Ông Vũ Quang Tuyến ở thôn Eo Bàn, xã Thành Long, huyện miền núi Thạch Thành, Thanh Hóa là một trong những hộ trồng rừng FSC và có 12ha đã được cấp chứng chỉ. Ông Tuyến cho biết, trước đây ông không chú ý đến chất lượng cây giống, kỹ thuật chăm sóc, nên năng suất thấp, giá thành cũng không ổn định, thường xuyên bị ép giá.
Sau khi chuyển hóa rừng keo theo tiêu chuẩn FSC, rừng của gia đình ông đã được quản lý chặt chẽ, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất, chất lượng gỗ được nâng cao. Gỗ rừng được cấp chứng chỉ FSC có giá bán ra cao hơn rừng thường từ 10-15%, tính ra hiệu quả kinh tế cao hơn 1,2-1,5 lần so với trước đây. Với 12ha keo theo tiêu chuẩn FSC, trừ chi phí, mỗi chu kỳ 7-8 năm, gia đình ông thu lãi gần 700-800 triệu.
Đến nay, tại huyện Thạch Thành đã có gần 5.000ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Nếu tính từ khâu trồng đến chế biến xuất khẩu, hiệu quả kinh tế tăng từ 2,5-3 lần. Trong đó, khâu trồng (người trồng rừng) tăng 1,2-1,5 lần so với trồng rừng truyền thống. Doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm sẽ chịu chi phí thẩm định cấp chứng chỉ FSC cho các hộ trồng rừng. Đó chính là lý do thời gian gần đây, diện tích rừng FSC tại Thanh Hóa không ngừng tăng lên.
Không chỉ Thạch Thành, những huyện miền núi phía Tây Thanh Hóa như Lang Chánh, Quan Hóa, Bá Thước, trồng rừng FSC cũng được người dân ngày càng hưởng ứng.
Ban Quản lý Rừng phòng hộ Lang Chánh (huyện Lang Chánh) có gần 10.300/10.300ha rừng giao cho dân đã được cấp chứng chỉ FSC. Trong đó, diện giao khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cộng đồng thôn bản là 9.030ha, 1.300ha đất lâm nghiệp giao cho dân sản xuất.
Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh cho biết, tham gia trồng rừng FSC, người dân huyện Lang Chánh được tập huấn về khai thác lâm sản ngoài gỗ, nắm được quy trình canh tác rừng, khai thác rừng bền vững... Ban Quản lý Rừng phòng hộ Lang Chánh cung ứng dịch vụ, quản lý bệnh hại, đường sá vận chuyển, bao tiêu sản phẩm cho người dân theo giá cả được quy định cao hơn 10-15% giá thị trường.
Nhờ quản lý và sử dụng rừng bền vững, mỗi năm, các hộ nhận khoán rừng từ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Lang Chánh thu mua khoảng 30.000m3 gỗ các loại. Toàn bộ số gỗ này được chia thành nhiều chủng loại, giá trị cao nhất là đóng gỗ nội thất xuất khẩu. Ban Quản lý Rừng phòng hộ Lang Chánh hiện có nhà máy sơ chế gỗ, công suất 50.000m3/năm, thu hút 120 lao động, trong đó có 20 lao động thường xuyên.
Đại diện Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cho biết, mỗi chu kỳ trồng rừng FSC thường giao động từ 7-10 năm. Tính đến tháng 4/2021, toàn tỉnh có trên 19.000ha được tổ chức quốc tế công nhận và cấp chứng chỉ FSC. Trong đó có trên 3.000ha vầu ở Quan Sơn, gần 2.400ha luồng ở Quan Hóa, diện tích còn lại là rừng trồng sản xuất (chủ yếu là keo).
Ngành lâm nghiệp Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 có 30.000ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, trong đó 20.000ha rừng gỗ, 10.000ha tre luồng. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có nhiều doanh nghiệp đứng ra đầu tư để người dân trồng rừng FSC, thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường.
“Lang Chánh là có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, đời sống kinh tế còn rất nhiều khó khăn do quỹ đất nông nghiệp hạn chế, ngành nghề dịch vụ kém phát triển. Trồng rừng FSC giúp người dân thay đổi tư duy phát triển kinh tế và sẽ là một trong những giải pháp thoát nghèo cho đồng bào và giúp quản lý, bảo vệ rừng bền vững. Ông Lương Văn Phúc, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lang Chánh.