Bà Lò Thị Ngăm, bản Bôn, xã vùng biên Yên Khương hiện có 2ha vầu, trong đó có 1,2ha đã có tuổi đời 3 năm. Theo bà Ngăm, ở vùng đất này, không có cây gì phù hợp hơn cây vầu để giúp đồng bào thoát nghèo. Nếu trồng keo, sau 5-6 năm, mỗi ha có thể thu về 70-80 triệu đồng nhưng trừ chi phí, tính ra cũng chỉ được 5-6 triệu đồng/ha/năm. Trồng vầu, sau 2 năm đầu chưa có thu hoạch, đến năm thứ 4 trở đi, mỗi năm đều thu về 60-70 triệu đồng/ha.
“Cây vầu từ năm thứ 2, 3 đã có thể thu hoạch làm trà dưa (làm giàn cho dưa và các loại rau màu leo) và sản lượng cao từ năm thứ 5-6 trở đi. Với cây vầu, có thể thu hoạch và có tiền quanh năm còn keo 5-6 năm mới thu hoạch 1 lần. Hiệu quả kinh tế từ cây keo không đáng là bao. Khi khai thác cây vầu, người dân có thể để nguyên cây hoặc chẻ nan, tập kết dưới chân núi sẽ có người đến tranh nhau mua”, bà Ngăm cho biết.
Đại diện UBND xã Yên Khương cho biết, vầu là cây bản địa, chủ yếu mọc trong rừng tự nhiên và được trồng rải rác tại xã từ những năm 90 của thế kỷ trước nhưng diện tích tăng nhanh nhưng năm lại đây. Đặc điểm của cây vầu là thời gian lưu gốc đến 50-60 năm. Người dân có thể khai thác tỉa quanh năm nên rừng vầu không bao giờ có tình trạng bị khai thác trắng, đất luôn giữ được độ ẩm, chống xói mòn tốt. Không chỉ hiệu quả về mặt kinh tế, trồng vầu còn có giá trị bảo vệ môi trường tốt hơn rất nhiều so với trồng keo, giảm được tình trạng phát nương làm rẫy.
Từ năm 2018 đến nay, từ nguồn vốn chương trình 30a và 135 giảm nghèo bền vững, 20 hộ dân xã vùng biên Yên Khương được hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật trồng vầu với tổng diện tích 15ha. Đến nay, nhận thấy cây vầu có giá trị kinh tế cao, 380 hộ dân đã tự mua giống và trồng trên diện tích gần 600 ha. Khi đến kỳ thu hoạch cao điểm, mỗi ha vầu có thể thu về 35-40 tấn. Với giá bán như hiện nay (1,6-2 triệu đồng/tấn) người trồng vầu có thể thu về trên 60 triệu đồng/ha/năm, tức là gấp 10 lần so với trồng keo.
Trồng vầu không khó, lượng phân bón cũng không tốn nhiều chi phí do cây vầu chịu kham chịu khổ và nhu cầu dinh dưỡng ở mức vừa phải. Cây vầu không có gai, mọc thẳng, không đan chéo vào nhau, trọng lượng vừa phải nên người già cũng có thể khai thác. Tuy nhiên, để vầu cho năng suất cao, quá trình trồng và khai thác phải bón thêm một lượng phân nhất định.
“Hiện nay chúng tôi đang tìm hiểu để hướng dẫn bà con bón phân dúi cho cây vầu ăn dần. Măng vầu thuộc loại ngon nhất trong các loại măng nhưng vì cây vầu cho hiệu quả kinh tế cao hơn khai thác măng nên đồng bào bảo vệ măng rất tốt để khai thác thân”, ông Vi Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khương cho hay.
Cũng theo ông Thu, do hiệu quả kinh tế từ cây vầu cao nên nhu cầu cây giống của người dân rất lớn. Tuy nhiên, tạo giống cây vầu không dễ vì phải lấy hạt để gieo chứ chưa có ai để giống vầu thành công bằng hom. Trong khi đó, cây vầu có thời gian lưu gốc tới 60 năm, đến cuối đời mới cho ra quả nên việc thu mua quả, gieo giống rất khó khăn.
Đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Lang Chánh cho hay, đây là địa phương có tiềm năng rất lớn để phát triển cây vầu, đặc biệt là tại xã vùng biên Yên Khương. Hiện đã có doanh nghiệp vào địa bàn để triển khai xây dựng một cơ sở chế biến tại chỗ các sản phẩm từ vầu. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng này đi vào hoạt động sẽ giải quyết hàng trăm lao động là đồng bào dân tộc thiểu số địa phương.