| Hotline: 0983.970.780

Những 'mối họa' ở vùng chanh leo Sơn La

Thứ Ba 05/11/2019 , 10:50 (GMT+7)

Chỉ sau 3 năm đặt chân lên Sơn La, cây chanh leo đã nhanh chóng “làm mưa làm gió” vùng đất này.

17-02-00_1
Những vườn chanh leo hiếm hoi còn sót lại, nhưng đã dính bệnh ở HTX Thành Đạt (Chiềng Lương, Mai Sơn, Sơn La). Ảnh: Minh Phúc.

Thế nhưng, ngày vui ngắn chẳng tày gang, tình trạng nông dân phá vỡ hợp đồng liên kết SX với doanh nghiệp, ồ ạt bán chanh leo cho các tư thương để XK tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc đã khiến giá chanh leo lập tức dội chợ, giảm thê thảm kể từ khi bị phía Trung Quốc chặn đường tiểu ngạch.
 

Dịch bệnh bùng phát

Cũng như nhiều địa phương khác ở tỉnh Sơn La, năm 2017, cây chanh leo lần đầu tiên được Cty CP Nafoods Tây Bắc liên kết với nông dân đưa vào trồng ở xã Chiềng Lương.

Các HTX trồng chanh leo được thành lập, thu hút hàng trăm nông dân tham gia. Phía Cty CP Nafoods Tây Bắc (Nafoods Tây Bắc) chịu trách nhiệm khảo sát vùng trồng, tập huấn và giám sát kỹ thuật, cung cấp giống và nhận bao tiêu 100% sản phẩm trong vòng mỗi chu kỳ 3 năm theo giá thị trường (thấp nhất là 5.000 đ/kg nhằm không để nông dân bị lỗ).

Cuối năm 2018, chúng tôi về xã Chiềng Lương (huyện Mai Sơn, Sơn La) khi những vườn chanh leo ở đây còn lúc lỉu quả. Chỉ chưa đầy 2 năm đưa vào SX, với mức giá bình quân được Nafoods Tây Bắc bao tiêu khoảng 15 - 20 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, cây chanh leo đã lập tức cho thu trung bình 250 - 300 triệu đồng/ha.

Những hộ đồng bào dân tộc Thái, Mông, Xinh Mun... trồng chanh leo ở Chiềng Lương đã mơ về một cuộc đổi đời, bởi nhiều người cả đời chưa khi nào có nhiều tiền đến thế. Vậy nhưng giấc mơ đó nay đã bỗng trở nên xa vời.

Trở lại Chiềng Lương thời điểm này, chúng tôi không khỏi giật mình khi chứng kiến những vườn chanh leo xác xơ tiêu điều. Có những vườn chỉ còn lại trơ dàn cọc, lơ thơ những gốc chanh leo vàng úa, quả quắt queo. Ở HTX Thành Đạt (xã Chiềng Lương), cả vùng chanh leo trên 60ha gần như bị xóa sổ.

Ông Lò Văn Tiện, Giám đốc HTX Thành Đạt buồn rười rượi kể: Mọi bi kịch bắt đầu kể từ khi những thương lái thu mua chanh leo xuất hiện ở Chiềng Lương. Không bao lâu sau khi cây chanh leo nổi lên, khoảng từ giữa năm 2018, bắt đầu xuất hiện một số thương lái, ban đầu là một vài thương lái đến từ huyện Mộc Châu lùng sục tới các bản trong xã thu mua chanh leo.

Họ mua để bán đi đâu không ai rõ, chỉ biết rằng cánh thương lái luôn chọn những quả chanh leo đẹp nhất, và mua với giá cao nhất. Giá chanh leo bình quân từ chỗ được phía Nafoods Tây Bắc thu mua ổn định từ 15.000-17.000 đ/kg, được các thương lái đẩy lên hơn 25.000 đ/kg đối với quả loại A. Sau dần nâng lên trên 30.000 đ/kg, rồi trên 35.000 đ/kg...

Giá chanh leo càng tăng, hệ thống thương lái càng mọc thêm chân rết tới từng bản làng. Một phong trào mở rộng diện tích cây chanh leo ồ ạt nổ ra. Nếu như trước kia, việc trồng chanh leo ở đâu phải được kỹ sư của Cty Nafoods Tây Bắc về khảo sát rất kỹ, từ chân đất, khí hậu, nhiệt độ, khả năng chủ động nước tưới...

Thế nhưng từ năm 2018, khi giá chanh leo cao chót vót, người trong xã đổ xô đi mua giống chanh leo ở thị trường tự do, không rõ nguồn gốc về trồng ở bất cứ chỗ nào có đất trống. Và hậu quả là từ đầu năm 2019 đến nay, những vườn chanh leo bắt đầu bùng phát bệnh.

17-02-00_2
Sự tranh mua của thương lái đang có nguy cơ “băm nát” quy hoạch chanh leo tại Sơn La (Trong ảnh: Một cơ sở thu mua chanh leo tại xã Tân Lập, huyện Mộc Châu). Ảnh: Minh Phúc.

Ban đầu, chỉ lác đác một số vườn có tỉ lệ rất ít gốc chanh leo có biểu hiện như xoăn lá, quả sần sùi teo tóp, rồi vàng lá, rụng lá, cây chột dần... Thứ bệnh ấy cứ lan nhanh như một cơn lốc. Nhiều người đã thử phun đủ loại thuốc những mong cứu vớt tình hình, nhưng nghe đâu đây là bệnh virus, nên vô ích.

Đến nay, cả vùng chanh leo của xã Chiềng Lương với diện tích hàng trăm hecta (riêng HTX Thành Đạt có 80 hộ, hơn 60ha) đều đã bị dính bệnh, trong đó một diện tích lớn đã bị xóa sổ hoàn toàn.

Bản thân gia đình anh Lò Văn Tiện, Giám đốc HTX Thành Đạt có 0,7ha chanh leo, năm 2018 thu hơn 200 triệu đồng, thì tới giữa năm 2019, cả vườn chanh leo đã bị tàn lụi hoàn toàn, từ đầu năm 2019 đến nay chỉ còn vớt vát được những loại chanh còi cọc, giá chỉ 2.000-3.000 đ/kg, chưa đủ bù chi phí...

Không thể chạy theo giá thị trường tự do cao ngất ngưởng và lượng chanh nguyên liệu bị người dân tuồn hết cho thương lái, từ đầu năm 2019, Cty Nafoods Tây Bắc buộc phải hủy bỏ hợp đồng liên kết với một số HTX.

“Trước đây, HTX giám sát các vườn chanh hàng ngày. Khi có biểu hiện lạ thì lập tức thông báo và có cán bộ kỹ thuật của Cty Nafoods lên kiểm tra, xử lí.

Tuy nhiên từ đầu năm 2019 đến nay, do không còn hợp đồng liên kết, nên dịch bệnh không kịp phát hiện và xử lí, càng lây lan chóng mặt. Một số vườn của các HTX khác trong xã còn giữ được, nhưng mới đây cũng đã bị lây bệnh” - ông Lò Văn Tiện cho biết.
 

Giá tụt 3-4 lần

Những vườn chanh leo đẹp nhất, những lô chanh leo quả loại A được các thương lái lùng sục thu mua bằng hết. Phía Nafoods Tây Bắc ban đầu còn nâng được giá cho các HTX theo mức tăng giá của thị trường tự do, lên mức 20.000 đ/kg, rồi thì 25.000 - 26.000 đ/kg, nhưng khi mà phía Cty nâng được một giá, thì cánh thương lái nâng thêm 2 giá.

Cứ thế, giá chanh leo năm 2018 ở Sơn La như ngựa bất kham, có giai đoạn nhảy lên tới trên 40.000 đ/kg. Thế nhưng kể từ cuối năm 2018, đầu năm 2019 đến nay, cùng với dịch bệnh bùng lên ở nhiều nơi, chanh leo ở Sơn La đã liên tục rớt giá thảm hại, mà nguyên nhân là do những thương lái không còn XK được tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc.

17-02-00_3
Không còn hợp đồng liên kết với DN, việc giám sát, khống chế dịch bệnh trên cây chanh leo đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ rất nguy hiểm ở Sơn La. Ảnh: Minh Phúc.

Bà H, chủ một cơ sở thu mua chanh leo rất lớn tại Tiểu khu 12, xã Tân Lập (huyện Mộc Châu) cho biết từ khi cây chanh leo “lên cơn sốt” ở Sơn La, gia đình bà đã nhãng hết các nghề buôn ngô bán sắn trước đây để chuyển sang đầu tư, thu mua chanh leo. Theo đó, nông dân sẽ được đầu tư vốn để mua giống, phân bón, cuối vụ bán lại sản phẩm cho cơ sở này.

Bà H tiết lộ năm 2018, mỗi ngày cơ sở này thu mua bình quân tới 50-60 tấn chanh leo, trong đó 70% sản lượng là chanh leo loại A được chuyển lên cửa khẩu Tân Thanh để XK sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên kể từ đầu năm 2019 đến nay, việc XK chanh leo sang Trung Quốc gần như đã bị chặn đứng, khiến giá chanh leo tại thị trường Sơn La bị đánh tụt theo.

Nếu như năm 2018, giá chanh leo loại A, B mà cánh thương lái tự do thu mua bình quân lên tới 22.000 – 26.000 đ/kg (có lúc bình quân trên 30.000 đ/kg), thì từ đầu năm 2019, giá chanh bắt đầu xuống dốc không phanh, hiện chỉ còn dao động từ 7.000 - 8.000 đ/kg đối với chanh loại A, B. Riêng những loại chanh xấu (chiếm từ 30 - 35% sản lượng), giá thời điểm này chỉ còn khoảng 2.000 - 4.000 đ/kg.

Không còn XK được chanh leo sang thị trường Trung Quốc, hiện nay, thị trường tiêu thụ buộc phải đảo chiều, 70% chanh leo được các thương lái ở Sơn La bán cho các nhà máy chế biến trong nước...

“Chúng tôi chỉ chuyển lên biên giới Lạng Sơn, còn việc thông quan sẽ do các thương lái trên ấy lo. Năm ngoái, mỗi thùng chanh leo 30kg, chuyển sang bên kia biên giới Trung Quốc chỉ mất vỏn vẹn khoảng 40.000 đ/thùng về chi phí vận chuyển, thông quan, thì năm nay do Trung Quốc cấm đường tiểu ngạch, nên phải thuê người khuân vác qua biên giới, chi phí mỗi thùng lên tới 500.000 đ/kg, không còn lời lãi gì nên chúng tôi cũng buộc phải hạ giá thu mua của người dân” - bà H than thở.

Tân Lập là xã thuộc diện đầu tiên được Cty Nafoods Tây Bắc đặt chân vào liên kết đầu tư phát triển vùng nguyên liệu chanh leo phục vụ chế biến XK. Tuy nhiên chỉ sau 2 năm cây chanh leo phất lên, hàng loạt thương lái, chủ vựa thu mua đã mọc lên như nấm sau mưa, trực tiếp tranh mua nguyên liệu với chính Nafoods Tây Bắc. Năm 2019, nông dân ở xã Tân Lập đã chuyển nhiều diện tích trước đây trồng ngô, sắn, hoặc cây ăn quả như mơ, mận, đào... sang trồng chanh leo. Tuy nhiên, giá chanh leo đột ngột lao dốc khiến họ không khỏi lo lắng.

17-16-35_ch
Nafoods Tây Bắc đang đối mặt nguy cơ thiếu nguyên liệu do tình trạng nông dân ồ ạt bán chanh leo cho thương lái.

Ông Nguyễn Văn Thiêm, một hộ dân ở Tiểu khu 12, xã Tân Lập từ cuối năm 2018 đã phá bỏ hơn 1ha mận sang trồng chanh leo ái ngại: Đầu tư cơ bản để trồng chanh leo không quá lớn, nên mặc dù giá chanh leo từ 7.000 - 8.000 đ/kg như hiện nay, so với trồng ngô, sắn hoặc một số loại cây khác thì nông dân vẫn có lãi chấp nhận được. Tuy nhiên nếu so với những loại cây ăn quả và một số loại cây trồng có giá trị thì lại quá thấp. Vì vậy nếu giá chanh leo không tăng trở lại, rất khó để nông dân giữ chân cây trồng này.

Phá vỡ quy hoạch, phá vỡ hợp đồng

Đối với cây chanh leo, Nafoods Tây Bắc cam kết phát triển theo chuỗi giá trị khép kín, cung ứng cây giống đầu vào đến hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra. 

Tuy nhiên trong 2 năm trở lại đây (2018 – 2019), tình trạng bà con du nhập các giống chanh leo trôi nổi, không phải do Cty cung cấp diễn ra rất phổ biến trên thị trường ở Sơn La, đặc biệt là tập trung ở huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Mai Sơn và Yên Châu, khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh đang rất nguy hiểm. Thời gian qua, bệnh virus chanh leo đã và đang phát triển trên diện rộng tại địa bàn tỉnh Sơn La.

Sau 3 năm đầu tư, hiện Cty đã xây dựng được diện tích chanh leo của khu vực phía Bắc hơn 3.000ha.

Tuy nhiên khoảng 2 năm trở lại đây, đã có tình trạng thương lái tranh mua sản phẩm quả chanh leo để xuất sang thị trường Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch.

Nông dân mặc dù đã có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đối với Cty, tuy nhiên do nhận thức, lợi ích trước mắt nên sẵn sàng phá vỡ hợp đồng với Cty để bán cho thương lái... 

Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bố trí quy hoạch vùng nguyên liệu và chiến lược phát triển của Cty trong giai đoạn 2016 – 2021. Nhất là việc thường xuyên bị thiếu nguyên liệu để phục vụ cho NM chế biến đã hoạt động tại Mộc Châu (Sơn La).

(Ông Mai Văn Quang, PGĐ Cty Nafoods Tây Bắc)

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Dư nợ cho vay của Agribank đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 11%

Tổng nguồn vốn Agribank đạt trên 2 triệu tỷ đồng, tăng 7,6%. Dư nợ cho vay đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, trong đó 65% dư nợ cho vay phát triển 'Tam nông'.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.