Ngày 24/7, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBND thành phố Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022) và gặp mặt 450 đại biểu là người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022.
Theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, toàn quốc đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công; rà soát, xem xét trên 7.000 hồ sơ tồn đọng trong cả nước; trình Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với trên 2.400 liệt sĩ, 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, 450 đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu năm nay được lựa chọn từ cơ sở, là những điển hình trong phong trào đền ơn đáp nghĩa, là anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, là những người cả cuộc đời đi tìm hài cốt đồng đội hay gắn bó với anh linh các liệt sĩ…
Đặc biệt, trong số các đại biểu tham dự buổi gặp mặt có 41 đại biểu là người dân tộc thiểu số như: Tày, Nùng, Ba Na, Pa Kô, Cơ Tu, Cor, H’rê, Khmer, Raglai.
Tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chào mừng, tri ân tới 450 đại biểu người có công tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu người có công với cách mạng cả nước tham dự lễ kỷ niệm, tuyên dương năm nay.
Chủ tịch nước nhấn mạnh kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ diễn ra trong bối cảnh "cơn bão" COVID-19 để lại những di chứng nặng nề với đời sống xã hội. Cả nước đã một lần nữa đồng lòng, đoàn kết cùng tiến hành cuộc đấu tranh, chiến đấu với dịch bệnh.
Qua cuộc chiến này, nhiều tấm gương quân dân đã nêu bật lên tinh thần của những người lính trong thời bình. Ý chí tự lực tự cường của nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công, như các đại biểu người có công tiêu biểu năm 2022, trở thành những tấm gương vượt lên thương tật, khó khăn, hoà mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực trí tuệ, nỗ lực sản xuất, công tác, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp. Đó là những tấm gương bình dị mà cao cả, tỏa sáng, nhất là trong những thời điểm thiên tai, dịch bệnh, góp phần làm rạng rỡ, vinh danh 2 tiếng Việt Nam, khiến bạn bè quốc tế trân trọng, ghi nhận, khâm phục.
Chủ tịch nước khẳng định cả nước đã huy động nguồn lực to lớn từ ngân sách và cả cộng đồng, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như tặng nhà tình nghĩa, xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ, con liệt sĩ, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng… Những hoạt động này thể hiện tình cảm trách nhiệm mang lại hiệu quả to lớn cho xã hội.
Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc nâng cao đời sống cho các gia đình người có công với đất nước đã đi sâu vào tâm khảm mỗi người dân như lẽ tự nhiên nhất; tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn xã hội. Qua đó khơi dậy lòng yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy truyền thống đạo lý của đất nước.
Để phát huy kết quả đạt được và triển khai công tác đền ơn đáp nghĩa có chiều sâu, thực chất hơn nữa, Chủ tịch nước đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương trên cả nước chú trọng chăm lo người có công, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công; coi công tác này là trách nhiệm, tình cảm, vinh dự và mệnh lệnh từ trái tim.
"Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, người có công với đất nước, những người đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Xin chúc các thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, người có công luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đặc biệt là tham gia vào phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam giàu đẹp", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ.