Thành phố Hải Phòng nằm trong tam giác phát triển kinh tế, cửa ngõ chiến lược trong quy hoạch phát triển “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”, cầu nối giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực Đông Nam Á và Bán đảo Đông Dương.
Những năm gần đây, sự phát triển kinh tế, xã hội đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và các loài động vật hoang dã (ĐVHD) của Hải Phòng.
Một số loài quý hiếm như tôm hùm, cá ngựa, cà cuống... không còn được phát hiện tại Hải Phòng. Nhiều rạn san hô bị suy giảm nghiêm trọng khó hồi phục.
Trong số 6.177 loài của hệ động, thực vật, Hải Phòng ghi nhận được 85 loài động thực vật quý hiếm có trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và 56 loài có trong Danh lục đỏ của tổ chức Bảo tồn Quốc tế IUCN (2013).
Hải Phòng hiện có 20 tiểu hệ sinh thái thuộc 3 nhóm: trên cạn, thủy vực nội địa và hệ sinh thái thủy vực biển, đảo ven bờ được tập trung nghiên cứu với số lượng 6.177 loài sinh vật.
Trong đó, thành phố đã xác định danh sách 85 loài động thực vật quý hiếm có trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh mục các loài có nguy cơ bị đe dọa của tổ chức Bảo tồn Quốc tế IUCN; 14 loài động, thực vật đặc hữu có giá trị bảo tồn và phát triển cần có những nghiên cứu sâu hơn.
Những năm qua, UBND TP. Hải Phòng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng để bảo vệ các loài ĐVHD cũng như kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi vi phạm trên địa bàn thành phố.
Cùng với đó, các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố đã tích cực tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật và các quy định về bảo vệ các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm.
Đặc biệt là tổ chức gây nuôi phát triển ĐVHD đã góp phần hạn chế việc săn bắt ĐVHD trong các khu rừng, khu dự trữ sinh quyển thế giới Vườn Quốc gia Cát Bà. Hiện, nhiều địa phương trong thành phố đã có các cơ sở gây nuôi cá sấu, ba ba, nhím, đà điểu.... từ hỗ trợ, chia sẻ bớt áp lực cho công tác bảo tồn và phát triển ĐVHD.
Tuy nhiên, việc mua, bán, vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến trái phép ĐVHD trên địa bàn TP. Hải Phòng vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi với các hành vi phổ biến như: Bày bán trái phép ĐVHD trên lề một số tuyến đường và chợ của thành phố. Tàng trữ, buôn bán trái phép ĐVHD ở một số khu dân cư. Nuôi nhốt trái phép ĐVHD để làm cảnh ở nhiều hộ dân và một số cơ sở hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Tuy nhiên, kể từ ngày 27/12/2007, khi Lực lượng Cảnh sát môi trường, Công an TP. Hải Phòng được thành lập và chính thức đi vào hoạt động, công tác bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm trên địa bản thành phố đã bước sang giai đoạn mới.
Quá trình hoạt động, Cảnh sát môi trường Hải Phòng luôn quán triệt quan điểm chỉ đạo của Giám đốc Công an Thành phố và C05 Bộ Công an, chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Kiểm lâm thành phố, Cục Hải Quan... tổ chức các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội, nắm chắc tình hình tại các lĩnh vực, địa bàn có nguy cơ xảy ra vi phạm như Cảng Hải Phòng; Các tuyến đường quốc lộ 10, quốc lộ 5A, Vườn Quốc gia Cát Bà; các nhà hàng, quán ăn có nhiều biểu hiện sử dụng ĐVHD để làm thực phẩm chế biến thức ăn.
Đặc biệt, trong hơn 10 năm qua, đơn vị đã tổ chức trên 300 lượt tuyên truyền pháp luật môi trường, pháp luật đa dạng sinh học, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên tịch giữa Bộ Công an và các Bộ, ngành về tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài ĐVHD, quý hiếm.
Phối hợp Chi cục Kiểm lâm thành phố thanh, kiểm tra 216 lượt đối với các cơ sở hoạt động có liên quan đến các loài ĐVHD trên địa bàn thành phố như nuôi nhốt gấu, cá sấu, ba ba, nhím, đà điểu...
Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, quản lý chặt chẽ các địa bàn, lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, nhất là các đối tượng có biểu hiện hoặc dấu hiệu vi phạm, bố trí cộng tác viên bí mật thường xuyên quản lý, giám sát và cung cấp các thông tin, tài liệu cần thiết để kịp thời có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý.
Chủ động triển khai các kế hoạch phối hợp trong việc kiểm tra, xử lý các hành vi vận chuyển, mua bán, sử dụng ĐVHD nguy cấp quý hiếm.
Qua đấu tranh từ khi thành lập năm 2007 đến nay, Lực lượng Cảnh sát môi trường, Công an TP. Hải Phòng đã phát hiện, kiểm tra, xử lý 17 vụ việc liên quan đến ĐVHD.
Cụ thể, Cảnh sát môi trường Hải Phòng đã phát hiện 6 vụ vận chuyển ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD gồm: tê tê, ngà voi, cá ngựa gai khô, gỗ quý thuộc danh mục nguy cấp quý hiếm vi phạm. Các vụ việc này đều có thủ đoạn khai báo gian dối và sử dụng các loại hàng hóa không vi phạm như hoa hồng khô, vỏ sò… để phía bên ngoài tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Phối hợp kiểm tra, xử lý 9 vụ vận chuyển động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm qua địa bàn, trong đó chủ yếu là tê tê, kỳ đà. Các đối tượng thường sử dụng phương tiện đã hoán cải, phân khối lớn và dùng biển số giả để tránh kiểm soát của các đơn vị chức năng, đồng thời khi bị phát hiện sẵn sàng gây tai nạn để bỏ chạy làm nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Phối hợp kiểm tra bắt giữ 2 vụ mua bán trái phép động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm là cu li và khỉ được bày công khai tại khu vực chợ Hàng. Các đối tượng do nhận thức còn hạn chế, mua bán với mục đích nuôi làm cảnh, do đó đơn vị đã phối hợp bàn giao số động vật hoang dã trên cho đơn vị chức năng thả về tự nhiên và xử lý hành chính đối tượng vi phạm theo quy định.
Ngoài ra, đơn vị đã nhiều lượt tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân giao nộp và thả về tự nhiên động vật hoang dã được nuôi, nhốt với mục đích làm cảnh không đúng quy định.
Công tác phòng, chống tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD nguy cấp quý hiếm tại Hải Phòng dù đã đạt được một số kết quả bước đầu song vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD nguy cấp quý hiếm, Lực lượng Cảnh sát môi trường, Công an TP. Hải Phòng đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể những vấn đề còn chưa rõ ràng trong việc thực thi pháp luật của các đơn vị chức năng như hướng dẫn cụ thể một số vấn đề của điều 244 Bộ luật hình sự, sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật cho phù hợp hơn với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật và các quy định về bảo tồn các loài ĐVHD nguy cấp quý hiếm, gắn với việc tổ chức tốt phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên từng địa bàn, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng để chung tay cùng tham gia bảo vệ các loài ĐVHD thông qua việc không sử dụng, mua bán trái pháp luật, tố giác, lên án các hành vi vi phạm.
Thứ ba, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực thi phạm luật như Kiểm lâm, Cảnh sát môi trường, Hải Quan, Tài nguyên và Môi trường, các Trung tâm cứu hộ ĐVHD, cơ quan Giám định... về năng lực, trình độ, cơ sở vật chất, kinh phí nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm này.
Thứ tư, tăng cường hơn nữa công tác phối kết hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước và ngành Tư pháp, Cơ quan quản lý Cites Việt Nam, INTERPOL, ASEAN-WEN... để thường xuyên cung cấp, trao đổi thông tin và hỗ trợ trong công tác nắm tình hình. Đặc biệt, cần củng cố và đưa ra xét xử công khai các vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp để răn đe, giáo dục các đối tượng.
Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Phối hợp xây dựng, triển khai các điều ước quốc tế, tổ chức và tham gia các chiến dịch bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.
Tham gia và tổ chức các hội thảo, tập huấn luật pháp quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, chiến thuật điều tra các tội phạm về buôn bán trái phép động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.