| Hotline: 0983.970.780

Cha, con và biển: Từ cơ cực thành tỷ phú

Thứ Tư 06/01/2016 , 06:35 (GMT+7)

“Ăn sóng, nói gió”. Cả ngày lẫn đêm, mồ hôi không bao giờ khô trên tấm lưng cháy nắng đen sạm. Không chỉ cơ cực, đã ra biển là mạng sống của ngư dân giao phó hết cho trời. Ấy vậy, nhưng con trai miền biển vừa lớn là đã nối nghiệp ông cha cưỡi sóng vươn khơi, bất chấp cơ cực, hiểm nguy...

Tôi đã từng gặp nhiều ngư dân, gặp nhiều số phận trong nghề đi biển, nhưng có lẽ không câu chuyện nào làm tôi cảm động và ngưỡng mộ như cuộc “chiến đấu” với cuộc đời, với nghề, để vượt qua số phận của cha con lão ngư Nguyễn Văn Ái (66 tuổi) ở thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ, Bình Định).

Cơ cực đời cha

Bây giờ, dù đang sở hữu 4 chiếc tàu cá dạng “khủng” chuyên hành nghề lưới vây rút chì, suốt nhiều năm ăn nên làm ra, giờ ông đã trở thành một trong những tỷ phú làng biển ở Bình Định, nhưng khi nhớ về những chuyện đau thương thuở trước, gương mặt lão ngư Nguyễn Văn Ái vẫn còn phảng phất nỗi buồn.

Ông Ái sinh ra trong gia đình có truyền thống nghề biển, là con trai lớn trong gia đình có đến 11 người con, năm mới 19 tuổi ông Ái đã nối nghiệp cha cầm lái đưa ghe máy ra biển đánh cá. Theo trí nhớ của ông, khi ấy, chiếc ghe là kế sinh nhai của gia đình nhỏ tẹo, chỉ 12 CV. Với chiếc ghe nhỏ tựa “chiếc lá”, ông Ái chỉ dám đánh bắt trong lộng, mỗi ngày thu nhập nhiều lắm vài mẻ cá cơm, cá nục, đủ làm thức ăn và bán mua gạo chạy bữa cho gia đình.

Năm 1972, ông Ái lập gia đình, rồi những người con lần lượt ra đời. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Lằm, quê ở Cam Ranh (Khánh Hòa). Do nhà nghèo nên cả nhà phải sống chen chúc trong căn nhà chật hẹp. Chiếc ghe 12 CV tiếp tục theo ông ra biển để nuôi sống cả đại gia đình.

“Nghề đánh cá trong lộng với chiếc ghe nhỏ thu nhập bữa đói bữa no, nhưng cuộc sống gia đình rất yên lành. Cứ tưởng cuộc đời sẽ bình yên trôi đi, nào ngờ vợ tui lâm bạo bệnh, mạng sống như “chỉ mành treo chuông”, phải bán cả những tấm tôn cuối cùng trên mái nhà để chữa bệnh nhưng không khỏi, tui cứ tưởng cuộc sống của gia đình tui tàn đi từ đó”, ông Ái kể.

Câu chuyện của ông Ái dắt tôi về những ngày xưa đen tối của gia đình ông. Sau khi sinh đứa con thứ 3, vợ ông, bà Nguyễn Thị Lằm bị lâm bệnh tê liệt toàn thân. Ngày ngày nhìn vợ nằm liệt một chỗ, không cam lòng, ông Ái cắn răng bán đi chiếc ghe 12 CV, “cần câu cơm” duy nhất của gia đình để lấy tiền chữa bệnh cho vợ. Số tiền bán ghe khi ấy chỉ khoảng 70.000 đồng, số tiền chẳng bõ bèn gì so với căn bệnh hiểm nghèo của bà Lằm. Thế là ông lại nuốt nước mắt dỡ hết những tấm tôn lợp trên mái nhà xuống bán để tiếp tục thuốc thang cho vợ. “Nhìn cả gia đình sống cảnh màn trời chiếu đất ngay trong ngôi nhà của mình, tui khóc suốt ngày, nhưng chỉ dám khóc lén vợ, chứ để bả thấy bả tủi thân tội bả”, ông Ái tâm sự.

14-20-38_1
Lão ngư Nguyễn Văn Ái kể chuyện đời mình

Im lặng một lát, ông Ái nhớ thêm điều đau đớn nhất trong bi kịch ấy: “Thằng con mới sinh đã mất sữa mẹ, cứ khóc miết, tui phải lấy nước dừa cho nó bú. Bú nước dừa miết nó ớn, đút bình nước dừa vô là nó cứ cắn núm vú chứ không chịu nút. Cực quá, mẹ tui phải ẵm nó đi từ làng trên xóm dưới để xin bú nhờ”.

Chiếc ghe, những tấm tôn, không thể cứu vãn được bệnh tình của bà Lằm. Nhận biết bệnh của vợ ngày càng nặng thêm, người quắt lại như cái xác ve. Cha mẹ của bà Lằm ở Cam Ranh biết con rể mình đã cạn khả năng chạy chữa cho vợ, bèn cho người ra nhắn ông Ái đưa bà Lằm về Cam Ranh để tiếp tục chữa chạy.

“Trong lúc hành nghề, tui luôn dặn dò các con phải giữ bản lĩnh của ngư dân Việt, không bao giờ được yếu đuối. Ra khơi là để làm ăn, nhưng không quên nhiệm vụ gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, vì đó chính là nguồn sống của mình. Nếu gặp tàu cá bị nạn phải bỏ hết việc đánh bắt để lo việc cứu hộ thuyền viên, đó là cái đạo trong nghề mà người dân đi biển nào cũng cần phải gìn giữ”, lão ngư Nguyễn Văn Ái tâm sự.

Khổ nỗi, người tay trắng thì lấy tiền đâu thuê xe chở vợ đi, ông Ái phải năn nỉ 6 trai tráng trong họ tộc khiêng bà Lằm lên ga Phù Mỹ, rồi từ đó đi bộ theo đường tàu lửa về Cam Ranh. “Phải mất 3 ngày 3 đêm tui mới đưa được vợ về đến Cam Ranh. Cả nhóm thay phiên nhau khiêng, đi cả ngày cả đêm, vì trên đường tàu lửa chỗ nào đâu mà nằm ngủ. Có đoạn đến bờ ta-luy hẹp mà tàu lửa đang hụ còi chạy tới, phải khiêng vợi tui dạt xuống ruộng để tránh bị tàu lửa tông. Tàu đi qua, cả nhóm lại khiêng vợ tui lên đi tiếp”, ông Ái ngậm ngùi nhớ lại.

Kể từ ngày ấy, ông Ái bỏ biển, ở nhà chăm sóc vợ. Phước chủ may thầy, bà Lằm uống đúng thuốc, một năm rưỡi sau khỏi bệnh. Ba mẹ vợ ông Ái một lần nữa ra tay cứu vớt gia đình ông bằng một món quà ý nghĩa, đó là đóng cho ông chiếc tàu mới để ông tiếp tục ra biển. Con tàu mới đóng cũng chỉ 12 CV, nhưng với ông trong lúc này, nó đáng giá ngàn vàng.

Đời con hưởng phúc

Được trở lại với biển ông như được “sống lại”, ông Ái cặm cụi làm ăn, dành dụm. Năm 1985, ông Ái bán chiếc ghe 12 CV, dồn vốn đóng được chiếc ghe mới có công suất lớn hơn, 30 CV. Có ghe lớn, ông Ái chuyển sang làm nghề lưới rút gần bờ.

Thời điểm ấy biển no, ghe ông Ái no theo, chuyến biển nào cá cũng đầy khoang. Thời ấy phương tiện nghe nhìn đã phổ biến, nghe đài đọc báo, ông Ái biết nguồn lợi thủy sản ngoài khơi xa rất lớn, dù ghe chỉ 30 CV nhưng ông đã “bặm gan” vươn khơi đánh bắt.

“Có gan làm giàu ông à. Đúng thật, khơi xa cá nhiều, chỉ đánh một ngày là đầy ghe. Lúc ấy tàu nhỏ, không có hầm đá để ướp cá, vào đến bờ cá ươn phải đổ xuống biển, tui nhìn mà tiếc đứt ruột”, ông Ái nói.

14-20-38_2
Những con trai của ông Ái mỗi người đang sở hữu một chiếc tàu “khủng”

Tiếng của biển xa réo gọi ông Ái. Năm 1997, ông vay ngân hàng số tiền tương đương 5 cây vàng để đóng thêm chiếc tàu công suất gấp đôi, 60 CV. Chiếc tàu mới được trang bị 2 hầm đá nên ông Ái có thể kéo dài chuyến đánh bắt, đi xa hơn vào Đại Lãnh, Cam Ranh (Khánh Hòa), rồi Ninh Thuận, Bình Thuận. Dù đã làm chủ chiếc ghe 60 CV nhưng vẫn không kham nổi với những luồng cá “khủng”, chuyến biển nào cũng bỏ sót cá, ông Ái tiếc như người bị mất của.

Vào thời điểm này những người con trai của ông đã trưởng thành, ông Ái quyết định gom góp số tiền dành dụm được, vay thêm họ hàng, mua lại con tàu 90 CV tại Khánh Hòa với giá 48 cây vàng. Lúc bấy giờ ở Bình Định đây là con tàu “khủng”. Tàu lớn ra biển rộng, ông Ái mở rộng ngư trường đến đảo Côn Sơn. Hết lòng với biển, biển không bao giờ phụ, chuyến biển nào tàu của ông Ái cũng khẳm be.

“Nước lên thuyền lên”, chỉ sau một năm, sau khi trả hết nợ vay mua chiếc tàu 90 CV, ông Ái còn dư ra khoản tiền lớn để đóng mới chiếc tàu 270 CV mà không phải vay mượn. Với chiếc tàu được trang bị 3 hầm đá, ông Ái bắt đầu vươn ra ngư trường biển Đông với nghề mới, nghề lưới vây rút chì.

Nghề mới, ngư trường mới, hiệu quả đánh bắt càng cao. Chỉ vài năm sau ông Ái sắm thêm được 2 chiếc tàu khác, mỗi tàu có công suất 370 CV. Làm ăn được, ông tiếp tục bán tàu nhỏ đóng tàu lớn. Những người con trai và con rể của ông Ái mỗi người được giao quản lý một con tàu.

Lúc này, những cái tên Đá Lát, Đá Tây, Trường Sa Lớn, nhà giàn… đã rất quen thuộc với cha con ông Ái cùng những chiếc tàu “khủng”: BĐ-94439 TS (900 CV), BĐ-94529 TS (800 CV), BĐ-94032 TS (450 CV), BĐ-94033 TS (450 CV).

Từ năm 2011 đến nay, mỗi năm đoàn tàu cá của gia đình ông Ái có khoản lãi ròng trên 10 tỷ đồng. Những người con trai của ông cũng nhanh chóng trở thành những tỷ phú trẻ ở vùng biển.

Hơn 70 thuyền viên đi bạn trên các tàu cá của gia đình ông có việc làm ổn định với mức thu nhập bình quân từ 180-200 triệu đồng/người/năm. Khi Chính phủ triển khai Nghị định 67, ông Ái quyết định bán bớt một chiếc tàu nhỏ, vay thêm tiền để đóng tàu lớn hơn nhằm theo kịp bước tiến của nghề đánh bắt thủy sản hiện đại.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Xuất khẩu nông sản 4 tháng đạt hơn 19 tỷ USD

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, do có sự chuẩn bị, dự báo chính xác nên 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt hơn 19 tỷ USD (tăng hơn 23%).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sạt lở tại công trình đường điện 500kV, 3 người tử vong

HÀ TĨNH Vụ sạt lở tại công trình đường điện 500 kV mạch 3 ở thị xã Kỳ Anh khiến 3 người chết, 4 người bị thương, 11 người khác bị xây xước nhẹ.