| Hotline: 0983.970.780

Chống chất cấm đi đôi với triển khai GAHP

Thứ Sáu 13/11/2015 , 09:17 (GMT+7)

Ngày 12/11, tại TP.HCM, Cục Chăn nuôi đã tổ chức hội nghị triển khai kiểm tra chất cấm ở các tỉnh phía Nam. 

Thông tin từ hội nghị cho thấy các cơ quan chức năng ở các tỉnh, TP phía Nam vẫn còn nhiều khó khăn, lúng túng trong việc kiểm tra, xử phạt vi phạm về chất cấm.

1 trại có… 14 kg chất cấm

Theo ông Lê Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Vĩnh Long, từ tháng 10 đến nay, khi đẩy mạnh kiểm tra chất cấm tại các trại chăn nuôi heo trên địa bàn, tỷ lệ mẫu phát hiện có dương tính với chất cấm là không nhỏ.

Cụ thể, số mẫu nước tiểu có dương tính với chất cấm là trên 20%, 7/26 cơ sở nuôi heo được lấy mẫu kiểm tra có phát hiện dư lượng chất cấm. Đặc biệt, trong một trại nuôi 100 con heo, đoàn kiểm tra đã phát hiện 4 gói bột màu trắng, không nhãn mác với tổng khối lượng là 14 kg. Chất bột đó được xác định là Salbutamol nguyên chất, chủ trại khai với cơ quan công an là mua ở Long An. Ông Tùng cho rằng có 2 nguồn cung cấp chất cấm chính trên địa bàn Vĩnh Long.

Thứ nhất là một số thương lái đưa chất cấm cho hộ chăn nuôi và hứa sẽ mua lại với giá cao hơn thị trường từ 200.000-300.000 đ/con heo.

Thứ hai là nhiều nhân viên tiếp thị, bán thức ăn chăn nuôi của một số công ty chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm này. Ngoài việc bán thức ăn, họ đã bán thêm cả chất cấm để kiếm lợi nhuận.

Ở Đồng Nai, ông Trần Minh Thành, Phó phòng thanh tra (Chi cục Thú y Đồng Nai), cho biết, cơ quan này vừa tiếp tục triển khai kiểm tra sử dụng chất cấm tại 102 trang trại chăn nuôi trên địa bàn 8 huyện.

Kết quả cho thấy số trang trại vi phạm về sử dụng chất cấm (4 trang trại) đã giảm mạnh so với đợt kiểm tra trước (12/45 trang trại), nhưng điều này cũng cho thấy tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở Đồng Nai vẫn còn tồn tại. 4 trang trại nói trên thì 1 ở huyện Cẩm Mỹ, 2 ở Trảng Bom và 1 ở Vĩnh Cửu, trong đó có trang trại hàm lượng chất cấm trong mẫu kiểm tra lên tới trên 200 ppb, các trại khác ở mức vài chục ppb.

Ông Phan Minh Báu, PGĐ Sở NN-PTNT Đồng Nai cho hay những vi phạm về sử dụng chất cấm trên địa bàn tỉnh này cho thấy không chỉ do một số thương lái chủ động đưa chất cấm, dụ dỗ người chăn nuôi sử dụng, mà nhiều trang trại chuyên mua lợn khoảng 70 kg về vỗ lên cỡ 90 kg cũng chủ động dùng chất cấm. Nhiều trang trại trong số này lại nằm trên đất do quân đội quản lý nên cơ quan chức năng rất khó vào để kiểm tra, lấy mẫu.

Vẫn nhiều tranh cãi

Tuy khẳng định sẽ tiếp trục đẩy mạnh, làm quyết liệt việc kiểm tra tình trạng sử dụng chất cấm trên địa bàn, nhưng đại diện ngành nông nghiệp các tỉnh, TP ở Nam Bộ đều cho rằng với những quy định như hiện nay, rất khó có thể xử lý triệt để vấn nạn này. Theo ông Phan Minh Báu, với những quy định như hiện nay, cơ quan chức năng đang rất lúng túng, chỉ biết chạy theo để xử lý. Chẳng hạn, nếu đã là chất cấm thì phải cấm triệt để, không được có một chút dư lượng, một ngưỡng nào.

Nhưng trong Thông tư 57/2012/TT-BNNPTNT (Thông tư 57) lại quy định ngưỡng an toàn về dư lượng Salbutamol, khiến cho người chăn nuôi có thể lợi dụng chỗ này. Rồi do phạt theo lô, không phạt theo đầu con nên người vi phạm có 1 con heo cũng bị phạt ngang bằng với người có 1.000 con heo. Ông Lê Thanh Tùng cũng cho rằng cần phải phạt theo đầu heo thay cho theo lô như hiện nay.

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết, quy định xét nghiệm, tạm giữ lô heo, thịt heo nghi ngờ vi phạm... như hiện nay cũng đang khiến các cơ quan chức năng nhiều khi không dám làm mạnh tay. Bởi khi kiểm tra ở lò mổ, để xét nghiệm định lượng nhằm có cơ sở xử phạt lô heo nào đó, buộc phải giữ lô heo ở lại lò mổ 5-7 ngày.

Ông Nguyễn Phước Trung, GĐ Sở NN-PTNT TP.HCM: Các quy định cần phải rõ ràng, cụ thể hơn để có thể đi được vào cuộc sống, phải làm được và đảm bảo an toàn cho những người thực thi. Các lò mổ nếu phát hiện tái phạm về lô heo có dương tính với chất cấm thì dứt khoát phải tiêu hủy, không nên cho giữ lại chờ đào thải ra ngoài vì rất dễ bùng nổ dịch bệnh. Còn trang trại tái phạm phải có quy định cấm nuôi, ngưng nuôi.

Điều này có thể phát sinh ra những rủi ro như lây lan bệnh LMLM (đã từng xảy ra) cho lô heo đó. Còn nếu lấy mẫu thịt heo bán ở chợ, trong thời gian chờ làm xét nghiệm, nếu không tạm giữ chỗ thịt heo bị nghi ngờ có chất cấm, thì khi có kết quả xét nghiệm, chỗ thịt đó đã được tiêu thụ hết.

Còn nếu tạm giữ thì thủ tục rất phức tạp, và câu hỏi đặt ra là giữ ở đâu? Nếu giữ thịt lại mà kết quả xét nghiệm cho thấy thịt đó có chất cấm thì không sao, nhưng nếu không có, chắc chắn cơ quan chức năng sẽ bị chủ lô thịt khiếu kiện bồi thường thiệt hại…

Về những thắc mắc nói trên, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, giải thích, sở dĩ quy định phạt theo lô mà không theo đầu con như hiện nay là phạt vào lỗi hành vi sử dụng chất cấm.

Còn khi lấy mẫu xét nghiệm, các địa phương được phép vận dụng 1 trong 2 phương pháp. Nếu muốn tiết kiệm chi phí, địa phương có thể test kiểm tra định tính nhằm sàng lọc ra những lô heo có nghi ngờ rồi tiếp tục kiểm tra định lượng.

Còn nếu xác định được ngay lô heo nào đó chắc chắn có vi phạm, mà không phải băn khoăn nhiều về chi phí, cơ quan chức năng có thể xét nghiệm định lượng ngay, với phương pháp sắc ký chỉ 4 tiếng là có kết quả...

Ông Dương khẳng định các quy định như hiện nay là đã đủ tính chất răn đe. Nếu các địa phương mạnh dạn phạt hết khung hình phạt, chẳng hạn nếu trang trại tái phạm sử dụng chất cấm thì tiêu hủy luôn cả đàn heo, chắc chắn sẽ tạo ra được chuyển biến tích cực trong kiểm soát chất cấm. Tiếc là đến thời điểm này, vẫn chưa có địa phương nào tiến hành tiêu hủy đàn heo ở những trang trại tái phạm.

Còn theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, hiện nay các địa phương đang có nhầm lẫn về một số nội dung trong Thông tư 57. Quy định về ngưỡng chất cấm trong thông tư này là áp dụng ở các phòng thí nghiệm. Còn trong chăn nuôi, các chất cấm như Salbutamol, Clenbuterol, Ractopamine… vẫn đang bị cấm tuyệt đối, không có ngưỡng nào hết.

Tuy nhiên, ông Vân cũng ghi nhận ý kiến từ phía các địa phương đối với các quy định hiện hành về kiểm tra, xử lý chất cấm, và cho biết sắp tới sẽ có những văn bản bổ sung cho Thông tư 57, văn bản quy định cấm tuyệt đối sử dụng chất vàng ô trong chăn nuôi gia cầm…

Ông Hoàng Thanh Vân đề nghị các tỉnh, TP, bên cạnh việc đẩy mạnh kiểm tra, xử lý chất cấm, cũng cần triển khai ngay 8 chương trình VietGAHP mới trong chăn nuôi và có giải pháp giúp người tiêu dùng nhận diện, tiếp cận được với các sản phẩm VietGAHP. 8 chương trình nói trên được xây dựng theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam và tiếp cận với các quy trình chăn nuôi của các nước trong khu vực ASEAN. Áp dụng VietGAHP mới trong chăn nuôi sẽ làm giảm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giảm rủi ro dịch bệnh… qua đó góp phần thực hiện thành công chương trình trọng điểm ATTP mà Bộ NN-PTNT đã phê duyệt năm 2015 và những năm tiếp theo.

THANH SƠN

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nghề cói Kim Sơn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 1150/QĐ-BVHTTDL đưa nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.