| Hotline: 0983.970.780

Chanh leo Sơn La trước thảm cảnh dịch bệnh: Nguy hiểm giống trôi nổi!

Thứ Năm 09/04/2020 , 10:31 (GMT+7)

Chỉ sau một vài năm thắng lợi rực rỡ, cây chanh leo tại Sơn La đang đứng trước nguy cơ sớm nở tối tàn.

Một loại giống chanh leo không rõ nguồn gốc, phát triển rất kém mới được trồng tại xã Chiềng Lương (huyện Mai Sơn). Ảnh: Lê Bền.

Một loại giống chanh leo không rõ nguồn gốc, phát triển rất kém mới được trồng tại xã Chiềng Lương (huyện Mai Sơn). Ảnh: Lê Bền.

Bát nháo giống không rõ nguồn gốc

Cây chanh leo được Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc (Nafoods Tây Bắc) bắt đầu đưa vào trồng tại Sơn La từ cuối năm 2017, trên cơ sở liên kết với các HTX, nông dân tại Sơn La gắn với bao tiêu sản phẩm. Chỉ sau vài năm đặt chân lên mảnh đất Tây Bắc, đến năm 2019, chanh leo của Nafoods Tây Bắc đã nhanh chóng khẳng định chỗ đứng, phát triển lên diện tích trên 3.000ha.

Cùng với sự lên ngôi của cây chanh leo, từ khoảng giữa năm 2018, các đại lý thu mua quả chanh leo tại Sơn La cũng bắt đầu mọc lên như nấm sau mưa. Không chỉ tranh mua nguyên liệu trực tiếp với nhà máy của Nafoods Tây Bắc, các đại lý này còn kiêm luôn việc đầu tư, cung cấp giống chanh leo cho nông dân.

Nguy hiểm là đa số giống do các đại lí cung cấp cho nông dân lại là nguồn giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Hậu quả là đến nay, hàng loạt vùng trồng chanh leo tại Sơn La đang bị dịch bệnh hoành hành, có nguy cơ xóa sổ.

Xã Chiềng Lương (huyện Mai Sơn), với đa số là bà con đồng bào dân tộc thiểu số người Xinh Mun, Thái, Mông...

Từ cuối năm 2017, đầu 2018, cây chanh leo được Nafoods Tây Bắc phối hợp với các HTX ở đây đưa vào trồng, và đã nhanh chóng trở thành cây trồng mang lại cơ hội đổi đời cho bà con, với thu nhập 300 - 400 triệu đồng/ha/năm. Thế nhưng trở lại Chiềng Lương thời điểm này, không khỏi xót xa khi hàng trăm ha chanh leo gần như đã bị xóa sổ.

Tại các tổ sản xuất như HTX Thành Đạt, HTX Thành Công (xã Chiềng Lương), hiện mỗi HTX từng có từ 60 - 70ha chanh leo, với hàng trăm hộ dân tham gia bây giờ chỉ còn lác đác vài hộ mạo hiểm mua giống mới về trồng niên vụ năm 2020.

Đại đa số đã không dám trồng chanh leo nữa do năm 2019, vùng chanh leo xã Chiềng Lương đã tiêu điều vì dịch bệnh. Nguy hiểm nữa là tới nay, vẫn còn không ít hộ dân mua những giống chanh leo trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ mang về trồng.

Từ khi cây chanh leo lên cơn sốt ở khu vực xã Chiềng Lương, từ năm 2018 - 2019, hàng chục đại lý thu mua quả chanh leo, hút dịch đã ra đời, tranh mua nguyên liệu với Nafoods Tây Bắc, đồng thời kiêm luôn vai trò cung cấp giống chanh leo cho nông dân.

Chúng tôi tìm tới hộ anh Lò Văn Th., một chủ đại lý thu mua chanh leo kiêm đại lý bán giống chanh leo tại Bản Lạn, xã Chiềng Lương. Nhà Th thuộc diện khá giả nhất bản, có vài xe tải chuyên đi thu mua chanh leo cung cấp cho các cơ sở hút dịch.

