| Hotline: 0983.970.780

Bão số 7 tiến nhanh, tình hình thiên tai vô cùng nguy hiểm

Thứ Ba 13/10/2020 , 10:43 (GMT+7)

Dự báo chiều 14/10, bão số 7 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh nam Đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ gây ra mưa to đến rất to.

Bão số 7 Nangka sắp tiến vào đất liền. Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia.

Bão số 7 Nangka sắp tiến vào đất liền. Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia.

Sáng 13/10, Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai họp bàn phương án ứng phó với bão số 7 với tên quốc tế Nangka.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 7h sáng ngày 13/10, bão số 7 cách đất liền Thanh Hóa - Hà Tĩnh 700km về phía Đông. Bão đang mạnh cấp 9, giật cấp 11, với tốc độ di chuyển nhanh 20 - 25km/h, khả năng trong 36 - 48 giờ tới sẽ ảnh hưởng đến đất liền các tỉnh nam Đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết sáng sớm ngày 14/10, bão sẽ đi vào vịnh Bắc bộ và đến chiều 14/10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.

"Do ảnh hưởng của bão và không khí lạnh nên từ đêm 13/10, ở Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9 - 10, giật cấp 12. Biển động rất mạnh, sóng biển cao 3 - 5m. Từ trưa 14/10, khu vực ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh - Hà Tĩnh có gió mạnh, thời điểm gió mạnh nhất từ khoảng giữa chiều đến đêm 14/10. Dự báo do thủy triều dâng cao kết hợp với bão đổ bộ, các tỉnh ven biển Quảng Ninh - Nghệ An có sóng từ 2 - 4m, nước biển dâng từ 0,5 - 0,8m", ông Khiêm nói.

Các tỉnh Trung Trung bộ ngày và đêm 13/10 có mưa to 50 - 100mm, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế 100 - 150mm. Từ ngày 14 đến 16/10, ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa to đến rất to và rải rác có dông với tổng mưa phổ biến 150 - 350 mm/đợt, có nơi trên 400 mm/đợt. Trong đó, trọng tâm mưa tại khu vực Đồng bằng Bắc bộ, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Thời gian mưa lớn từ đêm 14 đến sáng 16/10.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hiện nay lũ tại Trung bộ trên một số hệ thống sông vẫn đang trong tình trạng nghiêm trọng. Lũ trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị) đã đạt đỉnh 7,17m và đang xuống chậm. Dự báo đêm nay, lũ trên sông Thạch Hãn xuống 6,4m, sông Bồ 4,7m, tuy nhiên lũ vẫn trên báo động 3. Tình trạng ngập úng vẫn diễn ra và có thể giảm trong ngày mai và ngày kia.

Tới thời điểm hiện tại còn khoảng 100 tàu trong khu vực nguy hiểm đang hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa. Hiện các tàu đã được thông báo về hướng di chuyển của bão và đang trên đường vào nơi tránh trú. Đối với hoạt động tàu thuyền trên vịnh Bắc Bộ, Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị từ Quảng Ninh đến Nghệ An kêu gọi phương tiện khẩn trương di chuyển vào bờ trong chiều tối 13/10.

Bộ Tư lệnh Quân khu 4 duy trì 8.574 người, 88 ô tô các loại và 172 tàu, xuồng phối hợp với lực lượng tại chỗ khắc phục hậu quả mưa lũ ở miền Trung. Đồng thời sẵn sàng lực lượng ứng phó với bão số 7 và khắc phục hậu quả sau bão.

Ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho rằng hiện nay toàn bộ miền Bắc, miền Trung đang trong tình thế thiên tai rất nguy hiểm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho rằng hiện nay toàn bộ miền Bắc, miền Trung đang trong tình thế thiên tai rất nguy hiểm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho rằng hiện nay toàn bộ miền Bắc, miền Trung đang trong tình thế thiên tai vô cùng nguy hiểm. "Bão số 7 sẽ sớm ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam. Tình hình ngập lụt các tỉnh vẫn còn trên diện rộng. Xuất hiện sạt lở khu vực miền núi và hiện đang tìm cách tiếp cận. Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng".

"Các địa phương cần lưu ý đảm bảo an toàn tàu thuyền, đặc biệt là 86 tàu thuyền đang trong khu vực nguy hiểm. Đồng thời có phương án rà soát, kiểm tra các hồ chứa, hồ thủy điện trước khi bão số 7 đổ bộ và có kế hoạch điều tiết khi có mưa lớn để đảm bảo an toàn cho hạ du", ông Vũ Xuân Thành chỉ đạo.

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

Rà soát khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất để di dời dân

KHÁNH HÒA Các địa phương khẩn trương kiểm tra khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… để chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn.