| Hotline: 0983.970.780

Cảnh báo: Rắn hoa cổ đỏ tưởng không độc, cắn tử vong một bé gái

Thứ Ba 06/04/2021 , 15:22 (GMT+7)

Ngày 6/4, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cảnh báo về loài rắn hoa cổ đỏ được nhiều nghĩ là không có độc, nhưng đã gây tử vong cho bé gái 15 tháng tuổi.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). 

Cụ thể, 14 giờ ngày 29/3, bé N.T.N.T (nữ, 15 tháng tuổi, ngụ Đồng Tháp) đang chơi ngoài sân cùng chị gái (5 tuổi) thì bị rắn cắn vào cẳng tay phải. Gia đình phát hiện chỗ cẳng tay phải bé chảy máu, do đó đã dùng lá thuốc (không rõ lá gì – PV) đắp vào chỗ chảy máu, tuy nhiên, sau 2 giờ đồng hồ máu vẫn chảy liên tục nên gia đình đưa bé đến Bệnh viện Đa Khoa Tiền Giang.

Tại đây, sau 2 giờ đồng hồ, chỗ vết cắn vẫn máu chảy máu liên tục, bệnh nhi được truyền máu huyết tươi đông lạnh, yếu tố đông máu và truyền 4 lọ kháng huyết thanh dành cho rắn lục tre. Tuy nhiên, bé vẫn chảy máu và có nhiều vết bầm da trên cơ thể, đặc biệt là ở hai chân và ở trán nên đã chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).

13 giờ 30 ngày 30/3, bệnh nhi nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo, vết thương đã được băng. Tuy nhiên, tại chỗ vết rắn cắn các bác sĩ nhận định, vết sang thương không giống với vết cắn do rắn lục tre hay rắn lục đuôi đỏ cắn.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, qua đối chiếu hình ảnh với gia đình, xác định đây là rắn hoa cổ đỏ, một loại rắn độc chưa có kháng huyết thanh. Xét nghiệm máu cho thấy, có sự rối loạn máu nhiều nên bệnh nhi được truyền các sản phẩm của máu như huyết tương đông lạnh, truyền máu, băng ép tại chỗ… Tuy nhiên, máu vẫn chảy liên tục.

Bệnh viện Nhi đồng 1 đã liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi có nghiên cứu về loại rắn này và được biết hiện Việt Nam chưa có kháng huyết thanh, mà chỉ điều trị triệu chứng. “Chúng tôi đã liên hệ nhiều quốc gia để tìm kiếm kháng huyết thanh nhưng không có. Chỉ có một Viện nghiên cứu ở Nhật đang nghiên cứu thử nghiệm kháng huyết thanh rắn hoa cổ đỏ, tuy nhiên chế phẩm vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, chưa thể sử dụng được”, bác sĩ Phương cho biết.

Loại rắn hoa cổ đỏ được nhiều người gọi là 'rắn học trò'.

Loại rắn hoa cổ đỏ được nhiều người gọi là "rắn học trò".

Bệnh nhi được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1, các bác sĩ cố gắng cứu bé bằng cách truyền rất nhiều máu, chế phẩm máu, gần như là thay máu cho bé, truyền thuốc rối loạn đông máu... Dù bệnh viện đã cố gắng hết sức, tuy nhiên bé ngày càng nặng, xuất huyết không chỉ ở vết thương mà còn xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, suy hô hấp, phải dùng máy thở. Bé đã tử vong vào ngày 1/4, sau 2 ngày tích cực điều trị.

Tìm hiểu về rắn hoa cổ đỏ

Theo báo cáo của Bệnh viện Chợ Rẫy, trong vòng 10 năm qua, bệnh viện đã tiếp nhận 31 trường hợp bị rắn cổ đỏ tấn công và chỉ cứu được 6 người.

Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương, rắn hoa cổ đỏ thuộc dòng rắn nước nhưng cư trú trên bờ, thậm chí cả ở cao nguyên. Nó có nhiều tên như rắn hổ lửa, rắn học trò, rắn bảy màu, nữ hoàng bóng đêm..., có đầu màu xanh ô liu, cổ đỏ, thân mình nhiều hoa văn đen, xanh... rất đẹp. Thậm chí, loại rắn này cũng được các em học sinh bắt chơi nên còn có tên gọi là “rắn học trò”. Trên thực tế, loài rắn cổ đỏ này không tự sản xuất ra nọc độc mà tích lũy nọc độc từ các loại động vật chúng ăn như cóc độc, rết và dùng nọc độc này phòng vệ khi bị tấn công hoặc đe dọa.

“Nguy hiểm nhất là một số người vẫn tưởng nó không độc, thậm chí cho trẻ con nuôi chơi. Đây là loại rắn rất đặc biệt, vì 10 người bị cắn thì chỉ có 3 người nhiễm độc, 7 người không có triệu chứng gì nên mới tưởng không độc. Tôi khẳng định đây là loại rắn có độc”, bác sĩ Phương nói.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương cho hay, tùy theo thế cắn của rắn mà lượng độc chất bơm vào người khác nhau, có người bị rắn cổ đỏ cắn có thể không gặp triệu chứng gì cho tới bị rối loạn đông máu, thậm chí mất mạng. “Em bé nói trên không may bị cắn khi con rắn mở to miệng, nên bị rắn bơm nọc vào. Độ nặng của bệnh nhân còn tùy thuộc vào lượng nọc con rắn bơm vào”, bác sĩ Đinh Tấn Phương giải thích.

Rắn hoa cổ đỏ khi trưởng thành dài tới hơn 1m2, thường sống xung quanh nhà dân. Do đó, trong điều kiện huyết thanh kháng lại nọc rắn hoa cổ đỏ còn là bài toán tương lai, bác sĩ Đinh Tấn Phương khuyến cáo, không để trẻ nhỏ bắt loại rắn này làm cảnh chơi, tránh gây nguy hiểm đến tính mạng.

Trong trường hợp chẳng may bị loại rắn này cắn phải, nên rửa sạch vết thương và đưa người bệnh đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt, không garo vết thương như bị các loại rắn gây nhiễm độc thần kinh cắn và đặc biệt không đắp lá cây để tránh gây nhiễm trùng vết thương. Đồng thời, phải nhớ hình dáng loại rắn đã cắn để cung cấp thông tin cho bác sĩ biết.

“Nhiều người có sở thích uống mật rắn, rượu rắn… nhưng riêng với rắn hoa cổ đỏ, nọc của rắn này không bị biến đổi bởi nhiệt, axit, rượu... do đó không được ăn hay ngâm rượu với loài rắn này”, bác sĩ Đinh Tấn Phương khuyến cáo.

Xem thêm
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị Pháp ngữ

Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên Tạp chí Influences nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19.

Chuyện chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở vựa rau Minh Tân

Ông Đinh Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội thông tin, địa phương có 587 ha đất nông nghiệp trong đó có 160 ha rau.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Hải Phòng điều động, bổ nhiệm lãnh đạo 3 Chi cục thuộc Sở NN-PTNT

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng vừa quyết định về việc điều động, bổ nhiệm công tác cán bộ tại 4 đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT.