| Hotline: 0983.970.780

Chất cấm vẫn đáng báo động

Thứ Tư 28/10/2015 , 20:03 (GMT+7)

Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang có sự biến tướng khi người ta chuyển từ chất Clenbuterol sang Salbutamol...

Tại buổi Hội thảo “Loại bỏ chất cấm trong chăn nuôi” do Báo Thanh Niên tổ chức vào ngày 28/10, thông tin từ các diễn giả cho thấy việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, ở mức báo động.

Theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, từ đầu năm đến hết tháng 9, cơ quan này đã thực hiện 2 đợt kiểm tra tại 14 cơ sở giết mổ trên địa bàn, lấy 516 mẫu nước tiểu trên 120 lô heo đưa về giết mổ. Kết quả: Có 23/120 lô heo dương tính với chất cấm thuộc nhóm beta-agonist (chiếm 19,17%); có 95/516 mẫu nước tiểu dương tính với chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist (18,41%).

Bên cạnh đó, Chi cục Thú y TP.HCM đã lấy159 mẫu thịt tươi trên địa bàn để kiểm tra tồn dư chất cấm, với kết quả ELISA ban đầu có 3 mẫu dương tính với chất cấm nhóm Beta-agonist.

Sau khi kiểm tra khẳng định bằng phương pháp LC/MS, kết quả là có 2 mẫu thịt dương tính với Salbutamol hàm lượng ≥10ppb (1 mẫu có nguồn gốc từ Đồng Nai và 1 mẫu từ huyện Củ Chi, TP.HCM).

Có cơ sở chăn nuôi lớn, do bị phát hiện có chất cấm nên bị cơ quan chức năng yêu cầu phải giữ đàn heo lại để chất cấm đào thải ra hết mới được bán. Nhưng test kiểm tra lại đến lần thứ 2 mà vẫn còn dư lượng chất cấm trong heo, chứng tỏ heo có tồn dư chất cấm quá nhiều.

Ông Thảo cho biết thêm, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang có sự biến tướng khi người ta chuyển từ chất Clenbuterol sang Salbutamol, bởi chất này đang được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong điều trị một số bệnh của người.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở nước ta hiện vẫn đang diễn biến rất phức tạp, ở mức độ đáng báo động. Hầu hết các địa phương đều có hiện tượng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

TP.HCM và Đồng Nai phát hiện nhiều mẫu, lô heo có dư lượng chất cấm, là do những địa phương này đang đẩy mạnh kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi. Còn những tỉnh đến giờ chưa có thông báo phát hiện chất cấm trong chăn nuôi thì là do chưa kiểm tra chứ không phải là không có việc sử dụng chất cấm.

Bên cạnh chất cấm, tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm thịt hiện nay cũng rất đáng lo ngại. Do đó, ông Nguyễn Phước Trung, GĐ Sở NN-PTNT TP.HCM, cho rằng, Bộ NN-PTNT cũng cần làm mạnh cả việc kiểm soát kháng sinh trong chăn nuôi.

Ngoài ra, theo thông tin từ bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, GĐ Cty TNHH Dịch vụ An Hạ, ở nhiều lò mổ hiện nay còn đang tồn tại tình trạng tiêm thuốc an thần vào heo để “làm đẹp” thịt, gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe người tiêu dùng.

Tình trạng lạm dụng chất cấm không chỉ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng mà còn khiến cho ngành chăn nuôi khó cạnh tranh được với sản phẩm thịt của nước ngoài, nhất là khi nước ta tham gia vào TPP và các FTA khác.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TĂCN, khẳng định, khi TPP có hiệu lực mà tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi còn tràn lan, thì ngành chăn nuôi coi như thua ngay trên sân nhà trước các sản phẩm thịt nhập khẩu đảm bảo ATTP đã không còn rào cản thế quan.

Trước những thực trạng nói trên, các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi.

TS Kiều Minh Lực (Cty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam) cho hay, Cty này đã áp dụng các giải pháp mạnh mẽ để kiểm soát chất cấm tại trang trại gia công như kiểm tra salbutamol và clenbuterol trước xuất bán heo thịt; cắt kháng sinh đối với heo thịt trước xuất bán 2 tuần; áp dụng các giải pháp an toàn sinh học, phòng dịch khoa học và nghiêm ngặt…

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, cơ quan chức năng cần có kế hoạch kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm thường xuyên và đột xuất tại các trang trại, cơ sở chăn nuôi heo. Nếu phát hiện vi phạm phải xử lý thật nghiêm, thật nặng và đưa thông tin chủ trang trại hoặc chủ cơ sở chăn nuôi lên các phương tiện thông tin truyền thông cho mọi người biết để không tiêu thụ heo của họ.

Việc lấy mẫu xét nghiệm chất cấm trong heo tại các cơ sở giết mổ (CSGM) là cần thiết, nhưng phải truy tới cùng nguồn gốc lô heo có chất cấm được xuất ra từ trang trại hay cơ sở chăn nuôi nào và phải có biện pháp phạt thật nặng người nuôi để răn đe.

Cần có quy định bắt buộc tất cả các CSGM phải có phương tiện làm xét nghiệm nhanh để định tính chất cấm trên một số lượng mẫu theo qui định, trước khi đưa vào giết mổ, tránh tình trạng khi thương lái biết hôm nay cơ quan chức năng xét nghiệm tại CSGM này thì sẽ chở heo có ăn thuốc về CSGM khác. Đồng thời bà Thắm cũng kiến nghị bắt buộc các CSGM phải gắn camera để theo dõi, ngăn chặn việc heo bị tiêm thuốc an thần tại CSGM.

Ông Phan Xuân Thảo đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét điều chỉnh Thông tư 57/2012/TT-BNNPTNT như sau: Quy định quy trình lấy mẫu thịt tươi kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh để làm cơ sở kiểm tra xử lý vì khi lấy mẫu thịt tươi phải lưu giữ bảo quản quầy thịt 3-7 ngày để chờ kết quả xét nghiệm định lượng; quy định biện pháp, hình thức xử lý đối với những trường hợp kinh doanh động vật tại các điểm trung chuyển hoặc vựa gia súc, cơ sở giết mổ trái phép, vận chuyển động vật không giấy chứng nhận kiểm dịch động vật phát hiện có sử dụng chất cấm để làm căn cứ pháp lý trong quá trình kiểm tra, xử lý; quy định trách nhiệm của chủ cơ sở chăn nuôi, chủ cơ sở giết mổ trong việc thực hiện lưu giữ gia súc khi phát hiện tồn dư chất cấm trong quá trình chờ kết quả xét nghiệm định lượng…

Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương, các tỉnh cần phải vào cuộc quyết liệt để kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi, vì nếu không có sự vào cuộc của chính quyền các cấp thì sẽ không thể kiểm soát nổi tình trạng này. Đồng thời, nếu cần thiết, các cơ quan chức năng cần mạnh dạn sử dụng hết khung xử phạt trong các quy định đang có, vì đã có những quy định xử phạt tương đối nặng liên quan tới việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi như buộc phải tiêu hủy lô hàng, công bố cơ sở, cá nhân vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng…

THANH SƠN

Xem thêm
Giảm số dự án đầu tư công trung hạn 2026-2030 xuống dưới 3.000

Đây là nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tại Hội nghị tổng kết ngành kế hoạch - đầu tư, nhằm giúp nền kinh tế bứt phá hơn nữa.

Ông Lại Thế Nguyên nêu vấn đề 'căn cốt' để phát triển nông nghiệp Thanh Hóa

Năm 2024, dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do thiên tai liên tiếp xảy ra, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa vẫn gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Quy định mới về BHYT tạo thuận lợi cho người dân từ 1/1/2025

Từ 1/1/2025, thêm 3 quy định mới về BHYT tạo thuận lợi cho người dân. Một số trường hợp bệnh hiếm, hiểm nghèo… được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.