Bé trai 12 tuổi ngụ Bình Phước lấy bột hộp quẹt diêm cho vào vòi của ruột xe để đập, gây nổ. Vụ nổ khiến bàn tay trái của em bị vết thương chảy máu nhiều, bỏng toàn thân, nhiều nhất là vùng mặt và được chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM).
Tại bệnh viện Nhi đồng 2, các bác sĩ khẩn trương phẫu thuật, ghi nhận vết thương dập nát mô cái, nhiều vết thương nham nhở ngón 1,2,3 và gãy hở xương bàn ngón 2 tay trái.
BS.CK1 Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Phó Khoa Bỏng - Chỉnh trực, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, trước đây các tai nạn do pháo nổ tập trung chủ yếu dịp lễ Tết, còn hiện nay rải rác quanh năm.
Bệnh viện cũng đang điều trị hai bé trai học cùng lớp, ngụ Gia Lai, đặt mua thuốc nổ trên mạng, khi cầm về nhà thì thuốc tự phát nổ trên tay. Cả hai bị bỏng rất nặng, trong đó một bé bỏng 40%, một bé 50%, bỏng khá sâu, tập trung nhiều vùng mặt, hai tay và hai chân.
Theo bác sĩ Ngà, tổn thương do pháo nổ thường rất nặng nề, nhất là vùng tiếp xúc trực tiếp với pháo. Nhiều trường hợp chịu nhiều di chứng, mất nhiều chức năng cơ thể như mất hoàn toàn chức năng bàn tay, phải cắt cụt chi, mù mắt.
"Hầu hết nạn nhân ở độ tuổi khám phá, ngày càng dễ dàng truy cập các thông tin hướng dẫn và đặt mua hóa chất trên mạng xã hội để thực hành theo", bác sĩ Ngà cho hay.
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh và nhà trường cần thường xuyên nhắc nhở trẻ tuyệt đối không được sử dụng các vật gây nổ, trộn các hóa chất để chế tạo pháo, nhất là các bé trong độ tuổi thích tìm tòi, khám phá. Đồng thời, giáo dục trẻ hiểu các mức độ nguy hiểm do pháo gây ra như gây cháy nổ, thương tích, tàn tật, thậm chí tử vong. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần kiểm soát việc buôn bán chế tạo thuốc nổ trên thị trường.
"Chúng ta hãy cùng nhau nâng cao ý thức về hiểm họa của pháo nổ, nhất là trong thời gian gần Tết xuất hiện những video hướng dẫn làm pháo tự chế trên mạng", bác sĩ Ngà nói.