Theo thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới, Việt Nam có khoảng 2 triệu lượt đăng ký kết hôn mỗi năm. Tỷ lệ ly hôn là 600.000 cặp, tức cứ 4 cặp kết hôn sẽ có 1 cặp ly hôn. Có tới 70% các cặp ly hôn thuộc độ tuổi dưới 30, và tỷ lệ này có xu hướng tăng lên sau mỗi năm. 60% trường hợp người trẻ ly hôn sau 1 - 5 năm chung sống và ngày có càng nhiều trường hợp chỉ kết hôn được vài tháng đã ly hôn. Những cuộc chia tay chóng vánh đó được gọi là "ly hôn xanh".
Mới đây, cùng lúc, tôi nhận được tin hai cô bạn chưa đến 30 tuổi ly hôn. Mà bạn tôi, cô nào cũng xinh xắn, nhanh nhẹn, tháo vát. Không tiếc những người chồng trẻ con, ham mê chơi bời, nhậu nhẹt. Chỉ tiếc cho các bà mẹ trẻ, yêu sớm, kết hôn sớm, để rồi hạnh phúc cũng sớm tuột khỏi vòng tay.
Coi nhẹ hôn nhân
21 tuổi, Hạnh kết hôn khi đang học đại học. Chồng hơn Hạnh 5 tuổi, đã đi làm ở một cơ quan có thu nhập khá. Lúc mới cưới, Khoa - chồng Hạnh - ngọt nhạt: “Trước sau gì mình cũng lấy nhau, cưới sớm hay muộn có khác gì đâu. Lấy sớm, sau này em nhàn sớm”.
Bỏ qua sự can ngăn gia đình và những đêm khóc cạn nước mắt của mẹ, Hạnh nhất quyết lên xe hoa trong sự thèm thuồng và có phần hơi ghen tỵ của bạn bè, vì chồng Hạnh điển trai, công việc ổn định, nhà chồng kinh tế tốt. Không những thế, mọi người còn hiểu rằng, lấy chồng, Hạnh sẽ được chồng “nuôi” đi học. Ra trường, gia chồng với vị thế và tiềm lực kinh tế, sẽ đủ nguồn lực xin cho cô một “chân” ngon lành trong cơ quan nhà nước.
Hạnh cũng tưởng như vậy. Thế nhưng, cuộc đời không ai họ được chữ “ngờ”. Chồng Hạnh quen được chiều chuộng, ăn chơi, hưởng thụ nên tuy đã có gia đình nhưng Khoa vẫn như… trai tân. Anh vẫn mải đi chơi với đám bạn độc thân đến 1-2 giờ đêm. Không những thế, Khoa còn ham mê lô đề, cờ bạc. Thi thoảng, Khoa lại mang “tráp” về “báo” cha mẹ, khi thì mấy chục triệu, lúc vài trăm triệu. Bố mẹ Khoa mắng chửi con trai chán thì giận lây sang con dâu. Họ chì chiết Hạnh rằng: “Làm vợ mà không biết khuyên bảo chồng?!”.
Sự bức bối ngày càng tăng lên khi Hạnh sinh con đầu lòng và nghỉ ở nhà. Chồng không đưa tiền và bố mẹ chồng rõ ràng quan điểm chỉ nuôi ăn: nuôi con trai, con dâu, nuôi cháu; còn lại, muốn mua sắm gì cho con thì vợ chồng Hạnh phải tự lo. Vì vậy, muốn mua gì cho con, Hạnh cũng phải xin bố mẹ đẻ. Chồng mải chơi, con ốm đau quấy khóc, lại phải ôn để thi lấy bằng đại học khiến Hạnh đã mệt mỏi lại càng thêm stress.
Hạnh còn bực một nỗi là bố mẹ chồng ngoài mặt thì mắng con trai, nhưng phía sau lại hết lần này đến lần khác âm thầm đưa tiền cho Khoa trả nợ. Thành ra, Hạnh muốn bố mẹ chồng hỗ trợ để kéo chồng khỏi “tệ nạn” lại bị ông bà ghét, nói “là vợ mà suốt ngày nói xấu chồng, không tôn trọng chồng”… Được bố mẹ bênh, Khoa không những không nghe lời vợ mà còn to tiếng quát tháo, thậm chí thượng cẳng chân, hạ cẳng tay khi vợ góp ý.
Nín nhịn được 2 năm, khi con gái tròn 1 tuổi và cũng là lúc tốt nghiệp đại học, xin được việc làm, Hạnh đưa đơn ra tòa. Cô chấp nhận một lần lỡ dở để làm lại từ đầu. Với Hạnh, điều an ủi lớn nhất khi quyết định ly hôn là luôn có bố mẹ và con gái bên cạnh.
Một bên cố gắng, chưa đủ
Huy từng bất chấp tất cả, kể cả sự ngăn cấm của bố mẹ để cưới Hồng, người mà anh yêu sâu đậm. Biết chồng thiệt thòi, sau kết hôn, Hồng luôn cố gắng bù đắp cho anh. Bằng tuổi, nhưng phụ nữ thường suy nghĩ chín chắn, già dặn hơn đàn ông. Hồng cũng vậy, để kiếm thêm thu nhập, ngoài giờ làm hành chính, Hồng còn xoay thêm đủ nghề. Cô bảo, lương của chồng để tiết kiệm, còn mình sẽ cố gắng lo chu toàn cuộc sống gia đình. Thế nhưng, tình yêu mãnh liệt ban đầu và những nỗ lực vun vén của Hồng không đủ để duy trì một cuộc hôn nhân hạnh phúc khi Huy dần bị cuốn vào cám dỗ của rượu chè và những thói xấu khác.
Bạn bè gọi Huy là “Huy nát” vì chỉ cần một vài chén rượu, Huy như trở thành một người khác. Anh hầu như không nhận thức được đúng - sai, thiệt hơn. Bao nhiêu tiền dự định để dành mua đất, xây nhà, Huy theo bạn nướng hết vào lô đề và các quán nhậu. Mà đâu chỉ dừng ở đó, rượu vào, dễ sinh ra nhiều tật: Nào là karaoke, nào là tán tỉnh buông lơi… Hơn một lần Hồng bị đánh ghen ngược, và hơn một lần chồng về trong trạng thái say xỉn, xốc vợ dậy để hành hạ, ngược đãi. Bình thường không sao, nhưng bị bạn bè xúi giục, Huy lại về dằn hắt: Vì cô mà anh không thể thăng tiến, vì cô hãm đường công danh sự nghiệp của anh…
Năm lần bảy lượt Hồng bỏ qua cho chồng, nhưng cô không thể sống mãi, cố gắng mãi được. Hồng luôn ở trong trạng thái thấp thỏm, lo sợ. Cô không biết khi nào thì mình sẽ bị đánh, bị chửi. Cô không biết khi nào thì mẹ con cô mới được sống yên ổn. Ngoài những lúc bình thường hiếm hoi, hễ thấy chồng “có hơi rượu” là Hồng phải giấu tất cả những vật dụng có thể làm mẹ con cô bị thương.
Sau nhiều đấu tranh, nhờ bạn bè và gia đình bên ngoại bảo vệ, Hồng mới ly hôn được. Nhưng Huy vẫn chưa để cô yên, khi có cơ hội lại tìm cách hăm dọa.
Đâu là nền tảng hôn nhân?
Những thế hệ tuổi trung niên khi thấy đám trẻ ngày nay yêu nhanh, cưới nhanh và ly hôn cũng nhanh thì lắc đầu ngán ngẩm. Ngày trước, có thể với nhiều người, tình yêu không được mặn nồng, đắm say, nhưng họ sống còn phải “trông” vào nhiều mối quan hệ, sống vì cái tình, cái lý, vì cái nhân, cái nghĩa với đời. Còn với nhiều người trẻ hiện nay, họ sống nhiều vì bản năng, vì cái tôi. Bên cạnh đó, sự phát triển của xã hội cũng kéo theo nhiều hệ lụy, trong khi giá trị sống không được nuôi dưỡng… cũng khiến tình trạng “ly hôn xanh” ngày càng tăng.
Vậy đâu là nền tảng cho những cuộc hôn nhân trong cuộc sống hiện đại? Có lẽ, để hôn nhân không chỉ là “cuộc chơi” ngắn hạn, mỗi cá nhân cần học cách yêu thương có trách nhiệm, đồng thời trân trọng những giá trị cốt lõi như sự sẻ chia, tôn trọng và thấu hiểu. Không chỉ tình yêu, mà cả sự trưởng thành trong suy nghĩ và hành động mới là chìa khóa giúp vun đắp một mái ấm bền vững. Gia đình không chỉ là nơi trú ẩn trước sóng gió, mà còn là bệ phóng để mỗi người vươn xa hơn trong cuộc đời.