| Hotline: 0983.970.780

Nghệ nhân trồng đào thất thốn chia sẻ 'bí kíp' chăm cây dịp Tết

Thứ Tư 22/01/2025 , 15:38 (GMT+7)

Nghệ nhân Lê Hàm đã ‘thức tỉnh’ giống đào quý, mang đến cho tín đồ yêu hoa cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của nó trong dịp Tết Nguyên đán.

Ủ đào trong phòng điều hòa chờ Tết

Về làng đào Nhật Tân những ngày cận Tết, không khí tấp nập khác hẳn với vẻ ảm đạm sau cơn bão số 3. Đến thăm vườn đào thất thốn của nghệ nhân Lê Hàm, ai cũng tất bật hoàn thành những công đoạn cuối cùng để kịp vận chuyển cho khách hàng kịp chơi Tết.

Dành nửa đời người gắn bó với nghề trồng đào, ông Lê Hàm coi việc nghiên cứu, chăm sóc hoa đào như một phần tất yếu của cuộc sống. Thế nhưng, điều khiến mọi người nhớ tới ông chính là bởi ông đã “thuần phục” được đặc tính “khó chiều” của giống đào thất thốn, loại hoa vốn chỉ nở vào rằm tháng Giêng.

Đào thất thốn được ông Hàm cho vào nhà lạnh. Ảnh: Hùng Khang.

Đào thất thốn được ông Hàm cho vào nhà lạnh. Ảnh: Hùng Khang.

Để giữ cho đào nở đúng dịp Tết, hơn 100 gốc đào quý của ông được đặt trong các nhà tôn lắp đặt hệ thống điều hòa hai chiều. Mỗi ngày ông đều dành thời gian túc trực tại vườn đào đến “mất ăn mất ngủ”, theo dõi sát sao để điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây.

“Trước Tết khoảng 3 tháng tôi sẽ di chuyển đào thất thốn vào nhà điều hòa để ủ đào nở đúng dịp Tết. Những năm gần đây thời tiết nắng nóng thất thường nên đào thường nở sớm, nhiệt độ ủ đào thường dao động từ 17-20 độ C. Trung bình kinh phí tiền điện cho các phòng điều hòa khoảng 100 triệu đồng”, ông Hàm chia sẻ.

Trước kia, những phòng tôn điều hòa chỉ là những gian nhà bằng tre nứa, nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ để chinh phục đặc tính “khó chiều” của giống đào tiến vua. Không chỉ thay hệ thống tôn, toàn bộ khu nhà được ông Hàm dán phủ một lớp phản quang để tăng ánh sáng và giữ nhiệt. Điểm đặc biệt của những “phòng nghỉ của đào” là chúng hoàn toàn cơ động, có thể tháo dỡ dễ dàng.

Từng cây đào được ông Hàm chăm sóc tỉ mỉ và cầu kỳ. Ảnh: Hùng Khang.

Từng cây đào được ông Hàm chăm sóc tỉ mỉ và cầu kỳ. Ảnh: Hùng Khang.

Những cây đào có cùng độ tuổi được ông Hàm để vào một vị trí, đến thời điểm đào cần thay đổi môi trường sống, ông sẽ lắp đặt khung nhà đến vị trí phù hợp để đáp ứng nhu cầu phát triển của cây, giảm khả năng cây phải di chuyển nhiều ảnh hưởng đến khả năng phát triển.

Theo ông Hàm, việc để đào thất thốn trong phòng điều hòa không nhằm thúc ép cây mà chỉ áp dụng phương pháp này để tạo ra một môi trường ổn định, giảm thiểu sự thay đổi nhiệt độ thất thường, khiến đào sinh trưởng một cách tự nhiên và khỏe mạnh. Thay vì “trông trời, trông đất, trông mây”, ông đã mạnh dạn tiên phong áp dụng khoa học kỹ thuật, khiến giống đào khó tính được phục vụ bà con đúng dịp Tết đến xuân về.

Ăn, ngủ cùng đào

Chỉ mấy tháng trước khi bão số 3 đổ bộ, vườn đào của ông Lê Hàm nước ngập đến ngọn, tưởng không thể cứu vãn. Không đành lòng nhìn tâm huyết cả đời đổ sông đổ bể, ông đã nỗ lực cứu vãn, quyết tâm vực dậy vườn đào.

Các nghệ nhân làng đào Nhật Tân thường ví màu đỏ của hoa đào thất thốn như sắc tiết dê, vừa rực rỡ vừa tinh tế. Chỉ cần một bông nở, cả không gian xuân như bừng sáng, ngập tràn sức sống. Gốc đào xù xì, nhuốm màu cổ kính, càng lớn càng có giá trị cao.

Những cây đào thất thốn được đưa vào nhà lạnh để chăm sóc. Ảnh: Hùng Khang.

Những cây đào thất thốn được đưa vào nhà lạnh để chăm sóc. Ảnh: Hùng Khang.

Nổi danh nhờ nghề trồng đào, chỉ cần vuốt nhẹ lên thân lá, quan sát kỹ lưỡng là nghệ nhân Lê Hàm có thể biết thời điểm cây trổ hoa. Để trồng đào thất thốn, đất cần phải là loại đất thịt được đánh lên, phơi nắng cho đến khi đất hết chua. Nước tưới cho cây cũng phải là nước sạch, tinh khiết. Dưới gốc đào, ông Hàm trồng rau má như “người gác cửa” để ông nhận biết khi nào cây thiếu nước, thừa nước. Chỉ khi được chăm sóc kỹ lưỡng như vậy, cây mới khỏe mạnh, tạo nên vẻ đẹp tao nhã, kiêu sa của loài hoa này.

Là khách quen hơn 10 năm của ông Hàm, anh Nguyễn Đình Huy, quận Long Biên, Hà Nội cho biết chưa năm nào hoa đào của ông Hàm không nở đúng vào dịp Tết: “Đào thất thốn của ông Hàm được trồng một cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng và công phu. Những gốc đào trưng trong nhà luôn nhận được lời khen ngợi vì vẻ đẹp độc đáo, hiếm thấy. Hoa đào nở đỏ thắm, cánh dày và rực rỡ, tạo một nét cuốn hút khó cưỡng”.

Theo nghệ nhân Lê Hàm, đào quý, khó trồng nên ông chỉ cho thuê Tết chứ không bán. Giá thuê mỗi gốc dao động từ vài triệu đến gần chục triệu đồng, những gốc đào già, quý hiếm có giá thuê lên đến hàng chục triệu đồng cho vài ngày Tết.

Hoa đào thất thốn được nhiều người yêu thích. Ảnh: Hùng Khang.

Hoa đào thất thốn được nhiều người yêu thích. Ảnh: Hùng Khang.

Ngoài việc miệt mài chăm sóc đào, ông Lê Hàm không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm đúc kết và giống cây tới những chủ vườn tâm huyết với nghề để khiến nghề truyền thống của ông cha được giữ gìn mãi. Dành cả đời tâm huyết với nghề, nghệ nhân Lê Hàm chính là người đã "hồi sinh" giống đào quý trong đời sống văn hóa của người Hà Nội và những ai trân trọng vẻ đẹp tinh túy của loài hoa này.

Trên gốc cây xù xì, những bông hoa rực rỡ bung nở như lời hồi đáp đầy ý nghĩa cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của lão nông dành trọn đời nghiên cứu, chăm sóc giống đào quý.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất