Dân bản học làm du lịch cộng đồng
Từ trung tâm huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) vào đến bản Đôn (xã Thành Lâm) chỉ mất chừng 30 phút di chuyển bằng ô tô. Hai tuyến đường vào bản được đầu tư xây dựng để du khách có thể cho xe ô tô vào tận chân núi.
Du khách thoải mái chạy xe lên những con đường bê tông, theo vòng xoáy trôn ốc đến đỉnh, phóng mắt ra xa, ngắm cánh đồng lúa ruộng bậc thang vàng ruộm trong sương sớm hoặc ngắm ráng chiều, mặt trời đỏ như hòn lửa khuất dần sau những ngọn núi.
Nép mình dưới chân đồi, dưới những lùm cây là những ngôi nhà sàn, phần lớn được lợp bằng cỏ tranh. Những tảng đá to mọc tự nhiên giữa những cánh đồng ruộng bậc thang là điểm check in ưa thích của nhiều du khách. Khách nước ngoài lại “ưa món” đạp xe, khám phá những khu rừng nguyên sinh Pù Luông cách đó không xa.
Những ngày cuối tháng 8, lúa đang thì con gái, mơn mởn; những dòng suối chảy róc rách suốt ngày đêm trong bản tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Tầm 8 - 9 giờ tối, bản Đôn đã chìm trong không gian tĩnh mịch, êm ái lạ thường.
Những người làm du lịch cộng đồng ở đây cho hay, 75% khách lưu trú và đi du lịch ở đây là khách Tây. Vì vậy, làm du lịch cộng đồng, ngoài việc trau chuốt những ngôi nhà sàn, giữ được nét hoang sơ của cảnh quan tự nhiên thì dân bản còn phải học thêm máy tính, học tiếng Anh... Nghĩa là học tất cả những gì liên quan đến việc đón tiếp khách, giao tiếp, giới thiệu, check in...
Là giáo viên tiếng Anh của một trường học trên địa bàn xã, chị Trương Thị Huệ nhận làm nhân viên bán thời gian của Công ty CP làng du lịch Pù Luông (đơn vị chủ quản của PuLuong Retreat).
Nhiệm vụ của chị là dạy tiếng Anh cho những người làm du lịch ở bản Đôn. Học viên của chị đa phần là những người làm du lịch, có hợp tác với PuLuong retreat.
Trước việc du lịch đang phát triển mạnh, người dân bản địa rất ham học hỏi, muốn học ngoại ngữ và tất cả những gì liên quan đến du lịch. Tuy nhiên, theo chị Huệ, dạy tiếng Anh cho người bản địa không dễ.
Ông Nguyễn Thế Anh, Bí thư Đảng ủy xã Thành Lâm: “Để phát triển du lịch cộng đồng bền vững, điều quan trọng nhất là phải giữ được vẻ hoang sơ, tự nhiên và tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa. Lợi ích của dân bản phải được đặt lên hàng đầu chứ không phải chỉ là lợi ích của doanh nghiệp.
“Trước đây, bản Đôn giống như một thế giới khép kín, ít giao tiếp với thế giới bên ngoài. Con người ở đây hồn hậu, chịu khó học hỏi nên khi du lịch phát triển, dân bản bắt nhịp rất nhanh.
Tuy nhiên, dạy ngoại ngữ cho họ một cách hệ thống, bài bản quả là rất khó khăn. Vì vậy, lớp học của tôi chỉ tổ chức tuần vài ba bữa, học những câu cơ bản để giao tiếp với người nước ngoài”, chị Huệ cho hay.
Theo lịch, mỗi tuần chị đều có chương trình dạy tiếng Anh giao tiếp chuyên ngành du lịch cho dân bản địa. Mỗi tháng, chị Huệ được PuLuong Retreat trả lương 6 triệu đồng cho những hoạt động của mình.
“Lớp tôi phụ trách hiện có 23 học viên. Tôi thấy, với chỉ tiêu học 2 - 3 câu tiếng Anh/ngày thì đồng bào ở đây rất hào hứng nhưng để giao tiếp với khách thì phải một quá trình dài chứ không thể ngày một ngày hai được. Dân bản rất ham học hỏi, kiên trì, chịu khó nên công việc của tôi rất hào hứng và thú vị”, chị Huệ chia sẻ về công việc của mình.
Chị Cao Thị Lý, người làm du lịch cộng đồng sớm nhất ở bản Đôn cho biết, năm 2017, ngôi nhà sàn của chị được PuLuong Retreat lựa chọn đầu tư làm điểm lưu trú khách du lịch cộng đồng. Khác với công việc trước đây là chăn nuôi trâu bò, trồng ngô, trồng sắn… nay chị Lý bắt tay vào một công việc hoàn toàn khác.
“Ta không biết máy tính, điện thoại, tiếng Anh là gì nên rất bỡ ngỡ. Được công ty dạy cho cách làm du lịch, nay ta biết cách hướng dẫn họ đến những địa điểm đẹp, làm những công việc của gia đình ta và dân bản như gặt lúa, làm ruộng…
Khách du lịch họ thích lắm! Nhưng ta cũng nói trước với công ty, làm du lịch cộng đồng có nghĩa là phải giúp dân bản đủ sống, phải giúp dân bản giữ gìn bản sắc dân tộc mình, giữ được cảnh sắc tự nhiên hoang sơ vốn có nơi này”, chị Lý tâm sự.
Theo chị Lý, với những ngôi nhà sàn sẵn có PuLuong Retreat đầu tư nội thất tiếp đón khách, đào tạo chủ nhà cách làm du lịch cộng đồng. Với những công trình mới, PuLuong Retreat đầu tư 80% vốn để xây dựng trên phần đất của chủ nhà. Lợi nhuận được hai bên thống nhất để bình quân, trừ các chi phí gia đình chị Lý có thể thu về trên dưới 100 triệu đồng/năm. Đó là món tiền không hề nhỏ của một gia đình ở bản Đôn.
“Năm nay, gia đình ta được PuLuong Retreat đầu tư thêm hai băng-ga-lâu để đón khách lưu trú. Mỗi băng-ga-lâu tựa một ngôi nhà sàn, có điều hòa, toa-lét, giường ngủ... Gần như tất cả các vật dụng trong băng-ga-lâu, kể cả tường đều được ốp gỗ, loại gỗ tận dụng từ các loại gỗ rừng trồng, thân thiện với thiên nhiên”, chị Lý cho biết thêm.
Chị Lý cho biết, để sở hữu một băng-ga-lâu, ngủ được cả gia đình, du khách phải trả cho chủ nhà giá dao động từ 1,5 - 2,4 triệu đồng/ngày đêm, tùy vào vị trí. Tuy nhiên, những người làm du lịch cộng đồng ở đây đều khéo léo thiết kế và đặt băng-ga-lâu của mình nằm ngay giữa những cánh đồng ở lưng chừng núi, bên cạnh những dòng suối, 2 - 3 mặt hướng ra cánh đồng hoặc những cánh rừng xa xa.
Giữ vẻ hoang sơ của núi rừng
Du lịch cộng đồng tại bản Đôn đang phát triển, một phần vì vẫn còn giữ được vẻ hoang sơ của núi rừng một phần do dân bản đã bắt nhịp nhanh với hoạt động du lịch. Nhận thấy đây là nơi có thể phát triển du lịch lâu dài, đem về nguồn thu lớn, thời gian qua có nhiều doanh nghiệp đã đến đầu tư. Mới đây, bản Đôn đã được quy hoạch tỷ lệ 1/500 với tổng diện tích gần 60 ha để phát triển du lịch cộng đồng.
Ông Deelee Pchann, một du khách người Pháp chia sẻ, điều khiến ông và gia đình thích thú khi đến với Pù Luông là cảm nhận được sự gần gũi giữa con người với con người, cảnh sắc hoang sơ của núi rừng khiến ông mê mẩn: “Chúng tôi không cần những con đường hiện đại mà cần những cung đường đẹp, cảnh sắc hoang sơ. Thú vị nhất khi đến đây là được chống gậy vượt suối, băng rừng và đi xe đạp xuyên những cung đường với nhiều chướng ngại vật”.
Công ty CP Làng du lịch PuLuong đã vào đây đầu tư làm du lịch từ 6 - 7 năm nay. Mục tiêu của công ty, ngoài lợi nhuận như bao đơn vị kinh doanh du lịch khác còn hướng tới việc đào tạo con người ở đây làm du lịch. Mỗi nhân viên làm việc ở PuLuong Retreat khi “ra lò” đều có thể mở những homestay để tự làm du lịch.
Ông Hà Văn Thuân, Chủ tịch UBND xã Thành Lâm chia sẻ về lợi ích của du lịch cộng đồng tại bản Đôn: “Hai, ba năm nay, người dân bản Đôn đã có thu nhập ổn định từ du lịch cộng đồng. Việc có nhiều hộ dân làm du lịch cộng đồng ở đây đã kích cầu sản xuất phát triển. Các mặt hàng nông sản như vịt Cổ Lũng, các sản phẩm trồng trọt... thuận lợi về đầu ra. Hàng tuần, các công ty du lịch, các hộ làm du lịch cộng đồng đều mời khách đến nhà văn hóa bản để được xem các chương trình văn nghệ, các màn múa, hát, điệu khắp mang đậm đà bản sắc dân tộc. Thông qua các chương trình này, hoạt động văn hóa văn nghệ giữ gìn bản sắc dân tộc được người dân chú trọng”.
Ông Hà Nam Trung, Giám đốc điều hành của PuLuong Retreat cho hay, mục tiêu mà công ty hướng tới là phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái.
Chính vì thế, không có gì lạ khi PuLuong retreat sử dụng trên 50 nhân lực là đồng bào địa phương. Có những người, từ vị trí nhân viên của công ty nay đã có thể tự mở, kinh doanh du lịch.
“Tôi cũng là một người con đồng bào dân tộc Thái được tuyển vào đây để làm du lịch cộng đồng. Điều mà khách du lịch thích khám phá Pù Luông đó chính là cảnh hoang sơ, con người thân thiện, hiếu khách và hồn hậu.
Chúng tôi được cấp đất làm du lịch, về lý có thể mở rộng được cơ sở lưu trú nhưng vẫn chỉ dừng lại ở việc ổn định lưu trú 55 khách/ngày đêm. Chúng tôi cố gắng sắp xếp các băng-ga-lâu có khoảng cách xa nhau, cách nhau những bãi cỏ, những thửa ruộng bậc thang, những tấm đá nhảy để du khách cảm nhận được vẻ hoang sơ của vùng đất này.
Tất cả các băng-ga-lâu đều được thiết kế, xây dựng bằng vật liệu thân thiện từ gỗ rừng trồng....”, ông Trung cho hay.
Năm trước, Ngân Văn Tiền còn là nhân viên ở PuLuong Retreat nhưng đầu năm nay, chàng trai 9x này đã tách ra mở homestay kinh doanh du lịch. Mặc dù lợi nhuận chưa nhiều nhưng theo Tiền, đó là đam mê của anh. Anh cảm thấy thú vị vì làm du lịch cộng đồng có nghĩa là đồng hành với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình.
“Tôi được PuLuong Retreat đào tạo thành một người làm du lịch, được đầu tư một số cơ sở, băng-ga-lâu và hoạt động theo quy cách, quy chuẩn đã được công ty vạch ra. Chúng tôi phân chia lợi ích hài hòa.
Điều quan trọng, như anh thấy, đến các ngôi nhà sàn bây giờ không còn thấy cảnh nhếch nhác, không còn thấy việc người dân nuôi gia súc dưới nhà sàn. Nếu không có dịch Covid-19, tôi vẫn thu về đều đều mỗi tháng trên dưới 20 triệu đồng”, Tiền chia sẻ.
Theo ông Trung, thông thường, các hộ gia đình hợp tác với PuLuong Retreat, nếu chưa có kỹ năng làm du lịch cộng đồng sẽ được đào tạo thông qua việc trở thành nhân viên của công ty. Cũng có trường hợp công ty gửi nhân viên quản lý đến hộ gia đình để tư vấn, đào tạo.
Hiện nay, có khá nhiều hộ kinh doanh cá thể vào bản Đôn làm du lịch cộng đồng. Điều này đã giúp địa phương này giải quyết công ăn việc làm cho trên 100 lao động, đa phần là những thanh niên thế hệ 8x, 9x.
Du lịch đang đem lại nhiều lợi ích cho dân bản nhưng UBND huyện Bá Thước hi vọng phát triển du lịch ở đây sẽ bền vững, thu hút được du khách thập phương không phải sự hiện đại mà là gần gũi với thiên nhiên.
Sau khi được quy hoạch phát triển du lịch, tất cả các công trình xây dựng ở đây đều phải được UBND huyện cấp phép. Chúng tôi ưu tiên phát triển các công trình du lịch thân thiện với môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân bản địa. Làm du lịch cộng đồng mà không giữ gìn được bản sắc truyền thống, không giữ được vẻ hoang sơ của núi rừng, tác động xấu đến môi trường thì sớm muộn cũng thất bại.
(Ông Võ Minh Khoa, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước)