| Hotline: 0983.970.780

Câu chuyện Nghị quyết 120: Tháo gỡ nút thắt giao thông từ nhà ra ruộng

Thứ Năm 13/05/2021 , 08:29 (GMT+7)

TS.Dương Văn Ni, giảng viên Trường ĐH Cần Thơ cho rằng thiết kế nông nghiệp ở ĐBSCL bên cạnh những vấn đề quy hoạch vĩ mô, cần nhìn thấu đáo các khó khăn nông hộ

8G và 1 g

Yêu cầu đầu tiên trong phương châm "8G" của Thủ tướng là phải dồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông thủy lợi, hạ tầng logistics và cơ sở hạ tầng. Tất cả quy hoạch gắn với tầm nhìn chung của toàn vùng ĐBSCL.

TS Dương Văn Ni nhận định, trong vấn đề phát triển giao thông ở ĐBSCL bên cạnh việc các nhà quy hoạch  quan tâm đến các yếu tố liên vùng, trục giao thông chính thì cũng nên quan tâm thêm những vấn đề vi mô. Những vấn đề này tuy rất đơn giản nhưng hầu như đang hiện diện khắp nơi và gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp mà từng nông hộ đang gặp phải.

Thiết kế của nông nghiệp hiện nay không đơn thuần chỉ là những trục giao thông chính mà chúng ta cần phải nhìn nhận thấy đây là nút thắt và còn rất nhiều nút thắt ở tầm vi mô nữa cần tháo gỡ. Ảnh: Trung Chánh.

Thiết kế của nông nghiệp hiện nay không đơn thuần chỉ là những trục giao thông chính mà chúng ta cần phải nhìn nhận thấy đây là nút thắt và còn rất nhiều nút thắt ở tầm vi mô nữa cần tháo gỡ. Ảnh: Trung Chánh.

Đó là những những nút thắt cần phải tháo gỡ bằng mọi cách để trong canh tác nông nghiệp người nông dân không còn phải đối mặt. TS Dương Văn Ni chia sẻ: “Nói đến giao thông của ĐBSCL, chúng ta thường hay nghĩ ngay đến đường giao thông lớn. Ví dụ như những đường cao tốc hay những trục lộ lớn hoặc là những kênh rạch lớn. Nếu nhìn kỹ vào ĐBSCL, đặc biệt nhìn kỹ ở góc độ từng nông hộ sẽ thấy rõ ràng một thực tế, ngày nay bố trí không gian giữa nhà với ruộng đôi khi của người dân không gần nhau. Có những ruộng cách nhà dân vài trăm mét hoặc một vài cây số.

Trong khi đó, có những ruộng chỉ cách sông, cách lộ giao thông chỉ vài chục mét nhưng để vận chuyển nông nông sản là một vấn đề nan giải. Tôi đã chứng kiến trường hợp một ruộng dưa. Ruộng này, nông dân chỉ thu hoạch khoảng chừng 3 tấn dưa nhưng do ruộng cách lộ khoảng chừng 100 mét nên phải cần người vác dưa đưa lên xe. Tuy vậy mà người nông dân đó không thể kiếm người để vác dưa ra tới lộ”.

Rõ ràng, trong sản xuất người nông dân đã phải đương đầu với những vấn đề khó khăn như nắng mưa, kỹ thuật canh tác, phân bón… cũng như đã phải đối mặt với rất nhiều thứ để tạo ra sản phẩm hàng hoá. Công đoạn cuối chỉ có việc rất đơn giản là di chuyển hàng hoá từ trong ruộng ra lộ để cho xe chở thôi mà không có công lao động. Từ đó, vấn đề thứ hai nữa là lực lượng lao động ở nông thôn hiện nay đang thiếu rất trầm trọng.

Lực lượng lao động nông thôn đang thiếu trầm trọng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Lực lượng lao động nông thôn đang thiếu trầm trọng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay, hiện tượng di dân ở ĐBSCL, nhất là di dân từ vùng nông thôn ra thành thị đã tạo nên sự mất cân bằng trong lực lượng lao động nông thôn, nhất là lực lượng lao động thanh niên trẻ. Lớp người bám đất bám làng đa số chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ em. Những việc di chuyển nặng nhọc như khuân vác, vận chuyển hàng hoá rất khó tìm. Ruộng dưa cách lộ chỉ khoảng 100m mà không đưa được dưa tới lộ thì đây rõ ràng là một nút thắt.

Những nút thắt này đôi khi không được tính toán trong những quy hoạch lớn, tổng thể. Những kế hoạch hay những chương trình hành động chúng ta hay nhìn tổng thể ở những mảng lớn, có tính lâu dài, có tính liên vùng. Điều này rất cần thiết nhưng chúng ta cũng cần nhìn thấu đáo những cái khó khăn cụ thể trong từng nông hộ, TS Dương Văn Ni cho biết.

TS Dương Văn Ni cho rằng  cạnh các trục giao thông chính, cần quan tâm tháo gỡ các vấn đề nút thắt ở tầm vi mô. Ảnh: Minh Đảm.

TS Dương Văn Ni cho rằng  cạnh các trục giao thông chính, cần quan tâm tháo gỡ các vấn đề nút thắt ở tầm vi mô. Ảnh: Minh Đảm.

Một trường hợp khác TS Dương Văn Ni chia sẻ là vấn đề thiếu lao động, những bất cập không lường trước trong vấn đề khai thác thuỷ sản. Điển hình như, một vuông tôm đang vào thời điểm khai thác. Vuông đó cách lộ chỉ vài trăm mét nhưng cũng không kiếm được người khai thác. Thêm vào đó, khi đưa tôm đang khai thác di chuyển ngang qua vuông tôm khác thì người ta rất sợ lây lan dịch. Từ đó dẫn đến vấn đề tranh chấp đường đi. Vô hình chung, thiết kế của nông nghiệp hiện nay không đơn thuần chỉ là những trục giao thông chính mà chúng ta cần phải nhìn nhận thấy đây là nút thắt và còn rất nhiều nút thắt ở tầm vi mô nữa cần tháo gỡ. Chỉ có cách quyết liệt tháo gỡ thì người nông dân sản xuất mới thấy nhẹ gánh hơn, còn không thôi người ta cảm thấy khó khăn.

Ngay cả trên những vườn cây ăn trái, như trên cây cam chẳng hạn, công đoạn đơn giản như buộc trái, dựng cọc chống đỡ cây không đổ ngã, phải buộc trái để cây không gãy cành cũng gặp phải những vấn đề khó khăn tưởng chừng như rất nhỏ nhặt. Vấn đề gây khó là không đủ cây tre để chống đỡ cho những vườn cam. Bởi vì hiện nay, hầu hết những vườn tạp đều được nông dân cải tạo chuyển sang những vườn chuyên canh cây ăn trái nên tre trúc nó không còn nữa. Để chống chọi cho những vườn cam, người nông dân không lấy đâu ra nguồn nguyên liệu. Đây là những nút thắt và dứt khoát phải có biện pháp tháo gỡ.

Thiếu lực lượng khai thác thuỷ sản và các vấn đề bất cập khác cũng cần được quan tâm. Ảnh: Trung Chánh.

Thiếu lực lượng khai thác thuỷ sản và các vấn đề bất cập khác cũng cần được quan tâm. Ảnh: Trung Chánh.

Cánh cửa giao thông đi trước mở đường

Tinh thần xuyên suốt của Nghị quyết 120 là thuận thiên. Vì vậy, những công trình giao thông, thủy lợi đầu tư mang lại hiệu quả vẫn cần được quan tâm. Cần xác định đúng nhu cầu bức xúc, nhận diện điểm nghẽn giao thông và giải pháp khả thi để tháo điểm nghẽn. Lời giải cho bài toán giao thông là huy động vốn đầu tư, xác định thứ tự ưu tiên. Đó cũng chính là việc khơi thông mạch máu phát triển đồng bằng cho giai đoạn mới.

Xây dựng giao thông trong nông thôn mới ở Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Xây dựng giao thông trong nông thôn mới ở Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Về phía địa phương, cần chủ động, đặt mục tiêu cao hơn để trên cơ sở đó tính toán, tận dụng tất cả cơ hội, giải pháp để phát triển. Xác định đúng nhu cầu bức xúc, nhận diện "điểm nghẽn" là quan trọng nhưng quyết tâm và giải pháp khả thi để tháo điểm nghẽn chính là mệnh lệnh phát triển. Phải tìm ra lời giải cho bài toán khó giao thông bằng huy động vốn đầu tư, xác định thứ tự ưu tiên, bảo đảm tiến độ thi công, chất lượng công trình và kết nối các phương thức giao thông. Đó cũng chính là việc khơi thông mạch máu phát triển đồng bằng cho giai đoạn mới. Cánh cửa giao thông sẽ đi trước mở đường phát triển đang được kỳ vọng.

Bến Tre được hình thành bởi 3 dãy cù lao An Hoá, cù lao Bảo và cù lao Minh. Tỉnh có 4 con sông lớn và hàng trăm kênh rạch chia cắt nên hệ thống giao thông vận tải đường bộ gặp nhiều khó khăn.

Nhận thấy giải quyết những vấn đề giao thông là quan trọng nhất đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà, ông Võ Thành Hạo, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre từng chia sẻ: Ông có nghe câu chuyện về một lãnh đạo của Liên Xô cũ khi hỏi các chuyên gia cần phải làm điều gì sau chiến tranh để khôi phục kinh tế đất nước. Vị chuyên gia đã nói có ba điều phải làm đó là: “Thứ nhất làm giao thông, thứ hai làm giao thông, thứ ba cũng là làm giao thông”. Từ đó, Bến Tre đặt mục tiêu trong các tiêu chí nông thôn mới ưu tiên phải hoàn thành tiêu chí giao thông sớm nhất ở cấp tỉnh.

Theo ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre cho biết: Hạ tầng giao thông của tỉnh tiếp tục được đầu tư đồng bộ, nhiều công trình lớn, quan trọng đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Đến nay, đã cơ bản giải quyết xong việc xóa cầu yếu trên tất cả các tuyến.

Câu chuyện NQ 120: Tháo gỡ các nút thắt từ nhà ra ruộng. Ảnh: Minh Đảm.

Câu chuyện NQ 120: Tháo gỡ các nút thắt từ nhà ra ruộng. Ảnh: Minh Đảm.

Giao thông nông thôn phát triển nhanh với hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện từng bước được hoàn chỉnh và bảo đảm kết nối gữa các đô thị, trung tâm thương mại - dịch vụ, các khu/cụm công nghiệp, vùng và khu vực sản xuất nông nghiệp, các đầu mối giao thông của địa phương. Hệ thống đường giao thông nông thôn cũng góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn, đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và người dân.

Kết cấu hạ tầng thủy lợi được ưu tiên đầu tư, đặc biệt là các dự án hệ thống thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre, các công trình cấp bách, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 47 công trình phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp, góp phần phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và hạn chế tác động của thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp phát triển và ổn định dân sinh.

Xem thêm
Ngày 17/1 trở thành Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre

Tỉnh Bến Tre vừa tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre 17/1.

Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ: 'Trời hạn gặp mưa'

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị mang đến cho các nhà khoa học động lực mới, có thể nói như 'trời hạn gặp mưa'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ông Hồ Văn Hà làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa X vừa tổ chức kỳ họp thứ 24 và bầu thêm một Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhằm kiện toàn công tác nhân sự.