| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM 'mưa cũng ngập, không mưa cũng ngập'

Thứ Ba 16/05/2023 , 19:08 (GMT+7)

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, phòng chống thiên tai ở đô thị đặc biệt như TP.HCM không chỉ ở vùng ven mà trong đô thị cũng có nguy cơ cao.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị Ảnh: Nguyễn Thủy.

 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 diễn ra ngày 16/5, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng, thời gian gần đây, thành phố chịu tác động bởi biến đổi khí hậu, sự thay đổi thời tiết, nắng nóng, hạn hán, khô hạn, thiếu điện, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt của đời sống của người dân, trong đó có sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.

Theo ông Võ Văn Hoan, TP.HCM luôn đối mặt với tình trạng ngập lụt, "không mưa cũng ngập, mưa ít cũng ngập, mưa nhiều cũng ngập".

5 yếu tố gây ra tình trạng ngập là: mưa, thủy triều lên (2 lần/ngày), xả lũ của hồ Dầu Tiếng; hệ thống thoát nước cũ kỹ hoặc nhỏ hơn so với lưu lượng nước xả thải của thành phố; kênh mương một số nơi bị nghẽn ngập. Đặc biệt TP.HCM đang có xu hướng lún xuống.

Ông Hoan cho rằng, công tác phòng chống thiên tai, lũ lụt ở một đô thị đặc biệt như TP.HCM thì không chỉ phòng, chống ở vùng biển Cần Giờ hay Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, mà trong đô thị cũng có nguy cơ cao. Gió to cũng có thể làm cây bật gốc đè lên xe ô tô, cây trong trường học ngã đổ, bảng quảng cáo rơi… 

Vì vậy, theo ông Võ Văn Hoan, công tác phòng, chống thiên tai phải là việc làm thường xuyên, đặc biệt trong đô thị để có thể ứng phó một cách kịp thời và có hiệu quả trong mọi tình huống.

"Ngay cả các nước phát triển họ cũng phải ứng phó với tình huống này. Năm nay mùa đông của Châu Âu không lạnh mà nóng, còn mùa hè một số bang của nước Mỹ thì lại có tuyết, thời tiết đặc biệt lạ. Phát triển đô thị đến mức nào đó nó sẽ ảnh hưởng, tác động đến khí hậu, chứ không phải khí hậu tác động đến chúng ta", ông Hoan nhận định.

Theo ông Hoan, thời gian qua, công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn thành phố đã được nhận thức và triển khai với nhiều giải pháp ứng phó, đầu tư cơ sở vật chất cho các lực lượng, đã khắc phục được cơ bản tình trạng ngập nội thị. Do đó, trong những năm gần đây, đặc biệt năm 2022 không để xảy ra những trường hợp liên quan đến tính mạng và tài sản (nếu có tài sản thì cũng không phải là những khoản tổn thất lớn). 

Ông Võ Văn Hoan cho biết thêm, thành phố cũng đã đầu tư công nghệ để có thể phòng ngừa, dự báo xu hướng của các cơn bão, sự thay đổi thời tiết. Nhưng chúng ta không biết được những diễn biến phức tạp của nó như thế nào trong tương lai. Do đó, phải nỗ lực nhiều hơn, làm nhiều hơn từ tất cả các khâu, từ quan điểm đến tổ chức công việc cho đến đầu tư, xây dựng, tuyên truyền, vận động... toàn xã hội chung tay phòng, chống thiên tai.

Triều cường, kèm theo mưa khiến nhiều tuyến đường trong nội đô TP.HCM thường xuyên bị ngập. Ảnh: Phúc Lập.

Triều cường, kèm theo mưa khiến nhiều tuyến đường trong nội đô TP.HCM thường xuyên bị ngập. Ảnh: Phúc Lập.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu tất cả thủ trưởng các sở, ngành tiếp tục quán triệt, tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân hiểu và tham gia theo chức trách nhiệm vụ của mình về các quy định pháp luật có liên quan đến phòng, chống thiên tai, bảo vệ rừng; phòng, chống cháy rừng, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng thủ dân sự… Đồng thời, tuyên truyền cho doanh nghiệp trên địa bàn đều phải nhận thức phòng, chống thiên tai là trách nhiệm và có nghĩa vụ phải nộp quỹ Phòng, chống thiên tai. 

“Doanh nghiệp chưa nhận thức được trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc đóng góp vào Quỹ phòng chống thiên tai. Đây là tiền của người lao động đóng góp, chứ không phải tiền của doanh nghiệp. Những vấn đề vướng mắc trong việc tham gia vào đóng góp cho quỹ phòng, chống thiên tai theo quy định pháp luật cần thiết phải tháo gỡ thì Sở NN-PTNT có báo cáo đề xuất UBND TP.HCM.

Nếu không có quỹ này, thành phố không thể sửa chữa các công trình, mỗi năm vài trăm tỷ chống ngập, chống lũ, đê bao, bờ kè, sạt lở... Phải tuyên truyền để mọi người hiểu, mọi người có trách nhiệm cùng tham gia", ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM Đinh Minh Hiệp, trong năm 2022, TP.HCM đã chấp nhận chủ trương đầu tư tu sửa, xử lý 21 công trình phòng, chống thiên tai, tiêu thoát nước, chống ngập trên địa bàn thành phố Thủ Đức (11 công trình) và quận 4 (10 công trình) từ nguồn ngân sách thành phố với tổng kinh phí đề xuất là 83 tỷ đồng.

Các công trình này sau khi được đầu tư hoàn thành sẽ phát huy được hiệu quả liên quan đến ngăn triều cường, thoát nước, phòng chống ngập úng cho khoảng là 118 ha và bảo vệ cho gần 8.900 hộ dân trên địa bàn.

Ông Hiệp cũng cho biết, thành phố từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào lĩnh vực phòng, chống thiên tai.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người dâng giọt mật cho đời

Nghề làm mật mía đã nuôi sống mấy thế hệ trong gia đình lão Nhạc. Tuy nhiên, lão vẫn lo một ngày nào đó nghề cha ông sẽ bị thất truyền.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất