| Hotline: 0983.970.780

Chiến thuật 'đánh chặn' để cứu bệnh nhân nặng, nguy kịch vì SARS-CoV-2

Thứ Tư 21/07/2021 , 11:31 (GMT+7)

Hội chẩn online, lập đường dây nóng, cử bác sĩ hồi sức cắm chốt tại bệnh viện cấp 2… phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu trở nặng chuyển về Bệnh viện Hồi sức Covid-19.

Bệnh nhân Covid-19 nặng được các bệnh viện chuyển tới điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Ảnh: An Mỹ.

Bệnh nhân Covid-19 nặng được các bệnh viện chuyển tới điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Ảnh: An Mỹ.

Đó là chiến thuật được các bác sĩ Bệnh viện Hồi sức Covid-19 áp dụng khi được Bộ Y tế giao trọng trách phụ trách điều trị các bệnh nhân Covid-19.

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức vừa được Bộ Y tế điều động làm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, ngay sau khi bệnh viện được thiết lập để tiếp nhận các bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch.

TS.BS Nguyễn Tri Thức cho biết, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 được thành lập để tiếp nhận các bệnh nhân phải thở máy và chạy ECMO. Tuy nhiên, ông cho rằng, nếu cứ ngồi đây, trông chờ bệnh nhân thở máy, chạy ECMO chuyển đến là “mình thất bại”.

“Do đó, chúng tôi phải thay đổi chiến thuật, triển khai ngay các biện pháp từ các bệnh viện cơ sở, đánh chặn Covid-19 trước, đánh chặn tầng tầng lớp lớp trước”, bác sĩ Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh.

Chiến thuật được áp dụng ở đây là thiết lập một đường dây nóng để điều phối bệnh, hội chẩn bệnh. Cử bốn bác sĩ hồi sức của Bệnh viện Chợ Rẫy cắm chốt tại bốn bệnh viện cấp 2 của TP.HCM để kịp thời phát hiện bệnh nhân nào có dấu hiệu trở nặng, trực tiếp hội chẩn online, cần thiết sẽ được chuyển sớm về ngay Bệnh viện Hồi sức Covid-19, không đợi bệnh nhân phải thở máy.

“Với sự phối hợp của các nhân sự tại các bệnh viện cấp độ 2, hệ thống hội chẩn trực tuyến cùng hệ thống đường dây nóng được thiết lập tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 được phụ trách bởi các bác sĩ giàu kinh nghiệm về hồi sức như BSCKII Trần Thanh Linh (BV Chợ Rẫy), TS.BS Nguyễn Hoàng Hải (BV Nhân dân Gia Định), TS.BS Đỗ Quốc Huy (BV Nhân dân 115). Bất cứ khi nào bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng, các chuyên gia sẽ tiến hành hội chẩn trực tuyến.

TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chủ trì cuộc họp giữa các bác sĩ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Ảnh: An Mỹ.

TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chủ trì cuộc họp giữa các bác sĩ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Ảnh: An Mỹ.

Các trường hợp bệnh nhân Covid-19 có dấu hiệu chuyển nặng, nếu được chuyển viện sớm, kịp thời thở oxy dòng cao chủ động thì sẽ có khoảng 70% bệnh nhân chuyển độ về nhẹ (chặn từ độ 3 không chuyển sang độ 4 mà có thể trở về độ 2, hay độ 1). Do đó, việc phát hiện sớm đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh nhân chuyển nặng.

Ngoài ra, đối với bệnh viện tiếp nhận cũng sẽ có sự chủ động trong việc chuẩn bị nơi tiếp nhận, trang thiết bị, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm từ bệnh nhân cho nhân viên y tế.

Theo bác sĩ Thức, mấu chốt quan trọng nhất là phải đánh chặn, đây là một chiến lược chủ động, giúp ngăn chặn, hạn chế tình trạng bệnh nhân chuyển nặng, để từ đó chăm sóc, bảo vệ tốt hơn cho sức khỏe và sự an toàn của người bệnh. Do đó đòi hỏi các y bác sĩ phải thực sự nỗ lực. “Muốn bệnh nhân sướng thì bác sĩ phải khổ, không có cách nào khác. Do đó, bác sĩ ở đây luôn tâm niệm, bác sĩ khổ cỡ nào cũng được, miễn bệnh nhân khỏe là được”, bác sĩ Nguyễn Tri Thức chia sẻ.

Ngoài ra, chiến thuật này cũng giúp giảm tải áp lực điều trị, tối ưu hóa nguồn nhân lực, vật lực, trang thiết bị để tập trung cho các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch giúp làm tăng thêm khả năng cứu sống bệnh nhân.

Theo các chuyên gia, trong thời gian qua, đã ghi nhận một số trường hợp bệnh nhân Covid-19 được chuyển đến các tầng điều trị chưa phù hợp với mức độ bệnh, điều này dẫn đến những hệ quả ảnh hưởng đến công tác điều trị.

Trong mô hình “tháp 4 tầng” điều trị cho bệnh nhân Covid-19 đang được áp dụng tại TP.HCM, nếu bệnh nhân nặng, nguy kịch cần được điều trị ở các bệnh viện thuộc tầng 3, 4 của mô hình mà được chuyển đến bệnh viện thuộc tầng 2 có thể ảnh hưởng đến công tác điều trị cho bệnh nhân.

Ngược lại nếu một bệnh nhân được chỉ định điều trị tại tầng 2 nhưng được điều chuyển đến tầng 3, tầng 4 sẽ gây nên tình trạng quá tải ảo tại các bệnh viện chuyên điều trị cho bệnh nhân nặng, nguy kịch, ảnh hưởng nguồn nhân lực, vật lực để tập trung điều trị cho các trường hợp bệnh nhân nặng và nguy kịch. Sự quá tải ảo này không chỉ gây nên ảnh hưởng đến bệnh nhân mà còn ảnh hưởng đến nhân lực điều trị.

Bệnh viện Hồi sức Covid-19 được thiết lập hôm 13/7, từ việc chuyển đổi công năng thần tốc khu khám bệnh của Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2. Theo kế hoạch, nơi đây thiết lập 1.000 giường hồi sức tích cực (ICU) điều trị những bệnh nhân nặng, nguy kịch, góp phần lớn trong việc hạn chế bệnh nhân Covid-19 tử vong.

Để Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đi vào hoạt động, đáp ứng được yêu cầu cơ sở vật chất trang thiết bị, phục vụ bệnh nhân, Bộ Y tế và UBND TP.HCM đã huy động các bệnh viện Trung ương và địa phương cùng tham gia. Trong đó, bác sĩ Nguyễn Trí Thức được giao toàn quyền xuất cấp kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao của Bệnh viện Hồi sức Covid-19, cũng như trang thiết bị vật tư tại “Kho dã chiến của Bộ Y tế đặt tại miền Nam” để cung ứng cho TP.HCM cũng như các tỉnh phía Nam.

Bệnh viện Hồi sức Covid-19 sẽ là Trung tâm hồi sức của Vùng, không chỉ thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch của TP.HCM mà theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế và sự chấp thuận của lãnh đạo TP.HCM, sẽ tiếp nhận cả những bệnh nhân nặng từ các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.