| Hotline: 0983.970.780

Bệnh nhân ung thư vú có thể thoát nỗi lo phẫu thuật

Thứ Tư 18/12/2024 , 15:26 (GMT+7)

Bệnh nhân mắc ung thư biểu mô ống dẫn sữa tại chỗ (DCIS) có thể lựa chọn theo dõi tích cực, thay vì phẫu thuật lập tức để ngăn ngừa ung thư sớm.

Một bác sĩ chuyên khoa X-quang kiểm tra hình ảnh chụp tuyến vú để phát hiện ung thư. Ảnh: Shutterstock.

Một bác sĩ chuyên khoa X-quang kiểm tra hình ảnh chụp tuyến vú để phát hiện ung thư. Ảnh: Shutterstock.

Tạp chí y khoa lớn nhất thế giới The New England Journal of Medicine vừa công bố một nghiên cứu cho thấy, việc cắt bỏ hạch bạch huyết không thật sự cần thiết trong giai đoạn đầu điều trị ung thư vú. Công trình này cũng được trình bày tại Hội nghị chuyên đề về ung thư vú tại San Antonio, bang Texas hồi tuần trước.

Hằng năm, khoảng 50.000 phụ nữ ở Hoa Kỳ được chẩn đoán mắc ung thư biểu mô ống dẫn sữa tại chỗ (DCIS). Nguyên nhân bởi sự tăng sinh của các tế bào biểu mô bất thường, với phạm vi giới hạn trong lòng ống dẫn sữa. Dù không xâm lấn hoặc tiền xâm lấn, DCIS thường được xem là ung thư vú giai đoạn sớm.

Nhiều bệnh nhân chọn phẫu thuật khi các tế bào lót ống dẫn sữa trở thành ung thư, bất chấp thực tế rằng mô vú gần đó vẫn khỏe mạnh. Phương pháp "chờ đợi và theo dõi tích cực" thường bị bỏ qua ở giai đoạn này.

Tuy nhiên, TS Virginia Kaklamani, Trung tâm Khoa học Sức khỏe Đại học Texas San Antonio, trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng, các bệnh nhân hoàn toàn có thể cân nhắc liệu pháp điều trị DCIS.

Dựa trên dữ liệu trong vòng 2 năm, nhóm của Kaklamani nhận thấy, việc theo dõi tích cực với các bệnh nhân mắc DCIS là giải pháp thay thế an toàn cho phẫu thuật đối với nhiều phụ nữ, thay vì can thiệp và điều trị quá mức.

Khoảng 950 bệnh nhân trên khắp Hoa Kỳ đã tham gia vào nghiên cứu. Họ được chỉ định phẫu thuật hoặc theo dõi tích cực một cách ngẫu nhiên. Tất cả đều có DCIS nguy cơ thấp, không có dấu hiệu ung thư xâm lấn, và nhiều người trong số này đã sử dụng thuốc hormone như một phần của quá trình điều trị.

Kết quả, không có khác biệt đáng kể giữa các nhóm lựa chọn phác đồ điều trị khác nhau, với khoảng 6% ở nhóm phẫu thuật và khoảng 4% ở nhóm theo dõi được chẩn đoán mắc ung thư xâm lấn. Trong số bệnh nhân trong nhóm theo dõi, nếu phát hiện thay đổi qua sàng lọc nhũ ảnh, họ có thể sinh thiết và chuyển sang lựa chọn phẫu thuật bất cứ lúc nào.

Nếu không phẫu thuật, bệnh nhân được khuyến cáo kiểm tra thường xuyên hơn. Ảnh: Getty.

Nếu không phẫu thuật, bệnh nhân được khuyến cáo kiểm tra thường xuyên hơn. Ảnh: Getty.

Tina Clark, 63 tuổi, ở Buxton, Maine, bang cực bắc của vùng New England, đã tham gia nghiên cứu sau khi được chẩn đoán mắc DCIS vào năm 2019. Được phân ngẫu nhiên vào nhóm theo dõi, bà đã tránh được phẫu thuật và xạ trị trong suốt thời gian qua.

“Tôi cảm thấy rất biết ơn và may mắn khi tìm thấy nghiên cứu này vào thời điểm đó”, bà thổ lộ và cho biết thêm, rằng định kỳ 6 tháng một lần sẽ chụp X-quang để theo dõi DCIS ở vú phải, nơi các tế bào ung thư có dấu hiệu không tiến triển.

Vào năm 2023, khi phát hiện 1 khối u nhỏ ở vú còn lại, bà đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ. Dù vậy, quá trình này không liên quan đến DCIS. 

TS Shelley Hwang, Trường Y khoa Đại học Duke, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ: "Nếu được chẩn đoán mắc DCIS nguy cơ thấp, bạn cần thời gian để hiểu rõ hơn về căn bệnh của mình cũng như các lựa chọn".

Khi phẫu thuật ung thư vú, phụ nữ thường phải sinh thiết hạch bạch huyết, trong đó một số hạch ở nách sẽ bị cắt bỏ để kiểm tra tình trạng ung thư di căn. Việc cắt bỏ này có thể gây đau kéo dài và sưng cánh tay, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bệnh nhân.

Nghiên cứu, vì thế, mang lại thêm hy vọng cho nhóm đối tượng này, giúp họ xác định chính xác thời điểm phẫu thuật và thời gian có thể phòng, tránh, thay vì coi đó là một phần bắt buộc của việc điều trị.

Một nghiên cứu tại châu Âu hồi năm 2023 xác nhận vấn đề này, và dự đoán rằng, với nhóm phụ nữ lớn tuổi, họ có thể tránh được phẫu thuật một cách an toàn nếu chỉ có khối u nhỏ.

Gần đây, các nhà nghiên cứu ở Đức đã xem xét liệu những phụ nữ bị ung thư vú giai đoạn đầu có thể bỏ qua việc cắt bỏ hạch bạch huyết không. Gần 5.000 người tham gia chỉ định ngẫu nhiên để cắt bỏ hạch bạch huyết đã tham gia. Họ đều trong kế hoạch phẫu thuật bảo tồn vú. Kết quả, khoảng 92% phụ nữ còn sống và không bị tiến triểm thêm về ung thư.

Tại Hoa Kỳ, tạp chí JAMA (Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ) cũng đang đề xuất những hướng tiếp cận mới với DCIS. Trên quan điểm, DCIS không là bệnh hiểm nghèo, các bác sĩ cho rằng, cần tăng cường giám sát nếu DCIS có thể trở thành ung thư vú xâm lấn nguy hiểm.

Vẫn có những quan điểm thận trọng liên quan tới việc lựa chọn phẫu thuật hay không của nhóm bệnh nhân DCIS. TS Monica Morrow, Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, New York nhấn mạnh, rằng quãng thời gian 2 năm là chưa đủ dài để đưa ra kết luận cuối cùng.

Bà cũng lưu ý thêm, rằng một số phụ nữ vẫn cần thực hiện thủ thuật cắt bỏ hạch bạch huyết để xác định loại thuốc điều trị nào nên dùng sau phẫu thuật.

Xem thêm
8 dấu hiệu nhận biết sớm ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến, đặc biệt ở nữ giới. Dưới đây là 8 dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến giáp bạn nên lưu ý.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Lợi ích của việc bổ sung cà rốt trong mùa đông

Cà rốt là loại rau củ quen thuộc trong bữa ăn gia đình, giàu dưỡng chất, tốt cho mắt, da, hệ tiêu hóa, đặc biệt hữu ích vào mùa đông.