Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 08 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 19,6 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; biển động rất mạnh. Sóng biển cao từ 2-4m. Khu vực ven biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Thanh Hóa nước dâng do bão có thể cao 0,5m.
Gió mạnh trên đất liền: Ngày hôm nay (14/10), trên đất liền ven biển các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Mưa lớn diện rộng: Do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên từ nay đến ngày 16/10 ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 200-350mm/đợt.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, đến 19h tối 13/10, 7 tỉnh khu vực bão số 7 có khả năng đổ bộ đã tổ chức cấm biển, gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.
Thành phố Hải Phòng đã di dời 90 người ở khu vực nguy hiểm đảo Cát Hải đến nơi an toàn.
6 tỉnh còn lại cũng đã lên kế hoạch tổ chức di dân khu vực ven biển, vùng trũng thấp, các bãi ngao, chòi canh, đầm thủy sản ven sông, ven biển. Riêng tỉnh Ninh Bình dự định sơ tán 412 người tại khu nuôi ngao Bình Minh III đến Cồn Nổi trước 12h trưa nay.
Tỉnh Thanh Hóa sơ tán gần 11.000 hộ dân trong phạm vi cách bờ biển 200m; tỉnh Nghệ An sơ tán 12.341 hộ với 102.112 người.
Theo báo cáo của Bộ đội biên phòng, tính đến 6h00 ngày 14/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 31.096 phương tiện với tổng số 115.607 lao động biết để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, hiện nay có hơn 137.000ha lúa ở Bắc Trung bộ và Đồng bằng sông Hồng chưa thu hoạch. Riêng tại 5 tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An - được dự báo bão đổ bộ, có khoảng 72.000ha lúa chưa thu hoạch.
Để đề phòng ngập úng, các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An đã vận hành hệ thống cống tiêu, trạm bơm để tiêu nước đệm đề phòng mưa lớn gây ngập úng.
Đặc biệt, trên các tuyến đê biển, đê cửa sông từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có 41 vị trí xung yếu (27 đoạn đê với tổng chiều dài 38,60km) và 19 công trình đang thi công dở dang cần sẵn sàng phương án ứng phó với bão số 7.
Trên các tuyến đê sông có 213 vị trí trọng điểm đê điều xung yếu và 33 công trình đang thi công dở dang, cần theo dõi sát và có phương án xử lý nhanh nếu xảy ra sự cố.