Cuối giờ chiều, anh Phạm Hồng Khiển (xã Gia Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) cũng vừa bán hết thúng cát trắng. Anh nhỏ nhẹ chia sẻ: “Tranh thủ mấy ngày cận Tết, tôi chở cát trắng về thành phố Đồng Hới bán cho mọi người. Hôm nào bán được khách cũng có thu nhập khoảng 500 ngàn đồng, hôm ít cũng được chừng 300 ngàn. Mấy ngày Tết cũng có đồng tiền chi tiêu là mừng rồi”.
Ở quê vùng cát trắng có phong tục từ lâu, đó là vào dịp cuối năm, bà con lấy cát đã làm sạch, phơi khô và thay vào lư hương để cắm nhang trước khi lên cây nêu, cúng Tất niên đưa năm cũ đi và đón năm mới tới.
Người dân vùng quê bên sông Kiến Giang không có cát thì tranh thủ ghé qua nhà bà con để xin cát trắng mang về. Hoặc bà con bên vùng cát mang sang tặng như là quà cuối năm với sự trân trọng.
Nghe bà con nói, mấy năm trước có người lấy cát trắng chở về thành phố bán cho bà con dịp cận Tết cũng có tiền. Dần dà, cát thay lư hương được bán ở các chợ phố, xe ô tô tải nhỏ chạy hết đường này đến phố khác với tiếng rao quen thuộc: “Ai mua cát trắng thay lư hương…”.
Anh Mai Hồng Khiển ngồi khiêm nhường bên con phố trước chợ Đồng Hới, phía trước mặt là cái chậu nhôm lớn đựng đầy cát. Thỉnh thoảng có người đi xe máy dừng mua. Người 5 lon, người chục lon (loại lon sữa Ông Thọ mà bà con vẫn dùng đong gạo).
“Giá mỗi lon đầy vun là 2 ngàn đồng. Nhà mô mua khoảng 20 lon là thoải mái dùng, còn để rải lên chậu hoa xuân trước nhà nữa”, anh Khiển nói.
Ở chợ Đồng Hới hay mấy khu chợ ở thành phó bao giờ cũng có dăm ba người bán cát. Người mua không đông, không phải chen chân nhau nhưng cũng đủ cho người bán cát luôn tay.
Anh Khiển hay chuyện trò, nói trên vùng cát có đến ba loại là cát vàng, cát trắng và cát trắng màu gạo. Cát vàng thì nhiều, nhưng không ai lấy để thay lư hương mà phải là cát trắng. “Cát trắng bữa nay hiếm, phải đào sâu xuống dưới lớp cát vàng mới lấy được. Còn cát trắng gạo càng hiếm hơn. Lâu lâu mới kiếm được vùng cát màu này”, anh Khiển bộc bạch.
Anh Khiển hẹn chúng tôi ra vùng cát cách nhà khoảng 5 cây số. Ở đây mới lấy được cát trắng. Anh cùng đứa cháu dùng xẻng hì hục đào lấy hết lớp đất trên mặt sâu xuống chừng 1m thì mới chạm đến lớp cát trắng. Hai chú cháu thay nhau xúc cát vào bao tải, chất lên xe ba gác chở về nhà.
“Cát này phải đưa xuống khe nước để rửa sạch rồi mới mang lên phơi nắng trên tấm bạt. Khi cát khô, lùa tay vào, cát chảy như lụa qua kẽ ngón tay là cát đã khô đạt chuẩn. Khi đó mới đưa đi bán cho bà con được”, anh Khiển trò chuyện.
Anh Khiển có công việc chính là thợ hồ. Gần hai tháng trước khi thời tiết có nắng đẹp là anh và một số bà con đã tranh thủ đi đào cát mang về phơi khô và đóng bao cất. Đợi đến những ngày cận Tết là chở về thành phố bán.
“Phải tranh thủ vậy chớ gần Tết thường mưa lạnh nên không thể phơi cát được. Có năm trời mưa nên đào cát lên phải đốt lửa rang cát trong nồi cho khô để có mà bán”, anh Khiển nói nhỏ nhẹ.
Mỗi ngày ngồi bán cát cũng có thể thu nhập được từ 300 - 500 ngàn đồng. Nghe thì tưởng dễ, nhưng anh Khiển cho hay là nếu cộng luôn vào những ngày đi đào cát, phơi cát… thì công cán cũng không được là bao. Bốc vác bao cát nặng 40 - 50 ký đi trên cát, dưới nắng cũng vất vả lắm chứ không phải dễ dàng chi.
“Nhưng cứ tính là lấy công làm lãi, với lại tranh thủ kiếm thêm thu nhập. Vụ cát dịp Tết cũng có thu nhập 5 - 7 triệu đồng, đủ mua thêm gạo trắng, gạo nếp, thịt thà… cho Tết thêm ấm cúng là vui lắm rồi”, anh Khiển nói vui.
Chiều 25 Tết, anh Khiển khiêng hai bao cát đầy để vào tấm kê ở góc nhà. Anh cười bảo: “Ngày mai chở về Đồng Hới bán. Nếu may mắn bán hết hai bao cát này là có thu nhập được 500 ngàn đồng đó. Thiệt là vui”.