Nhà Th. vẫn còn lủng củng nhiều hộp các - tông đựng giống chanh leo, với rất nhiều nhãn hiệu mập mờ như Zhunhao, Tai-nông..., được quảng cáo là giống nhập khẩu từ Đài Loan.

Anh cho biết đây là nguồn hàng được nhập lại từ một đại lý dưới xã Chiềng Mung (huyện Mai Sơn), đã từng cung cấp giống cho nhiều hộ dân trong vùng.

Th. cũng tiết lộ năm 2018 – 2019, trong khi giống chanh leo do Nafoods Tây Bắc cung ứng chỉ ổn định xoay quanh 30 nghìn đồng/cây thì có thời điểm, những giống chanh leo “nhập khẩu chất lượng cao” này được các đại lí bán tới tay người dân với giá không hề rẻ, có khi tới 45-50 nghìn đồng/cây.

Một vườn chanh leo đã bị nhiễm bệnh tại xã Chiềng Sung (huyện Mai Sơn) chủ vườn cố giữ lại. Ảnh: Lê Bền.

Một vườn chanh leo đã bị nhiễm bệnh tại xã Chiềng Sung (huyện Mai Sơn) chủ vườn cố giữ lại. Ảnh: Lê Bền.

Ghi nhận tại vùng chanh leo xã Chiềng Lương, điều đáng lo ngại là ngay sau khi các diện tích chanh leo bị dịch bệnh phải phá bỏ từ cuối năm 2019, trong vụ xuống giống mới đầu năm 2020 đến nay, có không ít hộ dân vẫn đang mua các giống chanh leo trôi nổi để trồng lại trên chính các diện tích chanh leo từng bị dính dịch bệnh năm 2019.

Nguy hiểm hơn, một số hộ có vườn chanh leo bị bệnh từ năm 2019 hiện vẫn cố giữ lại với hi vọng có thể vớt vát thu hoạch hoặc sử dụng các loại thuốc để chữa trị, khiến nguy cơ lây lan và lưu nguồn bệnh sang các diện tích sạch bệnh...

Tại một số vùng chanh leo mới nổi lên, dịch bệnh cũng đang đe dọa. Điển hình như ghi nhận tại xã Chiềng Sung, vốn trước đây là vựa ngô của huyện Mai Sơn. Tuy nhiên từ cuối 2018 và năm 2019 đến nay, cây chanh leo đã được đưa vào trồng đại trà trên diện rộng để thay thế các diện tích ngô, mía. Từ năm 2019, một số vườn chanh leo tại đây đã bị bệnh tàn phá.

Giống trôi nổi đội lốt giống được công nhận

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), đến thời điểm này, cả nước mới chỉ có 1 giống chanh leo được công nhận là giống chính thức, đó là giống chanh leo LPH04 (Đài Nông 1) cho sản xuất tại vùng Tây Nguyên và các tỉnh vùng miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ (Quyết định số 4538/QĐ-BNN-TT ngày 05/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT).

 
Empty
Một số loại chanh leo không rõ nguồn gốc, được quảng cáo là giống nhập khẩu chất lượng cao và bán cho nông dân tại Sơn La. Ảnh: TL.

Một số loại chanh leo không rõ nguồn gốc, được quảng cáo là giống nhập khẩu chất lượng cao và bán cho nông dân tại Sơn La. Ảnh: TL.

Theo Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc (Nafoods Tây Bắc), đây cũng là giống chanh leo duy nhất được đưa vào sản xuất tại địa bàn tỉnh Sơn La từ cuối năm 2017 đến nay.

Tuy nhiên qua rà soát tại địa bàn tỉnh Sơn La, khảo sát của Nafoods Tây Bắc cho thấy trên địa bàn tỉnh này thời gian qua đang có hàng chục giống chanh leo khác nhau được các đại lí, HTX, nông dân mua về từ nhiều nguồn khác nhau để đưa vào sản xuất.

Một cán bộ phụ trách phòng kỹ thuật của Nafoods Tây Bắc cho biết: Vụ xuống giống chanh leo đầu năm 2019, công ty đã từng ghi nhận hàng loạt vụ việc giống chanh leo trồi nổi “đội lốt” giống chanh leo Đài Nông 1 của công ty được nông dân mua về trồng tại các vùng nguyên liệu liên kết của công ty với các HTX.

Theo đó, các giống chanh leo trôi nổi thường gieo trong các bầu nhựa đơn sơ, thoạt nhìn rất giống với giống Đài Nông 1 của Nafoods, được đựng trong các thùng các  -tông có nhãn mác của Công ty Nafoods. Song kiểm tra kỹ thì đáy bầu không có chữ dập nổi ghi tên của Nafoods và lô-gô của công ty.

Bầu của các giống trôi nổi không có giá thể mà chỉ có phân và đất, rất dễ thối rễ, mắt ghép không đồng nhất với gốc ghép; không có lớp băng keo quấn quanh mắt ghép...

Đặc biệt, một số giống được đựng trong các thùng các - tông ghi nhãn mác là nhập khẩu nhưng không có nguồn gốc xuất xứ, không có địa chỉ sản xuất, đơn vị nhập khẩu...

Hầu hết bà con đồng bào dân tộc thiểu số, hiểu biết có hạn đã mua phải những giống chanh leo này do sự quảng cáo, tiếp thị của các đại lý. Công ty Nafoods Tây Bắc cũng đã kiểm tra, báo cáo một số vụ việc với chính quyền địa phương về tình trạng này để có biện pháp xử lí.

Làm việc với PV NNVN, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sơn La chưa có báo báo về tình hình dịch bệnh cụ thể trên cây chanh leo của tỉnh.

Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Sơn La cho biết Chi cục hiện đã phối hợp với Nafoods Tây Bắc tiến hành rà soát đánh giá tình hình dịch bệnh, đồng thời phối hợp các chuyên gia đầu ngành về bệnh cây, nhất là với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiến hành kiểm tra lấy mẫu, phân lập bệnh phẩm, xác định nguyên nhân và đưa ra quy trình phòng chống cho chanh leo trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Chi cục cũng đã khuyến cáo người dân chỉ nên sử dụng giống chanh leo từng năm, không để lưu giống qua năm thứ hai do nguy cơ lưu truyền dịch bệnh.

Về công tác quản lí buôn bán giống chanh leo trên địa bàn tỉnh, ông Định cho biết năm 2018, đã từng xử lí một doanh nghiệp có vi phạm liên quan đến việc kinh doanh, phân phối giống chanh leo trên địa bàn tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, ông khẳng định hoạt động kinh doanh, buôn bán giống chanh leo trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn được triển khai chặt chẽ.

Theo Cục Trồng trọt, bên cạnh giống chanh leo (lạc tiên) Đài Nông 1 đã được công nhận chính thức, hiện nay, có các giống chanh leo đang trong quá trình sản xuất thử gồm: Nafoods, cho sản xuất thử tại vùng Tây Nguyên và Bắc Trung bộ. Giống Quế Phong 1, cho sản xuất thử tại vùng Tây Nguyên và Bắc Trung bộ (Quyết định số 438/QĐ-TT-CCN ngày 20/12/2019 của Cục trưởng Cục Trồng trọt).

Bên cạnh đó, có các giống được nhập khẩu để khảo nghiệm (từ 2015): Trong đó, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Đông Phương (năm 2015) gồm 4 giống: TW N 0 .1; TCh258, Dayeh15 và FLY. Công ty TNHH Tư vấn Đông Phương (năm 2015) gồm 3 giống: trái tím Grafting, King, trái tím TW-TSS.I và trái tím Dr.HBF1. Công ty Giống rau quả Trung ương (năm 2016) gồm 01 giống (VG16).

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người dâng giọt mật cho đời

Nghề làm mật mía đã nuôi sống mấy thế hệ trong gia đình lão Nhạc. Tuy nhiên, lão vẫn lo một ngày nào đó nghề cha ông sẽ bị thất truyền.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất