| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL: Vận hội tới, mở ra tương lai phát triển bền vững

Thứ Ba 11/05/2021 , 09:05 (GMT+7)

Vận hội ĐBSCL đang tới, tin tưởng Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ sẽ đưa ĐBSCL tới một tương lai thịnh vượng bền vững.

Đó là ý kiến của các chuyên gia tại buổi chia sẻ “Bàn tròn câu chuyện truyền thông Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ”, được Văn phòng đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam khu vực ĐBSCL tại Cần Thơ tổ chức sáng 10/5.

Bàn tròn Nghị quyết 120 luôn mới

ĐBSCL đang và sẽ phải đối mặt với thực trạng rất đáng lo ngại, nhất là vấn đề về biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sụt lún đất. Biến đổi khí hậu gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan, làm gia tăng tình trạng hạn hán, ngập lụt, xâm nhập mặn. Cùng với đó là tác động của con người, nhất là xây dựng thủy điện trên các dòng sông chính làm cho tình trạng càng tồi tệ hơn ở những năm thời tiết khốc liệt.

ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL chia sẻ về câu chuyện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL. Ảnh: Hoàng Vũ.

ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL chia sẻ về câu chuyện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL. Ảnh: Hoàng Vũ.

ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, một thời gian dài chúng ta quy hoạch ĐBSCL chỉ thấy đất mà không thấy biển nên cứ cơi nới, lấn ra biển, mở rộng vùng ngọt hóa được càng nhiều càng tốt, mục tiêu là để tăng tối đa diện tích sản xuất lúa.  

Quy hoạch trước đây theo kiểu đơn đơn ngành, từng Bộ, ngành, địa phương tự làm riêng. Duy chỉ có quy hoạch thủy lợi là có tính cả vùng và dẫn dắt sản xuất nông nghiệp, xã hội chạy theo.

Ông Thiện lấy ví dụ như làm chiếc xe đạp mà chỉ có bản vẽ từng bộ phận và giao cho mỗi đơn vị làm một phần, khi ráp lại khó có thể ăn khớp với nhau được.

Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, do quá chú trọng phát triển diện tích canh tác lúa nên ĐBSCL đã bị mất đi không gian chứa lũ, hấp thu lũ, quy hoạch làm đê bao để dịch chuyển nước lũ sang nơi khác, gây ngập lụt. Thoát lũ nhanh ra biển gây gia tăng xâm nhập mặn vào mùa khô.

Nghị quyết 120 mở đường phát triển bền vững ĐBSCL, dựa vào lợi thế tự nhiên, ít tác động, can thiệp thô bạo vào môi trường. Ảnh: Trung Chánh.

Nghị quyết 120 mở đường phát triển bền vững ĐBSCL, dựa vào lợi thế tự nhiên, ít tác động, can thiệp thô bạo vào môi trường. Ảnh: Trung Chánh.

Ô nhiễm nước mặt do đóng cống, ngăn mặn, gây ra ô nhiễm cục bộ, nước sông không sử dụng được, buộc phải tăng khai thác nước ngầm, gậy sụt lún đất. Mất cân bằng về sinh thái, nhất là về tài nguyên sinh thái ven biển, thủy sản ven biển. Tạo ra hiện tượng “biển chết” mỗi khi xả cống, đẩy nước thải ô nhiễm ra… biển.

Thiếu hụt nguồn lao động do người dân ĐBSCL phải bỏ xứ ra đi do thu nhập từ sản xuất nông nghiệp không đảm bảo mức sống. Di dân ở ĐBSCL có 2 vần đề: Một là do lực hút, có sự chuẩn bị, trang bị trước khi đi. Hai là do lực đẩy, tài nguyên cạn kiện, thu nhập từ sản xuất không đủ sống buộc phải ra đi. Phần lớn lao động rời khỏi ĐBSCL hiện nay là do lý do thứ hai là chính.

Các đại biểu tại buổi chia sẻ xung quanh Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL. Ảnh: Hoàng Vũ.

Các đại biểu tại buổi chia sẻ xung quanh Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL. Ảnh: Hoàng Vũ.

Phát triển thâm canh sản xuất lúa, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu mang về được vài tỷ USD từ bán gạo, nhưng chúng ta quên rằng mình đã mất đi mất đi nhiều tỷ USD do suy giảm tài nguyên thiên nhiên, mất nguồn lợi thủy sản từ biển, sông, rạch, do tác động tiêu cực từ sản xuất nông nghiệp, nhưng thời gian qua không ai thống kê, đánh giá.

ThS Nguyễn Hữu Thiện thẳng thắn chỉ ra rằng: “Thâm canh tăng năng suất lúa quá mức ở ĐBSCL thời gian qua đã làm đất đai suy kiệt do tối ưu hóa năng suất, sản lượng để có dư ra xuất khẩu… nhưng lại được gắn với tên gọi an ninh lương thực.

Chúng ta làm ra nhiều lúa gạo và phần dư xuất khẩu là để kiếm tiền, làm kinh tế chứ không phải để đảm bảo an ninh lương thực. An ninh lương thực lưu trữ trong đất đai mới là hiệu quả chứ không phải trong kho”.

Sức khỏe của đất đang rất báo động, chúng ta đã khai thác đất quá mức và biến đất giờ chỉ là giá thể để cây bám vào sinh sống, muốn sản xuất được thì sẽ tốn chi phí rất cao.

TS Dương Văn Ni, giảng viên trường Đại học Cần Thơ cho rằng, việc ngăn mặn, giữ ngọt bằng mọi giá, đã để lại nhiều hệ quả. Điển hình là hệ thống sông ngòi ở ĐBSCL bị tác động nặng nề. Sông ngòi phải là hệ sinh thái, lưu thông thì tôm, cá mới sinh sống được. Sông, kênh phải liên thông với mương, ruộng thì tôm, cá mới phát triển…

Nghị quyết 120 mở đường phát triển bền vững ĐBSCL, dựa vào lợi thế tự nhiên, ít tác động, can thiệp thô bạo vào môi trường. Ảnh: Trung Chánh.

Nghị quyết 120 mở đường phát triển bền vững ĐBSCL, dựa vào lợi thế tự nhiên, ít tác động, can thiệp thô bạo vào môi trường. Ảnh: Trung Chánh.

"Sông bị cầm tù, giống như máng xối chỉ có chức năng lưu thông nước là chính thì không thể gọi là sông. Chúng ta phải coi nguồn nước như một cơ thể sống, là một hệ sinh thái, chứ không phải định lượng nhiều hay ít, tăng hay giảm lượng nước", TS Ni nói.

Mở đường suy nghĩ

Cũng theo ông Thiện, chưa có nghị quyết nào tạo được sự đồng thuận của xã hội cao như Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL. Đây được xem là Nghị quyết thuận thiên, mở đường cho ĐBSCL phát triển bền vững.

Thuận thiên không có nghĩa là bó gối, khoanh tay, phó mặc cho trời, mà phải hiểu bản chất để có ứng phó cho thích hợp. Từ Nghị quyết này, chúng ta đã có quy hoạch tổng thể ĐBSCL.

Quy hoạch thủy lợi là giải pháp kỹ thuật, là công cụ phục vụ sản xuất chứ không phải là dẫn dắt sản xuất nông nghiệp, buộc xã hội phải chạy theo. “Quy hoạch đồng bằng phải là nơi sinh sống chứ không phải là nơi sản xuất, biến ĐBSCL trở thành nông trại khổng lồ, lâu dài sẽ bị khai thác, vắt kiệt tài nguyên và phải hứng chịu ô nhiễm nặng nề”, TS Dương Văn Ni nêu quan điểm theo Nghị quyết 120.

TS Dương Văn Ni, giảng viên trường Đại học Cần Thơ cho rằng, hệ quả của việc ngăn mặn, giữ ngọt bằng mọi giá, đã để lại nhiều hệ quả. Ảnh: Hoàng Vũ.

TS Dương Văn Ni, giảng viên trường Đại học Cần Thơ cho rằng, hệ quả của việc ngăn mặn, giữ ngọt bằng mọi giá, đã để lại nhiều hệ quả. Ảnh: Hoàng Vũ.

Công nghiệp ĐBSCL không nên quy hoạch công nghiệp nặng mà tập trung cho công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp. Hiện nay, cơ khí phụ trợ cho phát triển ngành nông nghiệp đang rất thiếu. Chỉ có cây lúa có tỷ lệ cơ giới hóa hiện nay là cao nhất, còn lại không được quan tâm đầu tư. Về nông nghiệp công nghệ cao không chỉ đơn thuần là đầu tư hệ thống tưới tự động hay một vài cái nhà màng, nhà lưới… mà phải là cả một hệ sinh thái.

Các đại biểu tại buổi chia sẻ Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL. Ảnh: Hoàng Vũ.

Các đại biểu tại buổi chia sẻ Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL. Ảnh: Hoàng Vũ.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, thuận thiên theo Nghị quyết 120 là cần từ bỏ chiến lược nông nghiệp dựa vào “đầu vào cao, sản lượng cao”, chuyển sang nông nghiệp ít thâm canh. Nhưng tạo ra giá trị cao, xây dựng chuỗi giá trị, ít can thiệp thô bạo vào thiên nhiên, duy trì sức khỏe đất để duy trì an ninh lương thực lâu dài. Phát huy khả năng tự điều tiết của đồng bằng, đặc biệt là khả năng tự thau rửa và làm sạch đồng bằng nhờ nước biển thông qua cơ chế thủy triều và nhờ nước ngọt thông qua cơ chế ngập lũ.

Đầu nguồn vùng Tứ giác Long Xuyên Và Đồng Tháp Mười, cần thay đổi chức năng hệ thống đê bao hiện hữu, bỏ lúa vụ 3, để tăng không gian hấp thu lũ, phát triển sinh kế khác trong mùa lũ, thay thế cho lúa thu đông.

Đưa khai thác cát vào cơ chế điều phối, quản lý khai thác, chống sạt lở. Chỉ đầu tư thực hiện các công trình trình cứng, vốn đầu tư nhiều ở nơi thật sự cần thiết, cấp bách để chống sạt lở…

Để hạn chế tác động, gây suy giảm đa dạng sinh học, cần phải thay đổi chiến lược phát triển nông nghiệp, không chỉ thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mà cần một sự thay đổi toàn diện mang tính chuyển hóa. Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ không giải quyết hiện tượng mà là giải quyết căn cơ vấn đề để giúp ĐBSCL phát triển một cách bền vững nhất.

ĐBSCL đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn nhưng nếu chúng ta biết khéo léo vượt qua thì sẽ có một tương lai tươi sáng. Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ tập trung giải quyết những vấn đề nội tại của ĐBSCL. Trong đó, ưu tiên phát triển theo hướng thuận thiên, phục hồi lại sức khỏe tài nguyên đất đai, nguồn nước. Giống như cơ thể sống, khi có sức khỏe tốt thì sẽ nâng cao được khả năng ứng phó tốt hơn với những điều kiện bất lợi.

(Chuyên gia độc lập về sinh thái, ThS Nguyễn Hữu Thiện)

Giải quyết nút thắt giao thông từ nhà ra ruộng

Nói đến phát triển giao thông ĐBSCL chúng ta chỉ nghĩ đến cái lớn, như đầu tư làm cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ mà quên mất giao thông từ nhà ra ruộng. Nhiều khi, chỉ có khoảng cách vài trăm mét nhưng làm nông sản ách tắc, trì trệ, không thể lưu thông nhanh ra thị trường.

(TS Dương Vă Ni, giảng viên trường Đại học Cần Thơ)

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.