| Hotline: 0983.970.780

Chính sách nào hỗ trợ kinh tế trang trại?

Thứ Năm 07/11/2013 , 10:01 (GMT+7)

Bắt đúng bệnh nhưng không chữa được bệnh. Đó là vấn đề của Chính phủ trong phát triển kinh tế trang trại.

Bắt đúng bệnh nhưng không chữa được bệnh. Đó là vấn đề của Chính phủ trong phát triển kinh tế trang trại. Chính phủ biết rõ nông dân thiếu gì nhưng chính sách đưa ra lại không thể đem lại cho người dân cái họ đang cần.

>> Bạc bẽo đất rừng
>> Kinh tế trang trại, tắc từ đồng vốn

Tín dụng đòi sổ đỏ, thầu đất cũng đòi sổ đỏ

Từ những năm 2000, Nghị quyết 03 của Chính phủ đã xác định hai điểm hạn chế đang kìm hãm sự phát triển kinh tế trang trại đó là vốn và đất sản xuất. Thời đó, hầu hết các trang trại đều sản xuất bằng vốn tự có, quy mô nhỏ dưới mức hạn điền.

Nhằm giúp nông dân tháo gỡ khó khăn, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, quan điểm Nghị quyết Chính phủ là phải giao đất lâu dài cho chủ trang trại, cho thuê đất ngoài hạn điền và được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển của Nhà nước hoặc được vay vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại theo phương pháp sử dụng tài sản hình thành từ tiền vay để đảm bảo nguồn vốn vay.

Mặc dù nội dung giao đất lâu dài cho chủ trang trại trong Nghị quyết Chính phủ đã được đưa vào Luật Đất đai 2003 và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng có văn bản gửi đến các ngân hàng thương mại yêu cầu hỗ trợ tín dụng cho các chủ trang trại nhưng cho đến nay, trải qua 13 năm, cả hai “nút thắt” về đất sản xuất và tín dụng đều chưa thể tháo gỡ.

Huyện Yên Lạc là địa phương có số lượng trang trại tăng nhanh nhất tỉnh Vĩnh Phúc, hiện có khoảng trên 800 trang trại. Để tìm hiểu, trong những năm qua nông dân ở đây nhận được hỗ trợ chính sách như thế nào của tỉnh, huyện, chúng tôi về thị trấn Yên Lạc nơi được đánh giá phát triển kinh tế trang trại khá mạnh.

Tuy nhiên kết quả không được như mong đợi, ngay cả những nơi trang trại phát triển, phần lớn là nhờ điều kiện khách quan đem lại, về chủ quan nông dân vẫn phải tự tìm tòi giải pháp cho riêng mình.


Chủ trang trại Dương Văn Tiến

Trang trại gia đình ông Dương Văn Tiến tại xóm Chợ, thị trấn Yên Lạc đang đấu thầu sử dụng gần 3 ha mặt ruộng và ao tại xứ đồng khu 1. Đầu tư chăn nuôi trang trại theo mô hình tổng hợp vừa trồng trọt, vừa chăn lợn, nuôi vịt, thả cá…, ông Tiến cho biết làm nghề chăn nuôi luôn cần vốn để đảm bảo nguồn thức ăn cho cả chu kì.

Chăn nuôi càng lớn vốn thức ăn càng nhiều. Cứ 1 đầu lợn tới khi xuất chuồng phải chi khoảng 3 triệu tiền cám, 100 con tổng chi phải 300 triệu. Đó là chưa kể tiền vốn để gây đàn lợn nái, thức ăn nuôi nái. Việc tiếp cận nguồn vốn vay đối với hầu hết các chủ trang trại nơi đây cũng rất khó khăn bởi mỗi gia đình chỉ có 1 quyển sổ đỏ đất ở nhưng đấu thầu đất sản xuất của HTX là phải “cắm” sổ đỏ, ngân hàng cũng chỉ cho vay khi nắm sổ đỏ.

Vậy nên, chủ trang trại phải ưu tiên sổ đỏ của gia đình để đấu thầu đất sản xuất trước rồi mới tính đến việc xoay xở nguồn vốn đầu tư. Không chủ động được nguồn vốn, ở đây đã xảy ra nhiều trường hợp “đứt vốn” giữa chừng phải vay nóng, phải nợ cám…

Nhắc đến lãi suất của việc vay nóng, nợ cám thì ông Tiến lắc đầu chán nản: “Ít nhất phải mất 7% giá trị bao cám. Mỗi con lợn sẽ mất thêm 200 ngàn, 100 con mất thêm 20 triệu. Lứa lợn mất đi ngần ấy thì còn lãi lời gì?”.

Chăn nuôi suốt 10 năm qua ông Tiến chưa từng vay được một nguồn vốn tín dụng ưu đãi nào. Để có tiền đầu tư ông buộc phải mượn sổ đỏ của họ hàng, người thân trong gia đình đem thế chấp. Không hề có chuyện chủ trang trại được sử dụng tài sản hình thành từ tiền vay để đảm bảo nguồn vốn vay.

Thầu đất có thời hạn, đầu tư thế nào?

Cuối năm 2013 này, HTX nông nghiệp TT Yên Lạc sẽ tổ chức đấu thầu lại đất sản xuất đã giao. Ông Tiến đã tát ao thu cá, bán hết lứa lợn với giá 48.000 đồng/kg, chỉ còn đàn vịt vẫn có thể lớn nên ông nấn ná còn chưa xuất. Nhìn chung, vụ thu hoạch này gia đình thắng lợi nhưng ông Tiến vẫn tỏ ra lo lắng trước phiên đấu thầu đang cận kề.

Theo quy định quản lý đất công ích của Chính phủ thì thời hạn đấu thầu đất là 5 năm. Thời gian qua, ông Tiến đã đầu tư xây chuồng trại, lều canh trang trại, tôn tạo bờ ao tốn khá nhiều tiền của giờ tổ chức đấu thầu lại ông phải tìm mọi cách để “thắng” thầu. Tất nhiên, khi đầu tư xây dựng chuồng trại, ông đã lường trước đến ngày này nên đã hạn chế tối đa các khoản đầu tư chưa thực sự cần thiết đồng thời có phương án bảo vệ tài sản.

Phần chuồng trại được xây ngoài diện tích đất phải đấu thầu và đã làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng với chủ cũ. Trong trường hợp rủi ro nhất không trúng thầu thì ông Tiến vẫn có thể tiếp tục sử dụng hệ thống chuồng trại để chăn nuôi nhưng hiệu quả kinh tế sẽ kém hơn nhiều vì không thể tận dụng phân, cám bã, nông sản thừa làm thức ăn cho cá.

Ngoài ra, mỗi lần tổ chức đấu thầu lại HTX đều thay đổi những quy định về tiền đấu thầu. Lần sau bao giờ cũng cao hơn lần trước, ông Tiến không khỏi băn khoăn hạn mức lần này là bao nhiêu?

Chứng nhận trang trại, nông dân được gì?

Trở lại chủ trương phát triển trang trại, Chính phủ đã có quy định cụ thể các tiêu chí cũng như quy trình để cấp Giấy chứng nhận trang trại. Người chăn nuôi sản xuất tập trung có thể đăng kí với cấp xã, cấp huyện xin chứng nhận trang trại.

Khi chính sách này mới đưa vào thực hiện, nhiều chủ trang trại hào hứng làm thủ tục xin chứng nhận với hy vọng được chính quyền địa phương ưu ái giao đất lâu dài hoặc có thể dùng trang trại để vay vốn. Nhưng sau khi cầm giấy Chứng nhận trang trại trong tay mà định kì 5 năm vẫn phải đấu thầu đất sản xuất, trang trại không thể thay sổ đỏ các chủ trang trại mới nhận ra mình bỏ công, bỏ việc đi làm giấy Chứng nhận trang trại là hành động hoàn toàn vô nghĩa.

Nói về tiêu chí để được cấp giấy Chứng nhận trang trại, thì ông Phạm Văn Thuận, bạn chăn nuôi cùng ông Tiến và hầu hết nông dân chăn nuôi ở khu 1, thị trấn Yên Lạc đều thuộc vanh vách. Bản thân ông Thuận cũng nhận thầu hẳn một dòng chảy qua xứ đồng, nuôi 20 lợn nái và 100 lợn bột.

Đạt tiêu chí để nhận giấy Chứng nhận trang trại nhưng cán bộ Phòng NN- PTNT huyện xuống tận nơi bảo đăng kí sau này tất có lợi, ông cũng không làm. “Chính sách ở tận đâu chứ đến với chúng tôi thì còn lâu lắm. Trang trại của tôi làm được 7 năm rồi mà cán bộ thú y mới xuống được một lần.

Vacxin phòng dịch được tiêu chuẩn tiêm miễn phí nhưng hôm rồi mà không có cán bộ trên tỉnh xuống kiểm tra thì chúng tôi vẫn phải tự tiêm dịch vụ. Chúng tôi chẳng dám trông đợi gì đâu chú ạ, mình tự làm, tự ăn thôi”. Ông Thuận chia sẻ.

Vĩnh Phúc là tỉnh luôn đi đầu trong lĩnh vực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong những năm qua, nhiều Nghị quyết HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã được hiện thực hóa thành chính sách đưa vào cuộc sống, làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Tháng 7/2013, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc lại ra Nghị quyết về phát triển chăn nuôi. Theo đó, từng loại đối tượng chăn nuôi sẽ được hỗ trợ ở các mức độ khác nhau: về lãi suất, đầu tư bể chất thải, máy trộn thức ăn… và tiền hỗ trợ sẽ được chi từ ngân sách của địa phương.

Cần khẳng định chủ trương trên của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc là rất tốt, chắc chắn trong thời gian tới, chính sách sẽ làm giảm bớt phần nào khó khăn cho các chủ trang trại. Tuy nhiên, Vĩnh Phúc vẫn chưa thể giải quyết tận gốc hai vấn đề vướng mắc đặt ra cho phát triển kinh tế trang trại đó là: tín dụng và giao đất lâu dài.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm