Mấy ngày qua trên địa bàn Thanh Hóa rộ lên thông tin các cơ sở chế biến dùng lưu huỳnh (người dân gọi là diêm sinh) hấp, sấy cho măng vàng, khô, đẹp và bảo quản được lâu. PV NNVN đã có cuộc tìm hiểu thực tế.
>> Bánh Trung thu giá bèo tràn vào nhà máy
>> Rùng mình chợ gà ''lộ thiên''
>> Thịt bò khô: ''Tôi bán… nhưng nào dám ăn''
>> Rùng mình công nghệ sản xuất ngô cay
>> Rợn người mực bẩn
>> Hỗn loạn ''chợ đen'' phụ gia thực phẩm
>> Kinh dị bò khô giá... siêu rẻ!
Thọ Xuân - Thanh Hóa mặc dù là huyện miền núi, song diện tích đất rừng trồng măng tre, măng luồng ít. Tuy nhiên xã Xuân Bái, Thọ Xuân lại được xem là “thủ phủ” của việc buôn bán, chế biến măng các loại. Theo thông tin của NNVN nắm được thì trên địa bàn xã Xuân Bái có đến cả chục cơ sở chế biến măng khô. Các cơ sở này hoạt động rất kín đáo, người dân sống bên cạnh cũng khó có thể nhận ra huống hồ chỉ là khách đến mua măng.
Trong vai người mua măng, chúng tôi vào một cơ sở sản xuất tên M ở xóm 1, xã Xuân Bái. Ở đây bề ngoài không có vẻ gì của một cơ sở chế biến, nhưng thực ra bên trong lại là nơi chế biến rất rộng rãi chứa được hàng tấn hàng. Những cơ sở kiểu thế này hiếm ai có thể lọt qua được “cửa ải” để mục sở thị ngoài 4, 5 người thợ hàng ngày ăn ngủ cùng hóa chất.
Măng có màu vàng tươi đều đã được hấp qua lưu huỳnh?
Cửa xuống xưởng khi nào cũng kín mít, mỗi khi hàng về mới được mở. Viện cớ tìm lối đi vệ sinh, tôi loay hoay mãi mà không có lối xuống, một lát người đàn ông ở đâu chạy tới “mời” tôi lên nhà… uống nước.
Sở dĩ khó tiếp cận bởi vì chỉ cần thấy có người lạ đến là họ đã dè chừng. Cơ sở chế biến nhà ông M ngoài việc hấp, sấy cho sản phẩm của mình, còn kiêm thêm dịch vụ hấp, sấy thuê.
Lân la mãi tôi mới làm quen được anh Ng.V.V khi anh đẩy chiếc xe chở ba bao tải măng vào bên trong xưởng ông M rồi ra đường ngồi uống nước. Tôi hỏi, anh không ở trong đó thì biết người ta làm cho mình thế nào? "Từ trước đến nay không ai được vào bên trong, khi nào xong nhà chủ gọi vào nhận hàng về", anh nói. Anh V bảo, măng chủ yếu được người dân đưa từ các huyện Quan Sơn, Lang Chánh, Ngọc Lặc… và từ Lào về.
Theo anh V, người dân hấp, sấy bằng lưu huỳnh để măng được vàng, đẹp mắt, không bị mốc. Anh khẳng định: Phải làm như thế mới có măng bán quanh năm chứ. Thông thường hàng măng này chỉ làm theo mùa vụ vào tháng 6, 7 là chủ yếu. Tháng còn lại không bảo quản bằng hóa chất sẽ hỏng hết.
“Để tránh đụng đầu với cơ quan chức năng, các chủ cơ sở không xây lò bằng gạch mà chỉ dựng tấm cót quây tròn sau đó kê dàn giáo lên, dùng lưu huỳnh cho vào cái bát nhỏ rồi đốt. Hơi từ lưu huỳnh bốc lên ngấm vào măng, mỗi lần hấp như vậy phải mất 6-8 tiếng”, anh V cho biết.
Phản ánh của người dân sống quanh các cơ sở chế biến măng, mỗi khi lò lên lửa thì mùi hôi, khét bốc ra nồng nặc rất khó thở. Riêng ở xã Xuân Bái đã không ít lần người dân viết đơn kiến nghị lên xã, nhưng việc dùng lưu huỳnh sấy măng vẫn diễn ra.
“Chúng tôi chỉ thấy có mùi lạ phát ra, còn bên trong chẳng ai biết người ta làm cái gì”, một người dân ở đây nói. Ấy vậy mà những cơ sở kiểu thế này đã hoạt động và tồn tại nhiều năm nay. Tôi hỏi: Có biết sử dụng lưu huỳnh trong măng là rất độc hại và nguy hiểm cho người tiêu dùng không? Anh V thẳng thắn: Vẫn biết là vậy, nhưng quan trọng là dùng lưu huỳnh ở mức độ nào. Thực tế các mặt hàng như thuốc bắc, bánh, kẹo, các loại sản phẩm khác người ta cũng phải dùng đến lưu huỳnh để bảo quản có sao đâu. Nói thật, ở đây nhà nào buôn bán măng cũng phải dùng đến lưu huỳnh, nếu không thời tiết thất thường thế này có mà thối hết.
Ngày 23/9, tại xã Sơn Thủy (Quan Sơn), tổ tuần tra Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo cùng công an xã Sơn Thủy vừa tạm giữ đối tượng Hà Văn Liêm (trú tại xã Thiên Phủ, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) và thu giữ tang vật là 25 tấn măng tươi đã qua sơ chế, ướp bằng hóa chất độc hại. Số măng này đang được Hà Văn Liêm chuẩn bị bán ra thị trường. Bước đầu, Hà Văn Liêm khai nhận từ đầu tháng 9/2012 đến nay đã thu mua măng ở huyện Quan Sơn, sau đó sơ chế bằng chất lưu huỳnh, rồi cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Nhờ cách sơ chế bằng chất lưu huỳnh, nên măng tươi luôn đẹp mắt, đặc biệt có thể để nhiều tháng vẫn không bị ủng, hôi thối. |
Ở xã Xuân Bái này người ta làm kín đáo đến nỗi, vừa qua Phòng Cảnh sát môi trường và Quản lý thị trường Thanh Hóa ập vào hai cơ sở của ông Phạm Ngọc Mạnh ở thôn 4 và ông Đỗ Mạnh Hiền ở thôn Minh Khai 1 (xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân) bắt quả tang đang dùng lưu huỳnh hấp măng thì người dân mới té ngửa. Tang vật vi phạm thu giữ được là 530 kg măng sợi khô đã hấp qua lưu huỳnh và 118 kg lưu huỳnh dùng để sấy măng.
Được biết, trung bình mỗi lò hấp, sấy măng bằng lưu huỳnh cho ra 50 kg măng khô/ngày. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng việc sử dụng lưu huỳnh để hấp, sấy sẽ làm măng khô, có độ bóng, không bị ẩm mốc. Nhưng đây là hóa chất độc hại, nếu dùng thực phẩm chứa lưu huỳnh nồng độ cao lâu ngày sẽ bị ảnh hưởng về thần kinh, ảnh hưởng chức năng tim mạch, ngạt thở, nhức mắt…
Trao đổi với NNVN, ông Phạm Ngọc Tới, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Bái khẳng định việc các cơ sở chế biến măng trên địa bàn dùng lưu huỳnh là có thật, quan trọng là người ta dùng ở mức độ nào. Tuy nhiên, ông Tới lại cho rằng các cơ sở chế biến chỉ dùng với số lượng rất ít để sấy măng bị ẩm ướt, mốc trong quá trình vận chuyển? Nhưng từ hôm 2 cơ sở bị bắt, người dân không dùng lưu huỳnh để hấp măng nữa, các lò cũng đã được phá hết.
Thực tế khi chúng tôi tìm hiểu tại các hộ dân quanh khu vực cơ sở chế biến người dân vẫn khẳng định các cơ sở này vẫn hấp, sấy bình thường, nhưng việc làm của họ kín đáo hơn, người lạ không thể vào được bên trong nên chỉ phát hiện được là do mùi hôi, khét bốc lên từ phía lò, xưởng.