Những năm gần đây, lũ quét, sạt lở đất đã liên tiếp gieo rắc những kinh hoàng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc.
Bùn đất, gỗ ngổn ngang đường vào bản. |
Theo thống kê của BCĐ Trung ương về Phòng chống thiên tai, từ năm 2000 đến nay, trung bình mỗi năm ở vùng núi phía Bắc có khoảng 47 người chết do lũ quét và sạt lở đất. Những năm gần đây, số người chết và mất tích do loại hình thiên tai này cũng không hề thuyên giảm, thậm chí có chiều hướng gia tăng.
Cụ thể năm 2016, có 31 trường hợp thiệt mạng do lũ quét và sạt lở đất thì năm 2017 con số này tăng lên 71 người chết và mất tích và năm 2018 là 63 người chết và mất tích. Nếu như thiệt hại về người trong các cơn bão hiện nay rất ít xảy ra, thì số người chết do ảnh hưởng của mưa lũ sau bão càng ngày càng có chiều hướng gia tăng đáng ngại.
Làm sao để hạn chế tối đa những thiệt hại về người và tài sản do lũ quét, sạt lở đất là câu hỏi nhức nhối mà nhiều năm qua, Chính phủ, các Bộ ngành và các địa phương đã có nhiều giải pháp.
Trong đó, có việc rà soát, di dời dân cư ở các vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất; rà soát và xây dựng bản đồ các vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất... Tiến bộ về công nghệ dự báo của ngành khí tượng hiện nay đã cho phép đưa ra những dự báo với mức độ rất chính xác về những cực đoan của thời tiết như nắng nóng, rét đậm rét hại, dự báo bão... Tuy nhiên, để có dự báo chính xác về lượng mưa thì vẫn là vấn đề rất hóc búa.
Một giải pháp về công nghệ nhằm giám sát, cảnh báo lũ cũng đã được một số Bộ ngành triển khai, đó là xây dựng hệ thống các trạm đo mưa theo các lưu vực sông suối nhằm giám sát lượng mưa theo thời gian thực, qua đó đưa ra cảnh báo lũ nhằm sớm có báo động để di dời dân tại các vùng có nguy cơ lũ quét.
Đây là một giải pháp có hiệu quả cao, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa thể triển khai trên diện rộng, trong bối cảnh nguồn lực còn nhiều hạn chế. Đặc biệt đối với những khu vực biên giới (điển hình như tại xã Na Mèo, nơi vừa xảy ra lũ quét), công nghệ này cũng khó có thể phát huy hết tác dụng, bởi nguồn nước lũ có thể đến từ phía bên kia biên giới nước ta.
Đặc thù cư trú của một số đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc hiện nay cũng là một vấn đề khó khăn trong việc triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ của lũ quét. Đối với người Thái, nước là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu để chọn nơi cư trú. Một trong những tiêu chí quan trọng đầu tiên khi chọn đất dựng nhà của người Thái là phải có (hoặc gần) nguồn nước.
Hầu hết làng bản của người Thái đều được bố trí ở các thung lũng lòng chảo hay trải dài theo các sườn đồi, và bao giờ nơi cư trú của họ cũng đều gắn với khe suối, gần nguồn nước. Điều này giúp tạo thuận lợi cho sản xuất, sinh kế, thuận lợi cho đời sống sinh hoạt của họ, nhưng cũng luôn rình rập những hiểm nguy khi mà mưa lũ càng bất thường, cực đoan.
Ai đã lên vùng cao Tây Bắc, sẽ không khỏi xót xa trước những ngọn đồi bị cạo trọc để trồng ngô. Những năm trở lại đây, tình trạng sử dụng tràn lan thuốc trừ cỏ trong canh tác ngô đã khiến hệ thực bì, cỏ dại có tác dụng giữ nước, giữ mùn đất bị tiêu diệt triệt để. Những con suối chưa mưa đã đục ngầu giận giữ bởi nước từ những quả đồi trọc trụi cỏ cây dội xuống.
Quay lại với bản Sa Ná, nơi vừa phải hứng chịu những tang thương, mất mát không thể kể xiết do trận lũ quét đêm 3/8, điều không khỏi băn khoăn, đó là Na Mèo là một xã vùng sâu bốn bề rừng núi, lại là xã biên giới giáp với nước bạn Lào. Na Mèo là vùng đầu nguồn của sông Luồng (một chi lưu của sông Mã), xã nằm ngay sát nách Khu bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia Nam Xam của vùng đông bắc Lào, với hệ sinh thái rừng nguyên sinh được giữ gìn rất tốt. Trận lũ dữ ở Na Mèo, vì thế sẽ rất cần có những đánh giá, nghiên cứu sâu để có câu trả lời về sự liên quan tới thực trạng chất lượng rừng, sự suy giảm về hệ thực vật ở đây.