Theo hồ sơ điều tra của Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, cây sui lớn nhất ở đền Ken có tuổi đời 300 năm, cao 54 mét, chu vi thân 11 mét. Đây là những cây cổ thụ nằm trong khuôn viên Di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh Lào Cai, nơi đây đã từng che chở cho những chiến binh chống giặc xâm lược; đồng thời cũng là nơi khởi nguồn Lễ hội xuống đồng đầu năm của bà con dân tộc Tày ở địa phương.
Với tuổi đời và những giá trị lịch sử, văn hóa mà cây mang lại, cụm 5 cây sui ở đền Ken đã được Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản vào năm 2017.
Tuy nhiên, do thời gian và tác nhân môi trường khiến 2 trong cụm 5 cây sui tại đây bị mối mọt, kiến xâm hại đến gốc và thân cây, có nguy cơ ảnh hưởng trước mùa mưa bão đến kiến trúc nhà đền và du khách tới chiêm bái.
"Cây bị mối mọt nặng là cây sui nhiều tuổi nhất trong cụm 5 cây, sát gần đền Ken. Cây bị mục từ trong ra. Trước đó cây này cũng đã bị mối mọt ăn từ bên ngoài còn bên trong đã bị rỗng lõi. Cây sui còn lại tình trạng khá hơn nhưng đã có dấu hiệu bị mối mọt ăn", ông Triệu Quốc Chưởng, Phó Phòng NN-PTNT huyện Văn Bàn cho hay.
Do vậy, ngày 31/1/2023, UBND huyện Văn Bàn; Sở Giao thông, Vận tải – Xây dựng tỉnh Lào Cai; Chi Cục Trồng Trọt Và Bảo Vệ Thực Vật Lào Cai; Bảo tàng tỉnh Lào Cai; phòng NN-PTNT huyện Văn Bàn; phòng Văn hóa, Thể thao huyện Văn Bàn; Ban Quản lý Di tích đền Ken đã có cuộc họp về tổng hợp báo cáo đánh giá hiện trạng cây di sản (cây sui) tại đền Ken.
Tại cuộc họp này, các cơ quan, đơn vị quản lý thống nhất tiếp tục xử lý, vệ sinh bằng thuốc bảo vệ thực vật để giảm tốc độ hoại tử của cây. Cần thẩm định nghiên cứu của cơ quan chức năng chuyên về cây để đánh giá mức độ hoại tử của cây trước khi đưa ra phương án hạ chặt cây theo đúng nguyên tắc quy định của pháp luật về cây di sản; đảm bảo sự an toàn cho kiến trúc cũng như du khách thập phương đến lễ bái đền.
Đền Ken có khuôn viên rộng khoảng 10.000m2, tọa lạc trên đỉnh đồi Pù Đình. Đền Ken thờ ông Nguyễn Đình Long và các tướng lĩnh thuộc nghĩa quân Tây Sơn đã có công đánh đuổi giặc xâm lăng và giúp người dân khai khẩn đất đai, xây dựng quê hương Văn Bàn.
Để tưởng nhớ công ơn của ông Nguyễn Đình Long cùng quân sĩ đã hy sinh, nhân dân đã đưa bài vị ông vào đền thờ và tôn sùng gọi ông là Hoàng Long.
Cứ ngày mùng 7 tháng Giêng hằng năm, bà con nhân dân địa phương lại tổ chức lễ dâng hương để tưởng nhớ đến công lao của ông.