Nhận định Phạm Văn Hải đã vì nể nang Ngô Văn Hùng và Vũ Văn Phượng mà xác nhận khống vào các đơn đề nghị. Do đó, TAND tỉnh Quảng Ninh tuyên án Phạm Văn Hải 5 năm tù. Còn Ngô Văn Hùng, người trực tiếp viết giả mạo 20 đơn, đồng phạm với Vũ Văn Phượng, TAND tỉnh Quảng Ninh nhận định đó là “phạm tội do nể nang” và chỉ bị tuyên án 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Vậy là cùng “nể nang” nhưng người tù thật, người tù treo.
“Gộp án”?
Theo cáo trạng số 127/KSĐT-HS của Viện KSND tỉnh Quảng Ninh: “Nguyễn Văn Đề và Phạm Văn Hải đã lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao làm trái công vụ, xác nhận khống nơi cư trú của các chủ sổ BHXH”. Viện KSND tỉnh Quảng Ninh xác định hành động này là “Xuất phát từ động cơ vụ lợi, cá nhân (Đề được Dương chi bồi dưỡng khoảng 2 triệu đồng; Hải được Hùng, Phượng mời ăn uống), Đề và Hải đã xác nhận khống nơi cư trú trong đơn đề nghị hưởng trợ cấp BHXH một lần, tạo điều kiện cho các bị can lập khống hồ sơ chiếm đoạt tiền BHXH”.
Trụ sở Viện KSND tỉnh Quảng Ninh |
Nguyễn Văn Đề khai: “Tôi có quan hệ quen biết Khổng Đình Dương, nhân viên BHXH huyện Tiên Yên, khi Dương nhờ tôi xác nhận cư trú của chủ sổ BHXH không đăng ký hộ khẩu thường trú và tạm trú tại xã Hải Lạng. Mục đích Dương thanh toán trợ cấp BHXH một lần tại BHXH Tiên Yên, mặc dù biết trái quy định của pháp luật nhưng do nể nang và nhiều lần Dương cho tôi tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng nên tôi ký, đóng dấu họ có hộ khẩu tại Hải Lạng, mặc dù biết họ không có hộ khẩu và tạm trú tại xã Hải Lạng, tổng cộng 27 trường hợp” (bút lục 453-454, 447-452).
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Hải cho biết: “Theo bút lục của hồ sơ vụ án, ngày 24/11/2016, Vũ Văn Phượng khai với điều tra viên Công an tỉnh Quảng Ninh là “những lần anh Hải giúp tôi thì tôi không cho anh Hải tiền hay tài sản gì”. Một điều đáng chú ý khác, biên bản lời khai cho biết: “Trong khoảng thời gian năm 2013 tôi xin xác nhận của chính quyền UBND xã Đồng Rui vào đơn đề nghị thanh toán BHXH một lần (tổng số là 22 lần) thì anh Phạm Văn Hải – Chủ tịch UBND xã nói là không đồng ý ký xác nhận cho tôi nữa do các đơn đề nghị đó đều là ký xác nhận sai, không đúng”. Sang đến năm 2014 thì quy định mới của Chính phủ có hiệu lực, việc thanh toán tiền BHXH một lần không cần phải xin xác nhận của chính quyền địa phương.
Như vậy, việc này phải chăng là “gộp án” vào làm một? Luật sư Nguyễn Văn Bảo, người bào chữa cho bị cáo Phạm Văn Hải, coi đây là việc “đánh đồng” hành vi và “vơ đũa cả nắm”, thiếu công tâm, thiếu minh bạch của cơ quan tố tụng.
Nể nang - Bên trọng bên khinh
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Ngô Văn Hùng – Trưởng công an xã Đồng Rui giúp Vũ Văn Phượng giả mạo chữ viết chủ sổ BHXH trong 20 đơn đề nghị hưởng trợ cấp BHXH một lần, viết khống địa chỉ nơi cư trú của chủ sổ; giúp sức cho Khổng Đình Dương, Vũ Văn Phượng lừa đảo chiếm đoạt của BHXH Tiên Yên tổng số tiền 808.259.090 đồng. Bút lục 480, 481, Vũ Văn Phượng khai: “20 hồ sơ tôi nhờ anh Hùng – Trưởng công an xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên viết hộ phần họ tên, nơi cư trú…”.
Bản thân Ngô Văn Hùng cũng khai: “Vào năm 2013, nhiều lần Phượng là người trực tiếp mang các đơn đề nghị hưởng trợ cấp BHXH một lần nhờ tôi viết nơi cư trú của chủ sổ BHXH là cư trú tại xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên trong khi thực tế những người này không thường trú, tạm trú tại xã Đồng Rui. Tổng số tôi viết hộ Phượng là 20 trường hợp, tôi đưa cho Phượng” (bút lục 429a, 429b). Trong đó, Ngô Văn Hùng xác nhận: “Có 10 trường hợp tôi viết vào các mục họ tên, nơi cư trú, 10 trường hợp tôi viết vào mục hiện cư trú tại… đề nghị xem xét giải quyết chế độ trợ cấp BHXH một lần” (bút lục 434, 435, 436).
TAND tỉnh Quảng Ninh cũng xác nhận: “Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội của mình, lời khai của các bị cáo phù hợp với nhau và với các chứng cứ…”. Chỉ có Phạm Văn Hải, tại phiên tòa khai không phạm tội do không vụ lợi và luật sư bào chữa cho bị cáo có quan điểm bị cáo không phạm tội. Tuy nhiên, TAND tỉnh Quảng Ninh cho rằng điều luật quy định rõ người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác… “Động cơ cá nhân khác là lợi ích phi vật chất của mình, của người khác mà mình quan tâm như vì nể nang, vì tình cảm cá nhân, vì danh vọng, địa vị xã hội… Ở đây, Phạm Văn Hải đã vì nể nang Hùng, Phượng mà xác nhận khống vào các đơn đề nghị”. Do đó, tòa tuyên án Phạm Văn Hải 5 năm tù.
Cáo trạng bản án yêu cầu triệu tập bà Nhàn thì TAND tỉnh Quảng Ninh bác bỏ |
Điều mâu thuẫn là, đối với Ngô Văn Hùng, người trực tiếp viết giả mạo 20 đơn, đồng phạm với Vũ Văn Phượng, thì TAND tỉnh Quảng Ninh lại xét Ngô Văn Hùng “có vai trò thứ yếu, phạm tội do nể nang (chỉ viết đơn giả mạo hộ phượng)” chỉ bị tuyên án 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 tháng từ ngày tuyên án sơ thẩm. Như vậy, cán cân công lý hình như bên trọng bên khinh?
Căn cứ vào Điều 356 BLHS năm 2015 quy định về Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thạc sỹ, luật sư Nguyễn Văn Hải, Công ty luật TNHH Vilob Nam Long (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Để kết luận một người vi phạm Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ thì cần phải xem xét các hành vi vi phạm của người đó có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm này hay không.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hải, các yếu tố cấu thành Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ như sau:
“Mặt chủ thể: Chủ thể tội này là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, và có chức vụ, quyền hạn.
Mặt khách thể: Tội phạm xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức xã hội, đồng thời xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân”.
Mặt khách thể của Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ được thể hiện qua hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn và đã sử dụng chức vụ, quyền hạn đó một cách trái phép nhằm mục đích mà họ đặt ra, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện được hành vi gây thiệt hại; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện hành vi gây thiệt hại một cách dễ dàng.
Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Động cơ phạm tội là động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Động cơ vụ lợi là động cơ mưu cầu lợi ích vật chất cho mình hoặc cho người khác mà mình quan tâm.
“Động cơ phạm tội là dấu hiệu pháp lý bắt buộc của tội này. Do đó nếu như một người không có động cơ vụ lợi, vì lợi ích vật chất, đặc quyền, đặc lợi, hoặc không vì mục đích cá nhân gì khác thì sẽ không phạm vào Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ do chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm”, luật sư Nguyễn Văn Hải phân tích.