Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X được tổ chức tại Hà Nội vào sáng 10/12, với sự tham dự của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
"Chúng ta đã làm những việc khiến cả thế giới cảm động, khâm phục"
Phát biểu khai mạc Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương, chia sẻ: “Phong trào thi đua yêu nước ngày càng lan tỏa mạnh mẽ những điển hình tiên tiến”.
Trong phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ 9 năm 2015 đã đưa ra 5 chỉ đạo quan trọng. Trong đó quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chỉ thị số 34 của Bộ Chính trị năm 2014 về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.
Trong 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước phát triển ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng chưa từng thấy với nhiều nội dung phong phú, hình thức sinh động.
“Chúng ta thấy nhiều hình ảnh cảm động, nhân văn, những tấm gương đa dạng trên nhiều lĩnh vực, từ lực lượng vũ trang nhân dân đến người dân, người già, trẻ nhỏ đều có tấm lòng đối với đất nước trong lúc khó khăn, bệnh tật,... Chúng ta đã làm những việc khiến thế giới cảm động, khâm phục”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương cũng nhấn mạnh: “Thi đua giờ đây trở thành điều rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày. Tinh thần thi đua vượt lên chính mình chính là hội tụ sức mạnh của đất nước”.
Nhờ động lực thi đua, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, tô đậm thành tựu của 35 năm đổi mới với những bước tiến nổi bật. Việt Nam đứng trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới.
Lan tỏa nhiều mô hình sáng tạo, phong trào nhân văn
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết: Trong 5 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực tiếp tục phát triển sâu rộng, nhất là từ đầu năm 2020, thời điểm đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, các ngành, các cấp và nhân dân cả nước đã ra sức thi đua phấn đấu, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra, kiểm soát được đại dịch và phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động đã trở thành nòng cốt trong phong trào thi đua của cả nước, được các cấp, các ngành, các địa phương và đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng tham gia.
Trong đó, phong trào có hiệu quả thiết thực nhất và để lại dấu ấn, làm thay đổi bộ mặt, diện mạo của nông thôn Việt Nam trong thời gian qua là phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, với nhiều mô hình mới, sáng tạo được thực hiện hiệu quả từ một đến một vài địa phương đã lan tỏa ra cả nước.
Điển hình như mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) xuất phát từ tỉnh Quảng Ninh được nhân rộng thành chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2018 - 2020; mô hình “Xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”, “Vườn mẫu” tại tỉnh Hà Tĩnh,... phong trào “Sáng, xanh, sạch đẹp” của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng; phong trào “Cánh đồng mẫu lớn có sự liên kết 04 nhà” của các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam bộ; phong trào “Làng quê không rác thải”, “Đường hoa thay cỏ dại” ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên;...
Với sự quan tâm, tạo điều kiện của Nhà nước và toàn xã hội, người dân đã thực sự trở thành chủ thể của phong trào thi đua với những việc làm thiết thực, hiệu quả.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chia sẻ: “Trong 10 năm, đã có hàng vạn hộ gia đình tự nguyện hiến gần 45 triệu m2 đất, đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng và gần 60 triệu ngày công lao động để xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi ở địa phương, góp phần về đích sớm gần 02 năm các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2020”.
Đó là 61% xã, 26% đơn vị cấp huyện và 12 tỉnh, thành phố có 100% xã về đích nông thôn mới; một số nơi đã xây dựng được mô hình nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đang nhân rộng để phấn đấu đến 2025 đạt 10% số xã nông thôn mới kiểu mẫu như dự thảo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.