| Hotline: 0983.970.780

Chàng trai nặng lòng với biển

Thứ Tư 12/02/2020 , 09:18 (GMT+7)

Với những cải tiến phù hợp thực tế, sản phẩm ngư cụ của anh Đào Quyết Thắng nhanh chóng trở nên quen thuộc với các chủ tàu cá trên cả nước.

Anh Đào Quyết Thắng với những sản phẩm ru lô đồng.

Anh Đào Quyết Thắng với những sản phẩm ru lô đồng.

Tốt nghiệp Khoa Điện ông nghiệp trường Đại học Kỹ thuật – Công nghiệp TP.HCM, anh Đào Quyết Thắng (SN 1980) không xin việc ở thành phố, mà quay về quê ở phường Đập Đá (TX An Nhơn, Bình Định) nối nghiệp cha làm nghề đúc.

Thắng về, tiến bộ KHKT về theo với hoàng loạt máy móc trang thiết bị hiện đại, cơ sở đúc đồng của gia đình anh chính thức “chia tay” với phương thức sản xuất thủ công và những mặt hàng truyền thống, anh Thắng chuyển hẳn sang sản xuất ngư cụ trang bị cho tàu đánh bắt xa bờ.

Học hỏi kinh nghiệm từ ngư dân

Để có được cuộc trò chuyện với anh chủ trẻ của Cty TNHH Sản xuất – Thương mại và Dịch vụ Đường Minh, chuyên đúc kim loại và gia công cơ khí đóng tại Khu công nghệp Gò Đá Trắng, phường Đập Đá là điều không dễ. Bởi, công việc của anh “dày như mạ”.

Tranh thủ lắm anh Đào Quyết Thắng mới dành cho tôi cuộc gặp vội vội vàng vàng trong bộ dạng 1 công nhân, áo quần lấm lem dầu mỡ. Cuộc trò chuyện ngắn của chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại đặt hàng.

Anh Thắng kể, đúc đồng là nghề truyền thống của gia đình. Trước đây, cha anh, ông Đào Tấn Minh cũng chuyên đúc ngư cụ cung ứng cho tàu biển bằng vật liệu đồng với phương pháp thủ công. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh về quê với những kiến thức học tập được ở trường, anh quyết định hiện đại hóa phương thức sản xuất để cho ra sản phẩm có chất lượng và độ chuẩn cao đáp ứng nhu cầu của nghề biển.

“Thiết bị của tàu cá phải yêu cầu có độ chuẩn cao thì vận hành mới hiệu quả. Ví như chân vịt phải quay với tốc độ cao, nếu làm bằng phương pháp thủ công sẽ không đảm bảo độ chuẩn, cánh quạt bị lệch thì chân vịt không hoạt động được”, anh Thắng cho hay.

Công nhân đang sản xuất ru lô đồng.

Công nhân đang sản xuất ru lô đồng.

Tâm nguyện lớn nhất của anh Thắng khi mới tiếp nhận cơ sở đúc đồng của gia đình là phải quyết tâm cải tiến để làm ra những sản phẩm vừa giảm giá thành, vừa phù hợp với thực tế đánh bắt của ngư dân nhằm mang lại hiệu quả cao.

Anh Thắng khởi đầu công việc của mình không phải ở xưởng cơ khí, mà là những chuyến điền dã về các vùng biển để gặp gỡ các chủ tàu cá đánh bắt xa bờ. Trong những câu chuyện với ngư dân, anh lắng nghe họ kể về những thuận lợi và bất cập trong hoạt động đánh bắt cá ngoài khơi xa. Một hôm, tình cờ anh nghe 1 chủ tàu cá đánh bắt xa bờ hành nghề lưới vây “ca thán” về những chiếc khoen đồng của giàn lưới đã vừa đắt tiền, lại vừa “phá bĩnh” những mẻ lưới khiến cho hoạt động đánh bắt không đạt hiệu quả.

“Trước kia, các tàu cá hành nghề lưới vây hầu hết đều sử dụng khoen đồng gắn vào giàn lưới. Khi giàn lưới được thả xuống biển, những chiếc khoen đồng này kéo tấm lưới chìm sâu xuống đáy biển.

Sau đó tấm lưới được tời kéo túm đáy lại để tóm đàn cá, rồi ngư dân dùng tời kéo lên tàu. Thế nhưng những khoen đồng khi theo giàn lưới thả xuống biển va chạm với nhau tạo ra tiếng ồn khiến đàn cá giật mình bỏ đi khỏi vùng bủa lưới, mẻ lưới kéo lên chẳng được bao nhiêu con cá.

Câu chuyện kể vui của các ngư dân trở thành nỗi ám ảnh trong tâm trí tôi, sau đó tôi quyết định nghiên cứu cải tiến để vừa làm hạ giá thành, vừa để những chiếc khoen không còn “phá bĩnh” những mẻ lưới của ngư dân”, anh Thắng bộc bạch.

Đồng hành với những tàu cá 67

Công nhân đang sản xuất khoen inox.

Công nhân đang sản xuất khoen inox.

Anh Thắng gom góp kinh nghiệm từ ngư dân mang về xưởng sản xuất và không ngừng “nặn óc” về chuyện cải tiến những chiếc khoen cho giàn lưới làm nghề lưới vây. Trước đây, những chiếc khoen được được đúc bằng đồng bọc chì. Nếu loại vật liệu đồng ra, chỉ làm tinh chì thì khoen nhanh hư, do vật liệu chì không thể “trụ” được khi phải thường xuyên tiếp xúc với nước biển.

Vậy là anh Thắng quyết định thay vật liệu đồng bằng inox. Anh dùng inox rỗng ruột quấn tròn, kích cỡ tương tự như vòng khoen bằng đồng. Khi ngư dân mua vòng khoen, anh Thắng bán kèm chì thỏi, ngư dân mang về nấu chì đổ vào ruột vòng khoen inox. Vậy là giàn lưới của họ được gắn những vòng khoen có sức nặng tương tự như vòng khoen được làm bằng đồng bọc chì.

“Hiện khoen đồng có giá 130.000đ/kg, còn khoen làm bằng vật liệu inox chỉ 57.000đ/kg, rẻ hơn 1 nửa. Một tấm lưới ít nhất phải trang bị 100 cái khoen, nặng khoảng 1,5 tấn. Nếu làm khoen đồng phải chi phí mất gần 200 triệu đồng, còn làm khoen inox thì chỉ mất 85,5 triệu đồng.

Ngoài chi phí thấp, khoen inox khi thả xuống biển không gây tiếng ồn như khoen đồng nên không đuổi lũ cá đi, khiến hoạt động đánh bắt của ngư dân đạt hiệu quả hơn. Thêm nữa, tàu cá sử dụng khoen đồng khi cập bờ bán sản phẩm, chỉ cần lơ là một chút là những chiếc khoen đồng liền bị lũ trộm tháo tất chỉ còn trơ giàn lưới, bởi giá trị đồng rất cao, còn dùng khoen inox thì trộm không ngó ngàng đến, ngư dân đỡ đi 1 khoản thất thoát”, anh Thắng phân tích.

Hiệu quả của những chiếc khoen inox nhanh chóng chiếm được lòng tin của ngư dân, thế là hàng loạt tàu cá hành nghề lưới vây bán tất những khoen đồng để thay thế bằng khoen inox. Anh Thắng thu mua khoen đồng của ngư dân, làm khoen inox bán lại. Vật liệu đồng mua được anh dùng vào việc sản xuất ru lô kéo tời trên các tàu cá xa bờ, bởi ru lô không thể làm bằng vật liệu inox (do inox trơn không kéo tời được).

Hiện cơ sở của anh Thắng đang sản xuất cụm sản phẩm trang bị cho tàu cá đánh bắt xa bờ như: Khoen inox, cánh quạt, ru lô đồng, ròng rọc inox và các phụ kiện phục vụ cho máy thủy. Sản phẩm của anh Thắng không chỉ phục vụ cho nghề cá đánh bắt xa bờ trong nước, mà thông qua 1 đại lý trung gian, sản phẩm của anh còn có mặt tại các thị trường các nước trong khu vực.

Cụm sản phẩm phục vụ cho tàu cá đánh bắt xa bờ của anh Thắng trở nên “hot” từ khi Nghị định 67 của Chính phủ ra đời. Hàng loạt tàu cá có công suất nhỏ được cải hoán thành tàu cá công suất lớn và ngư dân nườm nượp đóng mới nhiều tàu vỏ thép, vỏ gỗ có công suất “khủng”, hầu hết là tàu hành nghề lưới vây. Tàu nhỏ nâng cấp thành tàu lớn thì lưới nhỏ phải đổi thành lưới lớn, khoen lưới cũng phải thay đổi theo.

Do đó, riêng khoản sản xuất khoen cơ sở của anh Thắng đã làm không kịp trở tay, vài ba chục công nhân làm ngày làm đêm vẫn không đủ hàng cung ứng.

“Hiện cơ sở chúng tôi sản xuất đủ các loại kích cỡ khoen cho tất cả các nghề, khoen lớn dùng cho lưới đánh bắt cá nước sâu, khoen nhỏ dùng cho lưới đánh bắt cá nước cạn. Trung bình 1 giàn lưới sử dụng từ 130 – 150 cái khoen, có giàn lưới lớn sử dụng đến hơn 200 khoen”, anh Thắng cho hay

 

Hiện anh Thắng đang đau đáu sản xuất chân vịt trang bị cho tàu cá đánh bắt xa bờ. Trước đây, do cơ sở của anh chưa được trang bị máy móc hiện đại nên anh chưa dám nghĩ đến chuyện sản xuất chân vịt. Giờ đã có máy đúc điện, máy ly tâm, máy cân cánh nên anh Thắng đang triển khai sản xuất thử nghiệm chân vịt cho các tàu cá và thuyền thúng bằng vật liệu composite đánh bắt gần bờ.

“Sau khi sản xuất chân vịt cho tàu đánh bắt gần bờ thành công, trong thời gian tới chúng tôi sẽ triển khai sản xuất chân vịt cho tàu đánh bắt xa bờ”, anh Thắng cho hay.

Cụm sản phẩm trang bị cho tàu cá đánh bắt xa bờ của Cty TNHH Sản xuất – Thương mại và Dịch vụ Đường Minh của anh Đào Quyết Thắng cùng với 2 sản phẩm phẩm khác của Bình Định là Dầu dừa tinh khiết của HTXNN Ngọc An (huyện Hoài Nhơn) và Máy làm nhang vòng của Cty TNHH Thương mại – Dịch vụ và Sản xuất Hải Lan (TX An Nhơn) đạt danh hiệu “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2019”.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm