến tối thiểu các công đoạn trung gian giữa người mua - nhà máy - vùng trồng với diện tích canh tác và sản lượng.
“Giải pháp của Tập đoàn Lộc Trời là xây dựng các HTX, tập hợp nông dân tham gia và đóng góp tài nguyên đất sản xuất, tạo thành vùng trồng nguyên liệu. Khi đó, Lộc Trời sẽ chuẩn hoá từ giống cà phê và quy trình canh tác. Các HTX được quy hoạch thành vùng nguyên liệu cho từng nhà máy sản xuất, chế biến để tối ưu hoá công đoạn thu hoạch, vận chuyển sau thu hoạch, chế biến và lưu kho”, ông Thòn chia sẻ.
Trong khi đó, ông Thái Như Hiệp cũng cho rằng, cần phải xây dựng thương hiệu sản phẩm cà phê đặc sản cho khu vực Tây Nguyên. Muốn vậy phải đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị để hình thành vùng nguyên liệu cà phê đạt chứng nhận quốc tế.
“Chính quyền, các bộ ngành xúc tiến liên kết giữa doanh nghiệp với HTX, nông dân sản xuất, bao tiêu sản phẩm cà phê theo chuỗi giá trị. Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất cà phê để nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế”, ông Hiệp khẳng định và cho biết, công ty sẽ giữ vững vùng nguyên liệu cà phê liên kết sản xuất bền vững đã có chứng nhận 4C, RA và tiếp tục mở rộng diện tích vùng nguyên liệu đạt chứng nhận quốc tế lên 30.000 - 35.000ha với số lượng 15.000 - 20.000 nông hộ tham gia.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, tại Hội thảo này, mong muốn của Bộ NN-PTNT là nhằm đưa đến thông điệp về phát triển cà phê bền vững, cụ thể muốn đi xa phải đi cùng nhau, phải có sự liên kết giữa các tỉnh, kết hợp đặc điểm từng vùng, địa phương để tạo quy mô lớn hơn, xây dựng thương hiệu cà phê Tây Nguyên.
Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục triển khai dự án VnSAT và một số dự án khác để phát triển cà phê bền vững. Ở Tây Nguyên, Bộ NN-PTNT chọn đặt cơ sở hạ tầng logistic cho ngành cà phê nhằm tạo ra giá trị cà phê cao hơn, có nhiều sản phẩm tinh chế hơn; tạo ra chuỗi ngành hàng để tăng giá trị cho hạt cà phê và tăng thu nhập cho người sản xuất cà phê.
“Hiệp định Thương mại tự do được ký kết giữa Liên minh châu Âu và Chính phủ Việt Nam mở ra cho chúng ta cơ hội rất lớn, nhưng do nhiều lý do mà nông sản của chúng ta nói chung và cà phê nói riêng vẫn chiếm tỷ trọng chưa cao tại thị trường châu Âu. Hàng năm, chúng tôi làm việc với các tổ chức quốc tế và cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở châu Âu để thấy rằng, chúng ta phải có cách khác để tận dụng Hiệp định EVFTA tốt hơn. Do đó, sắp tới chúng tôi sẽ xây dựng đề án riêng về xuất khẩu nông sản sang châu Âu để nông sản của Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường khó tính này.
Cà phê Tây Nguyên muốn vươn ra thị trường thế giới cần phải tư duy lại từ sản xuất, thu hoạch, chế biến cà phê phù hợp với biến đổi khí hậu, phù hợp với tiêu dùng xanh của các nước trên thế giới…”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ.