| Hotline: 0983.970.780

Câu chuyện cha và con của ba vị Thủ tướng

Chủ Nhật 14/02/2021 , 13:10 (GMT+7)

Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải là ba vị Thủ tướng có nhiều công lao và đóng góp đặc biệt với nhân dân và đất nước.

 Trong gia đình riêng, các ông là những người cha mẫu mực, tràn đầy tình yêu thương và trách nhiệm dành cho con cháu. Câu chuyện về mối quan hệ cha và con của ba vị Thủ tướng này thật nhiều cảm động…

Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Tận tình chăm sóc vợ, là người đầu tiên bế cháu nội khi các cháu chào đời.

Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng và cháu nội Phạm Quốc Hoa: Ảnh tư liệu.

Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng và cháu nội Phạm Quốc Hoa: Ảnh tư liệu.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1906 - 2000) là vị Thủ tướng  đầu tiên của Việt Nam và cũng là người giữ trọng trách này lâu nhất, từ năm 1955 đến năm 1987. Ông có một người con trai duy nhất là Thiếu tướng Phạm Sơn Dương (sinh năm 1951, được phong năm 2009, Phó Giám đốc Viện KH&CN Quân sự, Bộ Quốc phòng).

Sau khi giải phóng Thủ đô, Chính phủ trở về Hà Nội. Tuổi thơ của Phạm Sơn Dương gắn liền với Phủ chủ tịch, nơi anh sống cùng với cha mình.

Cuộc đời riêng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng có những éo le. Vợ ông sớm mắc bệnh, tâm lý bất ổn và phải ở riêng, nên vị Thủ tướng, dù bận việc nước, vẫn luôn dành thời gian chăm sóc vợ. Sống và làm việc cùng Bác Hồ, những ngày nghỉ cuối tuần, ông ra thăm hoặc đón bà vào Phủ chủ tịch. Nếu ông không ra thăm vợ được vì quá nhiều việc thì Phạm Sơn Dương được cho ra thăm mẹ.

Hồi trẻ, ông Phạm Văn Đồng có hứa với vợ là dù có làm cách mạng thì đi đâu xa cũng sẽ cho bà đi cùng. Tuy nhiên, hoạt động bí mật, ông phải liên tục thay đổi chỗ ở, nên đã không thực hiện được lời hứa này. Sau đó, có thời gian ông bị địch bắt và đày đi tù ở Côn Đảo.

Hai người xa nhau biền biệt. Cũng có thể vì quá hụt hẫng, không đủ sức chịu đựng, mà vợ ông mới sinh ra bệnh nửa nhớ nửa quên như thế. Ông đã từng đưa bà sang Trung Quốc chữa bệnh mà không khỏi. Nghe bác sĩ bảo, bà bị bệnh là do xa ông quá lâu, nếu được gần thì bệnh sẽ khỏi dần.

Ông xin đã phép Bác Hồ, rời Phủ Chủ tịch, dành ra mấy tháng ở gần bà, chăm sóc, tâm tình với bà, nhưng bệnh của bà vẫn không thuyên giảm.

Tuy sống trong Phủ chủ tịch cùng với cha, nhưng các chú cùng làm với cha mới là những người trực tiếp dạy bảo Phạm Sơn Dương. Dù chỉ mắc chút lỗi, dù mải chơi thôi, nhưng do được cha gửi gắm kỹ nên anh không hề có sự ưu ái nào mà còn bị nhắc nhở nghiêm khắc hơn. Thậm chí, có khi còn... dính roi.

Năm lên 16 tuổi, Phạm Sơn Dương đi học trường thiếu sinh quân. Do đã được rèn dũa kỹ, nên anh đã hòa nhập rất nhanh trong môi trường quân sự. Chính sự nghiêm khắc của cha đã tạo cho anh hành trang để trở thành một người lính kỷ luật. Các bạn đồng học, đồng ngũ không mấy ai biết anh là con trai của Thủ tướng. Đơn vị đi sơ tán, ở nhà dân, lại càng không có ai biết xuất thân của anh.

Xây dựng gia đình, Phạm Sơn Dương kết hôn cùng Minh Châu, một ca sỹ nổi tiếng với nhiều giải thưởng như: Giải Nhất tiếng hát sinh viên toàn quốc 1985, được tham dự Festival quốc tế học sinh, sinh viên lần thứ 12 năm 1985 tại Moscow, đoạt giải Nhất Bông cúc Vàng do TLĐLĐ Việt Nam tổ chức năm 1990, từng tham gia Liên hoan âm nhạc dân tộc thế giới ở đảo Hải Nam...

Sau khi kết hôn, ca sĩ nổi danh này đã chọn cách sống ẩn mình, lặng lẽ, rời xa ánh đèn sân khấu để toàn tâm toàn ý cho gia đình. Chị ước nguyện gia đình mình là một mái ấm bình thường như bao gia đình khác.

Hai đứa con của anh chị, một trai một gái, khi sinh ra, ông nội đều là người đầu tiên bế chúng và đặt tên cho. Cậu trai đầu lòng được ông nội đặt tên là Hoa ngay từ khi đang còn trong bụng mẹ, dù chưa biết là trai hay gái.

Đến khi chào đời, anh Dương hơi băn khoăn, con trai tên là Hoa nghe có vẻ con gái quá. Cha anh nói: “Nó không phải tên Hoa thông thường, mà là Quốc Hoa, bông hoa của Tổ quốc”. Cô em gái của Quốc Hoa thì được đặt tên theo ý ông nội là Quốc Hương.

Thiếu tướng Phạm Sơn Dương chia sẻ về Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người cha kính yêu của mình: “Đức tính chân thực, tận tụy, bình dị và hết mực yêu thương nhân dân của cha tôi đã luôn thôi thúc và ảnh hưởng lớn đến nhân cách của tôi. Dù thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào tôi cũng nỗ lực hoàn thành tốt”.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Phút giây trầm lặng sau khi tuyên bố bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ

Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng gia đình con trai Phan Thanh Nam. Ảnh: TLGĐ.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng gia đình con trai Phan Thanh Nam. Ảnh: TLGĐ.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922 - 2008) tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, Chín Dũng. Ông là vị Thủ tướng thứ tư, từ năm 1991 đến 1997. Ông có năm người con thì ba người mất trong chiến tranh. Trong đó, người con trai đầu Phan Chí Dũng hy sinh anh dũng trên chiến trường. Ông còn con trai Phan Thanh Nam và con gái Hiếu Dân.

Phan Thanh Nam có tuổi thơ sống xa cha mình. Sau 1975, anh được gần nhưng cũng như không ở chung với cha vì ông vô cùng bận bịu với việc tiếp quản thành phố. Sau đó, anh đi học Đại học Bách khoa, ngành chế tạo máy, về làm việc ở cơ sở dưới huyện Củ Chi.

Năm 1986, anh thi nghiên cứu sinh và đủ điều kiện đi học ở Nga. Hoàn thành chương trình, anh về nước với học vị tiến sĩ kỹ thuật. Nhiều cánh cửa mở ra, tham gia ban giám đốc một sở ở TP.HCM hoặc phụ trách một đơn vị dầu khí thu nhập cao...

Hỏi cha mình, ông Sáu Dân nói: “Làm gì là do con tự quyết, đừng để người ta thấy mình choán chỗ của người làm tốt hơn mình”. Anh Nam đã quyết định về một doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông - Vận tải và gắn bó với nơi đây từ năm 1992 đến năm 2014 thì nghỉ hưu với chức vụ tổng giám đốc. Suốt 22 năm ấy, đã nhiều lần anh được mời tham gia vào quan trường, nhưng đều từ chối. Anh biết, chính cha mình cũng không muốn điều đó.

Chị Hiếu Dân nói về cha mình: “Khi chọn bí danh để hoạt động bí mật, ba lấy tên tôi, có lẽ vì những năm tháng ở chiến trường ba rất nhớ thương đứa con gái phải sống xa cha mẹ.

Tôi và anh trai không thể chối bỏ một thực tế, mà chối bỏ làm gì: Là con của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chúng tôi đã được sống trong hào quang của ông. Nhưng điều chúng tôi có thể làm, là sống sao để cho bản thân không phải chạy trốn hào quang của cha mình hoặc gục ngã trong chính hào quang ấy”. 

Là một nhà báo, tôi đã có nhiều dịp được gặp, được phỏng vấn, trò chuyện với Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Một trong những lần gặp ông để lại ấn tượng rất sâu sắc nhất là được nghe ông kể về đời riêng và những đứa con.

Ngày 12/7/1995, buổi sáng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát biểu trực tiếp trên Truyền hình Việt Nam tuyên bố hoan nghênh Tổng thống Clinton quyết định bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Buổi chiều hôm đó, ông cho gọi tôi lên để nói chuyện.

Cuối năm 1994, tờ báo do tôi làm thư ký toà soạn, có in bài của một người bạn học với Phan Chí Dũng. Chuyện rằng: Dù bận trăm công ngàn việc mà chú Sáu Dân vẫn cho gọi những bạn học với con mình hồi tập kết ra Bắc tới, dành một buổi trò chuyện.

