| Hotline: 0983.970.780

Cần xử phạt doanh nghiệp chây ỳ đóng Quỹ Phòng, chống thiên tai

Chủ Nhật 21/05/2023 , 15:50 (GMT+7)

TP.HCM Theo Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM Đinh Minh Hiệp: 'Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ đóng Quỹ Phòng, chống thiên tai'.

Sở Xây dựng TP.HCM đã tham mưu UBND TP ban hành quyết định số 299 về Đề án chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM giai đoạn 2020 - 2045. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Sở Xây dựng TP.HCM đã tham mưu UBND TP ban hành quyết định số 299 về Đề án chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM giai đoạn 2020 - 2045. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra

Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, trước diễn biến thiên tai bất thường, phức tạp, nhờ có sự chủ động chỉ đạo sát sao, kịp thời của Thành ủy, UBND TP.HCM cũng như sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các thành viên trong Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn TP.HCM (gọi tắt là Ban Chỉ huy) và các đơn vị, các địa phương trong việc triển khai phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nên đã góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Tuy nhiên, theo ông Hiệp, hiện nay vẫn còn một số tuyến đường, hẻm, khu vực nội thị chưa được đầu tư hệ thống cống thoát nước hoàn chỉnh hoặc các tuyến cống cũ bị xuống cấp, sụt lún, tắc nghẽn. Hệ thống hạ tầng cũng không đảm bảo lưu lượng thoát nước khi có mưa lớn gây ngập úng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Một số dự án thoát nước, dự án chống sạt lở công trình thủy lợi thi công chưa đạt tiến độ đề ra. Chủ đầu tư chậm bàn giao cho đơn vị có chuyên ngành để quản lý vận hành nên chưa phát huy hiệu quả phòng, chống triều cường, xả lũ.

"Vẫn còn tình trạng xả rác thải, chất thải gây bồi lắng, lục bình phát triển dày đặc gây tắc nghẽn các tuyến sông, kênh, đập. Tình trạng san lấp vẫn lấn chiếm hành lang an toàn, bảo vệ bờ sông, kênh, rạch chưa được xử lý triệt để gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều. Các phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hiện có chưa đủ về số lượng, công suất, công năng so với nhu cầu thực tế", ông Hiệp nhận định.

Ông Nguyễn Đức Vũ, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi TP.HCM, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn TP cho biết: Trong công tác phòng, chống triều cường, mưa, xả lũ, hàng năm Chi cục Thủy lợi, Văn phòng Ban Chỉ huy đã chủ động phối hợp với các chủ đầu tư, UBND các địa phương, đặc biệt là các quận, huyện có tiếp giáp với hệ thống sông, kênh, rạch lớn như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và hệ thống sông Nhà Bè khảo sát, đánh giá hiện trạng.

Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện một số vị trí xung yếu cần phải gia cố thì Văn phòng Ban chỉ huy cùng với các quận, huyện, địa phương và các chủ đầu tư chủ động gia cố các vị trí xung yếu, hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân sống ven sông, kênh, rạch.

Bên cạnh đó, để phòng tránh tổ hợp bất lợi như mưa lũ, triều cường, Văn phòng Ban Chỉ huy phối hợp chặt chẽ với đơn vị vận hành hồ thượng nguồn xây dựng kế hoạch điều tiết vận hành hồ chứa, không gây ngập cho thành phố.

Đối với trường hợp bất thường xảy ra, Chi cục Thủy lợi, Văn phòng Ban Chỉ huy đã tham mưu cho UBND TP.HCM ban hành các phương án ứng phó, đồng thời triển khai theo nguyên tắc "4 tại chỗ, 3 sẵn sàng".

Sở NN-PTNT TP.HCM phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam và các đơn vị, địa phương liên quan để vận hành, điều phối việc tích nước, xả lũ hợp lý nhất, tránh tình trạng khan nước, dư nước ngập úng của TP.HCM. Ảnh: Trần Trung.

Sở NN-PTNT TP.HCM phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam và các đơn vị, địa phương liên quan để vận hành, điều phối việc tích nước, xả lũ hợp lý nhất, tránh tình trạng khan nước, dư nước ngập úng của TP.HCM. Ảnh: Trần Trung.

10 nhiệm vụ trọng tâm

Để công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đạt kết quả tốt trong thời gian tới, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM cho biết, Ban chỉ huy đưa ra 10 nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, kiến nghị UBND TP chỉ đạo cho các địa phương đảm bảo tiến độ, nội dung, hạng mục đã được UBND TP chấp thuận chủ trương thực hiện công tác quyết toán kịp thời, đúng quy định đối với kinh phí từ Quỹ Phòng, chống thiên tai hỗ trợ cho địa phương.

Đồng thời, chịu trách nhiệm về việc đảm bảo an toàn công trình phòng, chống thiên tai và các hạng mục, hạng mục công việc liên quan đến công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra liên quan đến việc chậm trễ tiến độ và quyết đoán của địa phương.

Ban Chỉ huy cũng kiến nghị UBND TP tạm ngưng bố trí kinh phí cho các địa phương, đơn vị chậm thực hiện tiến độ, quyết toán kinh phí đối với các dự án vừa cấp phát từ Quỹ Phòng, chống thiên tai thành phố. Đồng thời tăng cường công tác thu Quỹ Phòng, chống thiên tai trên địa bàn.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ đóng quỹ theo quy định tại Điều 17 Nghị định 03 năm 2022 ngày 6/1/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan yêu cầu Sở NN-PTNT TP.HCM phối hợp với các địa phương để có kế hoạch, phương án cụ thể, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị và của thành phố.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam và các đơn vị, địa phương liên quan để vận hành, điều phối việc tích nước và xả lũ hợp lý nhất, tránh tình trạng khan nước, dư nước ngập úng của TP.HCM.

Kiểm tra và rà soát các vị trí sạt lở ở trên bờ sông, kênh, rạch và tổng hợp, công bố các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm để mọi người có cảnh giác tối đa. Hướng dẫn cho các địa phương tổ chức thu và sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai đúng quy định pháp luật. 

Ngoài ra, cùng Đài khí tượng thủy văn Nam bộ nắm chắc các thông tin dự báo và cung cấp các thông tin dự báo về thời tiết, thiên tai để các ngành, các cấp, nhân dân thành phố kịp thời, chủ động phòng tránh và ứng phó.

Đối với Bộ Tư lệnh TP, ông Hoan đề nghị “ba sẵn sàng”: sẵn sàng lực lượng; sẵn sàng cơ sở vật chất, phương tiện; sẵn sàng tham gia nhanh, có hiệu quả, kịp thời trong mọi tình huống.

Theo ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng phòng Dự báo khí tượng thủy văn, Đài khí tượng thủy văn Khu vực Nam Bộ, từ nay đến cuối năm, TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ xuất hiện nhiều cơn mưa, đặc biệt tháng 8-9 mưa tương đối lớn.

Mặt khác, diễn biến của mưa phức tạp, đặc biệt vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 mực nước cao nhất sẽ xuất hiện, vượt báo động 3 từ 10 - 20cm. Bên cạnh đó, triều cường cao cộng với những trận mưa lớn sẽ gây ra khó khăn cho sinh hoạt, sản xuất, giao thông đi lại của người dân trong TP và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Ông Quyết cho biết, dự báo trong năm 2023 sẽ có 1 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới TP.HCM và khu vực Nam bộ, do đó cần lên kế hoạch luôn luôn sẵn sàng ứng phó.

Đối với những tháng cuối năm, thời kỳ El Nino hoạt động mạnh hơn, mưa giảm, nên cũng cần lưu ý trong việc tích trữ nguồn nước để phục vụ sản xuất. Mưa ít nhưng diễn biến phức tạp, trận mưa lớn kèm với diễn biến nhiệt độ cao trong ngày sẽ tạo ra đối lưu mạnh và sẽ xuất hiện nhiều hiện tượng dông lốc gió giật.

“Có khi 1 tháng chỉ có 2-3 trận mưa, nhưng mỗi trận mưa tới hàng 100mm sẽ dẫn tới nguy cơ ngập lụt đô thị, xuất hiện giông lốc, giông sét, gió giật có thể gây ra gãy, đổ cây, tốc mái, biển quảng cáo… do đó cần hết sức lưu ý đề phòng”, ông Quyết nhấn mạnh.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.