Bà Nguyễn Thị Thành Thực nêu ra một số bất cập trong việc phân luồng giao thông tại các cửa ngõ vào Hà Nội khi thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
“Tôi rất đồng ý với việc đối phó với các nguy cơ dịch bệnh nhưng cần có các kịch bản, phương án phù hợp, tránh để tình trạng ùn tắc kéo dài trên cao tốc như mấy ngày qua”, bà Nguyễn Thị Thành Thực nói.
Theo Chủ tịch Công ty Bagico, việc Hà Nội hướng dẫn toàn bộ phương tiện trừ các xe luồng xanh phải đi tránh, đi vòng qua các địa phương khác vừa gây khó khăn cho người tham gia giao thông, vừa làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa, vừa tạo ra nguy cơ cho các địa phương có xe đi vòng qua.
Lý giải vấn đề này, bà Thực cho rằng đường tránh qua các địa phương khác đa số là đường cũ, có cư dân 2 ven đường nên việc kiểm soát, phòng dịch sẽ khó khăn hơn rất nhiều nếu để phương tiện đi trên cao tốc.
“Nếu để xe đi trên cao tốc thì Hà Nội chỉ cần lập chốt ở các lối rẽ xuống khu dân cư chứ không cần chặn cả cao tốc, tránh gây gián đoạn cho giao thông Bắc - Nam”, Chủ tịch Công ty Bagico nêu ý kiến và đưa ví dụ, trong giai đoạn dịch đỉnh điểm ở Bắc Giang vừa qua, tỉnh vẫn cho các phương tiện lưu thông qua cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn bình thường, chỉ ngăn xe rẽ xuống đô thị.
Ngoài ra, mặc dù có sự ưu tiên nhưng do không có phương án thích hợp nên cuối tuần qua vẫn có nhiều xe luồng xanh bị chôn chân trên cao tốc do ách tắc kéo dài.
Kiến nghị giải pháp cho vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thành Thực cho rằng thành phố Hà Nội cần bố trí những mặt bằng có diện tích lớn ở các cửa ngõ để làm công tác phân luồng, kiểm tra giấy tờ, xét nghiệm hay chuyển tải mà không xảy ra ùn tắc trên cao tốc.
“Xe luồng xanh được ưu tiên nhưng cũng chẳng thể lưu thông nếu tắc đường kéo dài hàng km như những ngày vừa qua. Nếu có những khu vực rộng để làm công tác kiểm tra phòng dịch thì sẽ giải quyết được vấn đề này, giúp giao thông được thông suốt”, bà Thực nói.
Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang nhấn mạnh, điều quan trọng là các đường cao tốc, uqốc lộ đi qua Hà Nội đều là những tuyến đường huyết mạch trong giao thông Bắc - Nam nên cần có những biện pháp linh hoạt, tránh cứng nhắc.
"Với những người chỉ có nhu cầu đi qua Hà Nội mà bắt họ đi đường tránh trong khi có thể để họ di chuyển xuyên qua là không hợp lý”, bà Nguyễn Thị Thành Thực nói thêm.
Trước đó, trong chiều 24/7, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP. Hà Nội) ra thông báo về phương án phân luồng một số tuyến đường tránh đi qua thành phố. Theo các phương án phân luồng này, các phương tiện không phải luồng xanh đều không được đi qua địa phận Hà Nội.
Lộ trình tuyến đường tránh TP. Hà Nội
Hướng tuyến các tỉnh Tây Bắc về Hà Nam, Ninh Bình, các tỉnh phía Nam và ngược lại đi theo các lộ trình như sau: QL6 đi ngã ba Tòng Đậu - QL15 - Thanh Hóa; QL6 đi ngã ba Mường Khến - QL12B - đường Hồ Chí Minh; QL6 đi ngã ba Cun - đường tỉnh 12B - đường Hồ Chí Minh.
Hướng từ Hòa Bình đi Vĩnh Phúc, Yên Bái và ngược lại đi theo lộ trình Hòa Bình - QL6 - đi đường tỉnh 317 - QL32 - QL2 (Việt Trì về Vĩnh Yên).
Hướng từ đường Hồ Chí Minh sang QL1 và ngược lại theo lộ trình đường Hồ Chí Minh - QL 21 - giao QL1 - nút giao Liêm Tuyền (cao tốc Pháp Vân Cầu Giẽ).
Hướng tuyến từ các tỉnh phía Nam sang tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, các tỉnh Đông Bắc và ngược lại: Từ Đồng Văn (nút giao Vực Vòng cao tốc Pháp Vân Cầu Giẽ) - đi QL38 - QL38B - giao cao tốc 5B (Hà Nội - Hải Phòng); Từ Đồng Văn (nút giao Vực Vòng cao tốc Pháp Vân Cầu Giẽ) - đi QL38 - giao QL1 (cao tốc Hà Nội - Bắc Giang).
Hướng đi Bắc Ninh sang Thái Nguyên và ngược lại đi từ Bắc Ninh đi QL18 - QL3 - nút giao Ba Hàng (giao QL3 và ĐT261). Hướng đi Thái Nguyên sang Vĩnh Yên và ngược lại đi từ nút giao Ba Hàng (giao QL3 và ĐT261) - ĐT261 giao QL2 và đi Việt Trì.