Ông ngồi lặng đi, mái tóc bạc rung khẽ, khi nghe các bạn con kể về những ngày sống và học cùng con trai ông, những phút giây Dũng buồn bã nhớ ba mẹ và các em. Ông chăm chú tới từng chi tiết…

Rồi ông hỏi: “Khi học ngoài này, Dũng có thương một cháu gái nào không? Nếu có, các cháu cho chú biết để có thể tìm”. Tất cả lặng đi vì tấm lòng thăm thẳm của ông. Ông vẫn luôn tìm kiếm dấu vết còn lại của đứa con đã hy sinh.

Ngồi trên ghế đá ở Phủ Chủ tịch, sau một hồi trầm lặng, tôi nghe ông kể:

“Dũng là con cả của chú. Sau, Dũng có thêm hai đứa em nữa. Sau năm 1954, tình hình miền Nam dần dần ác liệt lên. Anh em Dũng cùng nhiều con em miền Nam được đón ra Bắc.

Năm 1966, Mỹ tiến hành trận càn quy mô lớn vào vùng “Tam giác sắt” Củ Chi - Bến Cát. Máy bay trực thăng quần đảo trên trời. Chiếc tàu Thuận Phong chở dân thường đi trên sông Sài Gòn bị máy bay xả súng bắn xuống. Một đoạn sông bầm sẫm máu…

Khi ấy, chú đang ở cơ sở tại Nhà Bè. Không ngờ một mất mát rất lớn đã xảy ra. Người vợ thân yêu cùng hai đứa con nhỏ, sinh ra sau khi anh em Dũng ra Bắc, trong đó, đứa con trai út mới năm tháng tuổi còn chưa biết mặt, đã nằm lại dưới sông Sài Gòn cùng chiếc tàu này…

Tin mẹ và hai em bị giặc giết đã đến với Dũng. Dũng nung nấu ý chí xin vào Nam chiến đấu. Các bác các chú phân tích khuyên nhủ, Dũng không nghe, đành chấp nhận. Thời gian cuối năm 1970, chiến trường càng căng thẳng, nhất là ở Khu 9. Mỹ đánh phá mạnh để vào Hội nghị Paris. Chú là Bí thư Khu uỷ Sài Gòn - Gia Định được điều xuống Khu 9 và Dũng nhất quyết đi theo.

Dũng nhập vào đơn vị bảo vệ Khu uỷ, không cho ai biết mình là con trai ông Sáu Dân. Có lần, một tổ cán bộ tới Khu uỷ công tác, bị phục kích, lạc giữa đêm đen. Dũng dẫn anh em đi, bất chấp nguy hiểm, gom đủ cán bộ về. Đơn vị bảo vệ Khu uỷ được tuyên dương Anh hùng.

Sau đó, Dũng xin đi chiến đấu trực tiếp, vào đại đội trinh sát mũi nhọn. Dũng đi trinh sát nhiều đồn bốt, lập phương án tấn công. Dũng hy sinh khi đánh đồn Bàu Ráng. Nó ngã xuống, nằm hướng về phía địch, máu loang đỏ khắp người, khẩu súng hết đạn vẫn chắc trong tay”.

Giọng chú Sáu Dân như trầm hẳn xuống: “Nó hy sinh như muôn vàn người lính. Chỉ tiếc là nó hy sinh sớm quá. Nếu không, chắc còn làm nên nhiều chuyện lớn nữa”.

Tôi đưa hai bàn tay nắm tay ông như nắm lấy tay cha mình. Trong bóng dáng một người cha, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng như bao nhiêu người cha trên đời này, mãi đau đáu về những đứa con của mình.

Thủ tướng Phan Văn Khải: Vẫn cứ cười xòa khi đi làm khai sinh cho cháu ở phường mà bị hạch hỏi

Thủ tướng Phan Văn Khải vui chơi cùng cháu. Ảnh: Soha.

Thủ tướng Phan Văn Khải vui chơi cùng cháu. Ảnh: Soha.

Thủ tướng Phan Văn Khải, thường gọi là Sáu Khải, vị Thủ tướng thứ năm, qua hai nhiệm kỳ, từ 1997 đến 2006. Ông có hai người con, một trai một gái.

Tôi đã từng được ông hẹn đến nhà ở số 1 Chùa Một Cột để phỏng vấn. Ông trầm lặng và hút nhiều thuốc lá. Khi đó, tôi chưa biết gì về gia đình riêng của ông. Khi ông đã rời chức vụ, về sống thanh thản tại quê hương rồi qua đời, đưa tiễn ông, người dân đứng chật hai bên đường…

Anh Phan Minh Hoàn, con trai của ông, vốn là một sỹ quan công an, chuyển sang kinh doanh, thành một doanh nhân thành đạt. Anh Hoàn từng bị gắn với nhiều đồn đại mà không hề lên tiếng thanh minh. Mãi sau này, khi ông Phan Văn Khải mất một thời gian, anh mới xuất hiện trên báo chí, để nói về người cha thân yêu của mình.

Anh Phan Minh Hoàn nói: “Có không ít người nghĩ rằng, có một người cha là Thủ tướng đồng nghĩa với không ít đặc quyền đi kèm. Nhưng tôi chưa từng cảm nhận được những đặc quyền đó. Vì với gia đình tôi, đó lại là những năm tháng sóng gió nhất.

Tôi không theo đuổi sự nghiệp chính trị mà thích làm kinh tế. Tôi kinh doanh nhà hàng, khách sạn, vũ trường nên có không ít định kiến. Nhưng đến tận hôm nay, trước bàn thờ ba, tôi vẫn khẳng định rằng tôi luôn cố gắng sống và kiếm tiền tử tế, để không làm ông phải hổ thẹn về con trai mình.

Ba tôi có hai người con là tôi và em gái kém tôi mấy tuổi. Em gái tôi từ nhỏ đã bị bệnh động kinh, nên mọi hy vọng của ba tôi vào gia đình, vào con cái, đều được đặt lên vai tôi. Ba tôi đang ăn cơm mà em gái tôi lên cơn động kinh là bỏ dở bữa, không ăn nổi. Ông nói, nếu có thể khấn nguyện bề trên mà được, thì kể cả bỏ đi chức Thủ tướng, ông cũng sẵn sàng để em tôi khỏi bệnh.

Những lúc hai ba con ngồi chuyện trò nghiêm túc, ông nói: "Ba là Thủ tướng thì trước tiên phải nghiêm với con mình, phải dạy được con mình. Nếu không thì còn ai nghe nữa". Ông cho rằng, cái chức Thủ tướng của ông là trọng trách do Đảng giao, là phụng sự nhân dân, chứ không phải quyền lực gì to tát”.

Thủ tướng Phan Văn Khải chưa bao giờ là người giàu có. Ông sống thanh bạch trọn đời. Là Thủ tướng, nhưng mỗi lần vào Sài Gòn, cần tiền tặng cho các cụ lão thành hay những gia đình có công, ông đều nói với con trai: "Con đưa cho ba dăm, mười triệu".

Ông Sáu Khải yêu quê hương tha thiết. Gia tộc nghèo, ông nội của ông đã bán đi từng miếng đất để sinh nhai. Đến mảnh đất cuối cùng của tổ tiên, bà mẹ ông cũng bán nốt đi để lấy tiền vào chiến khu thăm ông. Vậy nên sau này, nguyện vọng lớn nhất của đời ông là làm sao chuộc lại được những mảnh đất ấy.

Vì ước nguyện của cha mình mà từ những năm 90, cứ mỗi năm một chút, anh Phan Minh Hoàn dành dụm tiền để chuộc lại từng mảnh đất của cụ nội. Hơn chục năm mới dần dần lấy lại được khu đất ấy. Chuộc xong thì phải xây nhà.

Anh Hoàn kể: “Tôi vẫn nhớ, có hai lần ba tôi đưa tiền cho tôi, là hai cái sổ tiết kiệm, một lần 700 triệu, một lần 200 triệu. Đó là toàn bộ số tiền ba tôi có, là tích luỹ của ông trong suốt cuộc đời mình”.

Ông Sáu Khải vô cùng yêu con quý cháu. Cháu của ông, đứa nào cũng được ông ẵm bồng. Riêng thằng cháu nội thì sống với ông, mỗi tối đã quen được ông bồng bế, hát ru mới chịu đi ngủ.

Ông rất muộn đường cháu chắt. Thi thoảng cha con tâm sự, ông cứ nói mãi với anh Hoàn: "Tao nghĩ là tao sống rất đạo đức, rất chân thật, tại sao bây giờ chưa có cháu nội, chưa có cháu ngoại?". Vì thế, khi vợ chồng anh Hoàn sinh cho ông cháu nội, rồi em gái anh Hoàn kết hôn, sinh cho ông liền một lúc hai đứa cháu ngoại, ông mừng rỡ đến đến không diễn tả được.

Từ Hà Nội, chưa kịp vào thăm, ông điện thoại, hỏi: "Tụi nhỏ có đủ chân, đủ tay không?" và cười lớn khi biết các cháu đều lành lặn, khoẻ mạnh.

Việc Thủ tướng Phan Văn Khải được “lên chức ông” thành ra như là một sự kiện, đến cả Thủ tướng Malaysia khi đó gặp ông còn gửi quà chúc mừng.

 Có một chuyện rất vui là ông Sáu Khải, tuy là Thủ tướng, nhưng đã tự đi ra phường để làm giấy khai sinh cho cháu ngoại, có cán bộ phường hạch hỏi. Vậy mà ông cứ cười xòa. Như thế để biết, ông Thủ tướng, như mọi người ông, đã vui đến thế nào khi có cháu…

    Tags:
Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất