| Hotline: 0983.970.780

Chợ gia cầm Hà Vỹ: Rốt ráo phòng dịch

Thứ Tư 10/09/2014 , 13:15 (GMT+7)

Chúng tôi về thăm chợ gia cầm Hà Vỹ, xã Lê Lợi (Thường Tín – Hà Nội) đúng ngày rằm tháng 8 âm lịch. 

Ngoài cổng, chốc chốc lại có một chiếc ô tô tải chở gia cầm vào đổ hàng. Cán bộ liên ngành chốt tại đây nhanh chóng kiểm tra giấy tờ, phun thuốc tiêu độc khử trùng. Trong chợ, cảnh buôn bán gia cầm diễn ra hết sức nhộn nhịp. 

“Dính” dịch có mà phá sản

Từ sáng sớm tới chiều muộn, chợ Hà Vỹ không lúc nào ngớt người ra vào. Người mua kẻ bán mặc cả, gia cầm kêu inh ỏi. Vợ anh Thường, chủ ki ốt B3 cho biết, đều như vắt chanh, ngày hai lượt chiếc loa truyền thanh chợ Hà Vỹ oang oang bản tin cảnh báo dịch cúm H5N6.

Mưa dầm thấm lâu, nói mãi, nhiều người gần như thuộc lòng nội dung bản tin. Nhà anh Thường buôn gà mía, nhập từ bên Đông Anh (Hà Nội) về để bán. Xe chở gà thường về lúc sáng sớm và chiều muộn. Lí do nếu vận chuyển buổi trưa, trời quá nóng gà dễ bị chết.

Để vận chuyển một xe gà từ Đông Anh về chợ, xe phải qua ít nhất 3 chốt kiểm dịch. Một là chốt tại Đông Anh, hai là đi qua khu vực thị trấn Thường Tín, và lần cuối khi về tới cổng chợ. “Mua bán ở đâu giờ đều phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có giấy này đừng hòng vào được chợ. Còn gà thải loại từ Trung Quốc, phải gần 2 năm nay tôi không thấy ở chợ”.

Với giá bán buôn 90 nghìn đồng/kg gà mía, theo hộ này, cả người nuôi và người bán đều đang có lãi. Ngày rằm tháng 8, chỉ trong buổi sáng, ki ốt B3 này đã xuất đi 2 tấn gà mía.

Chị Lê Thị Thanh, chủ ki ốt B5 chuyên bán gà Đông Tảo lai nhập từ Hưng Yên thì cho biết, phải qua hai vòng kiểm dịch, xe gà mới tới được chợ Hà Vỹ. Khi hỏi về dịch cúm H5N6, chị Thanh bảo có nghe trên loa truyền thanh của chợ.

14-57-48-1150136344
Về cơ bản, 168 hộ kinh doanh tại chợ đều nghiêm chỉnh chấp hành các quy định

“Từ đầu năm 2013 cho đến nay, tại chợ Hà Vỹ chưa phát hiện ra gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc. Trạm cũng thường xuyên lấy mẫu đi xét nghiệm, kết quả là chưa phát hiện thấy chủng cúm virus nguy hiểm nào xuất hiện trên đàn gia cầm tại đây”, ông Dương Xuân Tĩnh, Trạm trưởng Trạm Thú y Thường Tín khẳng định.

“Thú thực, chợ thì ồn ào, lại mải bán hàng, nhiều khi có nghe nhưng không để ý đâu chú ạ. Giờ chợ mà có dịch, chúng tôi khéo phá sản hết. Nói thế thôi chúng tôi không dám thờ ơ đâu. Ngày nào BQL chợ chả đi nhắc nhở công tác vệ sinh, phòng dịch bệnh. Cuối buổi, lúc nào cũng có một nhóm công nhân vệ sinh đi một vòng thu gom rác thải, quét dọn”, chị Thanh nói.

Chủ ki ốt B30, chị Ngô Thị Thanh thì cho biết, trước đây nhà chị kinh doanh gà đồi Yên Thế nhưng lỗ vốn giờ chuyển qua bán gà Tam hoàng. Không có mối lớn, chị Thanh đi mua gom của các hộ chăn nuôi quanh chợ Hà Vỹ.

“Mỗi nhà từ 500 – 1.000 con là làm được giấy kiểm dịch rồi. Giấy đó bên người bán lo, chúng tôi mang giấy về qua chốt ngay cổng chợ làm thủ tục mới được đem gà vào trong. Thông tin về dịch cúm ở mấy tỉnh thì tôi có xem trên tivi, loa truyền thanh của chợ rồi, nói chung phòng được vẫn hơn. Nhà tôi giờ bán gà Tam hoàng, giá thì tạm nhưng sức mua giảm chắc chỉ bằng nửa năm ngoái. Từ sáng giờ mới bán được gần tạ thôi”, chị chia sẻ.

Ông Lê Ngọc Ánh, Phó BQL chợ Hà Vỹ cho biết, lực lượng liên ngành luôn chốt ở đây 24/7. Một mặt vừa tuyên truyền về dịch bệnh trên loa truyền thanh, một mặt cử cán bộ xuống từng ki ốt nhắc nhở các hộ kinh doanh. Ngày 16 ÂL hằng tháng, BQL yêu cầu toàn bộ các ki ốt đóng một ngày để thực hiện công tác tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng.

Cảnh giác cao độ

“8 tháng đầu năm 2014, đã có 2 chuyến xe chở gia cầm từ Hòa Bình và Thụy Phương bị đội liên ngành tạm giữ vì không có giấy tờ kiểm dịch. Nhưng qua xác minh, gia cầm trên 2 chuyến xe này có nguồn gốc xuất xứ đúng như lái xe khai. Chúng tôi đã tiến hành xử phạt, yêu cầu lái xe quay trở lại nơi xuất hàng để làm giấy kiểm dịch”, ông Tĩnh thông tin.

Ông Dương Xuân Tĩnh, Trạm trưởng Trạm Thú y Thường Tín khẳng định, chợ Hà Vỹ nói riêng và các khu vực chăn nuôi gia cầm trên địa bàn luôn được đơn vị này “căng mắt” theo dõi.

Trạm cắt cử Trạm phó là ông Nguyễn Lê Ngà trực tiếp ăn ngủ dưới chợ Hà Vỹ để tham gia vào đội công tác liên ngành. Đội công tác liên ngành chốt tại chợ được chia làm 3 ca trực là sáng, chiều và đêm. Hằng ngày, ngoài công tác kiểm tra, giám sát, ông Ngà theo dõi tình hình dịch bệnh rồi viết bản tin sau đó phát trên loa truyền thanh.

Hằng tháng, cán bộ liên ngành bất ngờ vào một ki ốt ngẫu nhiên lấy mẫu phân, dịch từ gia cầm đem đi xét nghiệm. Nghi ngờ đàn gia cầm nào có nguồn gốc mập mờ, ngay lập tức, đội cử 1 cán bộ về tận nơi xuất hàng để xác minh. Đồng thời lấy mẫu cả hai nơi đi xét nghiệm xem có trùng khớp hay không.

Theo ông Ngà, về cơ bản, 168 hộ kinh doanh tại chợ đều nghiêm chỉnh chấp hành các quy định.

14-57-48-3150135535
Xe chở gia cầm về chợ đang làm công tác kiểm dịch

6 tháng đầu năm 2014, chốt kiểm dịch chợ Hà Vỹ đã chứng nhận kiểm dịch cho 3.653.487 con gia cầm nhập về chợ. Tính riêng từ ngày 8/8 – 8/9, đơn vị này đã kiểm dịch trên 630.000 gia cầm đưa về chợ. Các hộ kinh doanh tại chợ đều phải kí cam kết tuân thủ quy định về vận chuyển, giết mổ gia cầm. 184 lượt người đã được tập huấn kiến thức về an toàn sinh học.

Tuy nhiên, ông Tĩnh cho biết, ý thức của các hộ kinh doanh tại đây trong vấn đề giữ vệ sinh, phòng tránh dịch bệnh cho bản thân chưa thực sự tốt. “Người kinh doanh ăn uống ngay cạnh nơi mua bán gà, không sử dụng găng tay, dụng cụ bảo hộ mà dùng tay tiếp xúc trực tiếp với gia cầm. Việc sử dụng xà phòng rửa tay để tiệt trùng cũng gần như không ai thực hiện”, ông Tĩnh cho biết.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm