Kiểm dịch thú y tại cửa khẩu Lạng Sơn |
Ngày 26/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1254/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020.
Để triển khai thực hiện các giải pháp cải cách công tác kiểm tra, quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, Kế hoạch đã chỉ rõ những nội dung vướng mắc trong công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn; kiểm dịch động vật, sản phầm động vật thủy sản và yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN-PTNT.
Cụ thể, có 3 nội dung vướng mắc tại Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT và Thông tư số 24/2017/TT-BNNPTNT bao gồm:
(1) Tại mục 14 Phần III Nghị quyết 19-2018/NQ-CP nêu: Khái niệm “sản phẩm động vật” tại Phụ lục I Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn và Phụ lục 22 Thông tư số 24/2017/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2017 ban hành bảng mã số HS đối với hàng hóa chuyên ngành xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN-PTNT làm cho diện hàng hóa phải kiểm dịch động vật quá rộng, quá mức cần thiết (chỉ nên kiểm dịch đối với các sản phẩm tươi sống hoặc sơ chế);
(2) Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm, thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP với nhiều quy định mới, do vậy, nội dung quy định tại Thông tư không còn phù hợp;
(3) Thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vừa phải kiểm tra chất lượng và kiểm dịch (đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi thuộc Danh mục phải kiểm dịch) do hai cơ quan (Cục Thú y/Tổng cục Thủy sản và Cục Chăn nuôi) thuộc Bộ NN-PTNT thực hiện kiểm tra.
Tại Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 và Thông tư số 24/2017/TT-BNNPTNT, 2 nội dung vướng mắc được chỉ ra là: (1) Danh mục hàng hóa phải kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản còn rộng, nhiều mặt hàng đã qua chế biến sâu cũng thuộc diện phải kiểm dịch như các loại thủy sản hun khói, đồ hộp...; tại danh mục chưa định danh rõ các mặt hàng thuộc mã hàng “loại khác” của “loại khác”;
(2) Giống thủy sản nhập khẩu vừa phải kiểm tra chất lượng và kiểm dịch do hai cơ quan (Cục Thú y và Tổng cục Thủy sản) thuộc Bộ NN-PTNT thực hiện kiểm tra.
Thông qua viêc chỉ ra các vướng mắc trên đây, Chính phủ yêu cầu Bộ NN-PTNT, trong quý IV/2018 phải hoàn thành việc rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa thuộc đối tượng phải kiểm dịch động vật tại Phụ lục I Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT và Phụ lục 22 Thông tư số 24/2017/TT-BNNPTNT theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP theo hướng chỉ kiểm dịch đối với các sản phẩm tươi sống hoặc sơ chế; rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa thuộc đối tượng phải kiếm dịch thủy sản tại Phụ lục 23 Thông tư số 24/2017/TT-BNNPTNT, như các mặt hàng đã qua chế biến sâu; các mặt hàng thuộc mã hàng “loại khác” của “loại khác”; định danh rõ các mặt hàng thuộc mã hàng “loại khác” của “loại khác”. Đồng thời, ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều Luật An toàn thực phẩm.
Chính phủ yêu cầu rà soát, cắt giảm tối đa danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan, nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý của cơ quan nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại; chỉ kiểm tra chuyên ngành trước thông quan đối với những hàng hóa có nguy cơ rủi ro cao gây mất an toàn, gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng con người, gây ô nhiễm môi trường, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, nguy hại cho kinh tế, cho an ninh quốc gia.
Việc sửa các văn bản quy phạm pháp luật trên đây cũng phải gắn với các định hướng giao cơ quan kiểm dịch thực hiện kiểm dịch và kiểm tra chất lượng đối với thức ăn chăn nuôi và giao cơ quan kiểm dịch thực hiện kiểm dịch và kiểm tra chất lượng đối với giống thủy sản nhập khẩu.