| Hotline: 0983.970.780

Coi chừng trẻ bị rắn cắn

Thứ Ba 01/11/2016 , 08:45 (GMT+7)

Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội) đã tiếp nhận 3 trẻ bị rắn độc cắn. Đáng lưu ý, tất cả các trẻ bị rắn cắn đều dưới 5 tuổi.

14-23-01_tre-rn-cn
Trẻ bị rắn cắn
 

Theo một bác sĩ Khoa Nhi, hầu hết các bé được đưa đến viện kịp thời nên nhập viện trong tình trạng tỉnh táo với vết cắn ở mu bàn chân, bắp chân. Tuy nhiên, các vết rắn cắn khiến chân và bắp chân các em tím bầm, sưng nề. Có trường hợp, theo mô tả của người nhà, trẻ bị rắn lục đuôi đỏ cắn.

“Không chỉ với 3 trẻ bị rắn cắn mới đây, hầu hết trẻ bị rắn cắn sống ở vùng nông thôn. Nhiều trẻ bị rắn cắn khi đang chơi quanh sân nhà, gần bụi cỏ. Tuy nhiên, cũng có trẻ đi nghỉ cùng gia đình chơi trên bãi cỏ thì bị rắn cắn”, bác sĩ này nói.

Vẫn theo bác sĩ này thì, khi trẻ nhập viện sẽ được các bác sĩ truyền huyết thanh kháng nọc rắn. Cả ba trường hợp gần đây, do các em đến viện kịp thời nên chỉ sau một tuần điều trị đã có thể xuất viện. Khoa Nhi vẫn thường xuyên tiếp nhận bệnh nhi bị rắn cắn; không ít trường hợp nguy hiểm đến tính mạng vì nọc độc của rắn nhưng bố mẹ không biết đưa con vào viện chậm.

Vì thế, để phòng ngừa rắn cắn, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) khuyến cáo gia đình không nên cho trẻ chơi ở những khu vực rậm rạp như: bụi cây, đống lá rụng, gạch vụn, đống đổ nát… - đây thường là những nơi cư trú của rắn.

TS. Dũng lưu ý, nếu phát hiện con bị động vật cắn gây đau nhức, dù chưa rõ nguyên nhân cha mẹ cũng không nên chủ quan để con ở nhà mà hãy cho bé nhập viện ngay lập tức để bác sĩ xác định và chữa trị kịp thời. Với trường hợp rắn cắn, trẻ sẽ có những dấu hiệu như sưng nề lan rộng nhanh, đau nhức dọc chi bị cắn; chảy máu không cầm; buồn nôn, đau đầu, nặng mi mắt, sụp mi, khó nuốt, khó thở, lơ mơ, nước tiểu đen…

Ngoài ra, cũng không nên ga-rô (buộc quá chặt) mà chỉ băng ép. Nếu bệnh nhân liệt thì khai thông đường hô hấp như hút đờm rãi, hô hấp nhân tạo… Tránh can thiệp vào vết cắn vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng sự hấp thu nọc và dễ chảy máu thêm.

Khi bị rắn độc cắn, người bệnh cần rửa vết thương, cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn tránh gây chèn ép khi chi sưng nề; chú ý không để bệnh nhân tự đi lại, bất động chi bị cắn bằng nẹp. Trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn, không chích rạch tại vết cắn, thay vào đó có thể nặn hút máu tại vết cắn để loại trừ bớt nọc độc… Sau đó, bệnh nhân cần nhanh chóng tới bệnh viện để điều trị.

 

Xem thêm
Sàng lọc ung thư thực quản bằng bọt biển

Trong vòng 3 năm tới, những người bị ợ nóng sẽ được xét nghiệm lâm sàng ung thư thực quản thông qua một xét nghiệm kéo dài khoảng 10 phút.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Gợi ý những món canh giàu dinh dưỡng tốt cho người tiểu đường

Chế độ dinh dưỡng có vai trò và tác động rất lớn đối với sức khỏe của người bị tiểu đường.

8 thực phẩm giúp giữ ấm và tăng cường miễn dịch mùa lạnh

Trong những ngày Đông giá rét, duy trì chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng không chỉ giúp giữ ấm mà còn tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.