| Hotline: 0983.970.780

Chăm sóc bản thân không chỉ dựa vào những tiện nghi vật chất

Thứ Hai 06/01/2025 , 21:40 (GMT+7)

Chăm sóc bản thân thật sự không nằm ở sự thụ hưởng những dịch vụ cao cấp, mà ở cách mỗi người đưa ra quyết định để bảo vệ chính mình.

Bác sĩ tâm lý Pooja Lakshmin nổi tiếng nước Mỹ.

Bác sĩ tâm lý Pooja Lakshmin nổi tiếng nước Mỹ.

Chăm sóc bản thân đang trở thành xu hướng trong đời sống hiện đại. Các khóa học ngắn hạn mở khắp nơi và các video hướng dẫn yoga cũng tràn ngập mạng xã hội. Thế nhưng, đâu là cách chăm sóc bản thân hiệu quả? Bác sĩ tâm lý Mỹ Pooja Lakshmin trong cuốn sách “Chăm sóc bản thân thực sự” đã đưa ra nhiều gợi ý đáng tham khảo.  

Trong thời đại công nghiệp tiêu dùng, việc chăm sóc bản thân thường bị đồng nhất với những buổi spa thư giãn, hay những phương pháp chăm sóc da, những liệu pháp thư giãn đắt tiền… Thế nhưng, với vai trò là chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần của nữ giới, bác sĩ Pooja Lakshmin nhận ra đây chỉ là những phương pháp “chăm sóc bản thân giả tạo”, một kiểu giải pháp tạm thời nhưng không giải quyết được vấn đề dài hạn.

Đơn cử như câu chuyện của Monique, một cô gái hai mươi lăm tuổi, lớn lên trong một gia đình nhập cư có nếp sống bó buộc, kiểm soát và đặt ra những kỳ vọng rất cao. Vì áp lực, cứ mỗi sáu tháng, Monique lại vung tiền cho một khóa tu dưỡng xa hoa như tập yoga ở Bali, học thiền theo triết lý Phật giáo ở ngoại ô New York, chữa lành cùng ngựa ở Montana… Những chuyến đi giống như lối thoát của Monique, nhưng khi quay về, cô lại rơi vào nhịp sống bận rộn và quá tải như trước, để rồi sau đó lại kiệt sức.

Nhìn trên bề mặt, những phương pháp chăm sóc bản thân như của Monique có thể đóng vai trò như một cách để thoát khỏi thực tại, đáp ứng nhu cầu tối ưu hóa cuộc sống, thậm chí là mang đến cảm giác thành tựu. Nhưng nó giống như một kiểu nạp năng lượng tức thời, đóng vai trò như một sự giải thoát khỏi hiện thực hằng ngày và khiến chúng ta rời xa con người thật của mình. Tệ hơn, những phương pháp chăm sóc bản thân giả tạo này còn khiến chúng ta xao nhãng, không thể nhận ra những lỗ hổng của một hệ thống vốn đối xử không công bằng với phụ nữ và các cộng đồng thiểu số thường chịu thiệt thòi.

Bác sĩ Pooja Lakshmin chia sẻ: “Trên thực tế, chăm sóc bản thân giả tạo cung cấp cho chúng ta tấm khiên vừa đủ lớn để giấu đi cảm xúc bên trong và tiếp tục tham gia các hoạt động của hệ thống văn hóa - xã hội quen thuộc mà hầu hết chúng ta đều đã biết từ khi còn nhỏ - những hệ thống nơi phụ nữ là người chăm sóc và quan tâm đến cảm xúc của người khác, nơi phụ nữ được mặc định phải ưu tiên hạnh phúc của người khác hơn của chính mình.

Chăm sóc bản thân giả tạo củng cố quan niệm độc hại rằng bạn là kẻ ích kỷ khi đưa ra những lựa chọn ưu tiên hạnh phúc của bản thân. Khi được xem như giải pháp, chăm sóc bản thân giả tạo sẽ tạo ra những lỗ hổng, khiến cho những hệ thống đang làm tổn thương phụ nữ không phải chịu trách nhiệm”.

Trong cuốn sách “Chăm sóc bản thân thật sự”, bác sĩ Pooja Lakshmin đã đưa ra những phân tích và bằng chứng cho thấy xã hội hiện nay đã đặt nhiều gánh nặng tinh thần lên phụ nữ, khiến họ kiệt sức, mất kết nối và có xu hướng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tâm lý như trầm cảm, lo âu… Nhưng thay vì giải quyết nguyên nhân vấn đề, chúng ta lại thực hành những phương pháp chăm sóc bản thân giả tạo và xem nó như giải pháp cho một vấn đề xã hội.

Trong phương pháp chăm sóc bản thân giả tạo, ở một thời điểm nhất định, việc chạy bộ có thể cải thiện tâm trạng của bạn nhưng không thể thay đổi hoàn cảnh đã khiến bạn kiệt sức, mệt mỏi hay suy sụp. Ngược lại, chăm sóc bản thân thực thụ là đào sâu hơn và xác định các nguyên tắc cốt lõi có thể giúp cho việc ra quyết định. Khi áp dụng những nguyên tắc này vào cuộc sống, bạn không chỉ cảm thấy nhẹ nhõm ở hiện tại mà còn xây dựng được một lối sống có thể ngăn chặn vấn đề ngay từ đầu. Nói cách khác, áp dụng phương pháp chăm sóc bản thân giả tạo là đối phó, trong khi thực hành chăm sóc bản thân thực thụ là nắm thế chủ động.

Cuốn sách 'Chăm sóc bản thân thật sự' vừa được phát hành tại Việt Nam.

Cuốn sách "Chăm sóc bản thân thật sự" vừa được phát hành tại Việt Nam.

Chăm sóc bản thân thực thụ, khi bạn nhìn vào bên trong mình và đưa ra quyết định sau khi đã suy ngẫm cũng như cân nhắc cẩn thận – là một cách để khẳng định quyền tự chủ. Nó có nghĩa là đối mặt trực tiếp với sự độc hại và tổn thương mà nền văn hóa của chúng ta gây ra cho phụ nữ. Nó có nghĩa là xác định điều nào phù hợp với bản thân chúng ta, điều nào không.

Chăm sóc bản thân thật sự là một cách sống. Chăm sóc bản thân thật sự không phải là danh từ mà là động từ, là quá trình diễn ra bên trong giúp chúng ta hướng tới sức khỏe tinh thần lành mạnh và tái định hình cách chúng ta tương tác với người khác. Đó không phải là một giải pháp nhanh chóng như viết nhật ký hay kỳ nghỉ dưỡng sang trọng, mà đòi hỏi chúng ta phải tự nhận thức dựa trên bốn nguyên tắc: thiết lập ranh giới, đối xử tử tế với chính mình, xác định giá trị cốt lõi, và sử dụng quyền tự chủ.

Trong khi chăm sóc bản thân giả tạo khiến bạn ngày càng xa rời chính mình, chăm sóc bản thân thực thụ sẽ luôn đưa bạn đến gần phiên bản thật nhất của mình. Đó là quá trình tìm hiểu bản thân bạn, con người thật của bạn, với những giá trị cốt lõi, niềm tin và mong muốn của riêng bạn. Đó là quá trình ra quyết định diễn ra bên trong buộc chúng ta phải tự suy ngẫm và quan sát chính mình một cách trung thực và kiên định. Khi bắt đầu thấy vẻ ngoài của mình phản ánh đúng phần bên trong con người mình, đó chính là lúc bạn biết mình đang chăm sóc bản thân thực thụ.

Xem thêm
Sau ly hôn: Hành trình lớn lên từ những mảnh vỡ gia đình

Ly hôn - hai chữ tưởng như là sự giải thoát cho cha mẹ, nhưng lại là khởi đầu của vô vàn nỗi đau và xáo trộn trong cuộc sống của những đứa trẻ.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?