Trước nạn cát tặc lộng hành tại bãi bồi sát bên tả sông Thái Bình suốt 10 năm nay, khiến hàng chục ha đất bãi bị lở ụp xuống sông, bà con ở thôn Tân Thắng, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, (tỉnh Hải Dương) đã phải bảo nhau lập chốt, góp tiền mua thuyền để ngăn chặn. Hàng ngày, dân làng đều cử người thay phiên nhau ăn ngủ tại chốt để canh. Mỗi khi phát hiện cát tặc thì báo động. Nhận được tín hiệu báo động, lập tức cả làng kéo ra xua đuổi.
Việc này đặt ra rất nhiều suy nghĩ.
Chống cát tặc một công việc cực kỳ nguy hiểm. Đó là nhiệm vụ của cơ quan chức năng. Cụ thể là của lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy thuộc Công an tỉnh Hải Dương. Cơ quan này được trang bị đủ thứ, từ nghiệp vụ, quyền hạn (từ xử phạt hành chính đến truy cứu Trách nhiệm Hình sự) đến phương tiện.
Trong khi người dân không được giao nhiệm vụ đó. Họ cũng không có bất cứ một thứ gì. Nghiệp vụ không, quyền hạn không, phương tiện không. Trong khi bọn cát tặc rất hung hãn và manh động. Chúng sẵn sàng sử dụng bọn côn đồ để dùng dao kiếm, thậm chí dùng cả “hàng nóng” để chống lại bất cứ một lực lượng nào, mỗi khi bị xua đuổi. Thử nhìn lại mấy năm qua, đã có rất nhiều vụ cát tặc hành hung những người ngăn cản chúng, khiến người chết, người bị thương.
Như ngày 30/4/2009, thượng sỹ Nguyễn Văn Hoan, phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang, đã bị Nguyễn Văn Đoài (chủ tàu hút cát tặc trên sông thuộc địa bàn xã Dương Đức, huyện Lạng Giang) và Nguyễn Văn Thắng, Thân Văn Tín hành hung đến chết. Hay rạng sáng ngày 18/5/2012, hai đội viên an ninh thôn Mai Thượng, xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) là các anh Dương Minh Thược, Lê Văn Bình đã bị Nguyễn Văn Ninh (chủ tàu cát tặc trên sông Kiến Giang) và đồng bọn hành hung, tước đi mạng sống. Một thành viên khác của đội an ninh thôn là anh Mai Văn Lợi cũng bị chúng chém trọng thương, phải chuyển vào bệnh viện Trung ương Huế điều trị, hàng tháng trời mới bình phục.
Những nạn nhân của cát tặc trên, phần lớn đều là những người thuộc lực lượng chức năng. Đối với lực lượng chức năng, mà cát tặc còn không ngán, sẵn sàng “ăn thua”, thì đối với những người dân tay không kia, với chúng, có mùi mẽ gì? Cái chết và thương tật có thể đổ xuống đầu họ bất cứ lúc nào, nếu đối đầu với cát tặc. Mà những người dân đó, một khi bị mất mạng hay bị thương tật, sẽ chẳng được hưởng bất cứ chế độ đãi ngộ nào.
Chính vì thế mà trong buổi kiểm tra, giám sát công tác quản lý khai thác cát, sỏi trên địa bàn TP Hà Nội ngày 5/4/2017, Ủy viên BCT, Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có lời phát biểu rằng để cho người dân tự tổ chức đội tự quản chống cát tặc là một thiếu sót.
Trước việc những người dân thôn Tân Thắng, xã Thái Tân, huyện Nam Sách phải tự lập chốt, sắm thuyền, bất chấp nguy hiểm để chống cát tặc. Dư luận đã đặt câu hỏi: Vậy thì chính quyền ở đâu trong suốt 10 năm qua, mà để cho cát tặc lộng hành? Dù chính quyền đã có đủ lực lượng và những quy định chế tài đối với cát tặc? Phải chăng là chính quyền đã hoàn toàn bất lực?