Chiều 5/7, tại kỳ họp thứ mười hai, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã thay mặt UBND thành phố báo cáo, tiếp thu, giải trình, làm rõ những nội dung liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu HĐND thành phố.
Kiên quyết thu hồi những dự án có vi phạm
Báo cáo, tiếp thu, giải trình, làm rõ những nội dung liên quan đến nội dung chất vấn, thay mặt UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trân trọng cảm ơn các đại biểu HĐND thành phố, cử tri và nhân dân Thủ đô đã quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, sâu sắc, trách nhiệm về các báo cáo, tờ trình của UBND thành phố trình tại kỳ họp.
“UBND thành phố xin trân trọng tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu chỉ đạo, định hướng quan trọng, toàn diện, sâu sát của đồng chí Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Bí thư Thành ủy đối với các nhóm vấn đề được gợi ý thảo luận tại kỳ họp. Đồng thời, UBND thành phố nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu ý kiến xác đáng của các Ban HĐND thành phố, các tổ đại biểu, các đại biểu HĐND thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, nội dung chất vấn tại kỳ họp đã tập trung đúng và trúng những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm; phản ánh những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp. Qua đó, giúp UBND thành phố, các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã nhận diện rõ hơn những hạn chế, bất cập, yếu kém, đồng thời là cơ sở để phân tích, đánh giá nguyên nhân và đề ra giải pháp tích cực, phù hợp trong tình hình mới.
Về kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận tại các phiên chất vấn, giải trình của HĐND thành phố, Thường trực HĐND thành phố từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đồng chí Trần Sỹ Thanh cho biết, đây là những việc khó, đã tồn tại từ nhiều năm trước, thời gian qua, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung giải quyết. Tuy nhiên, vẫn còn có một số dự án, nội dung công việc chưa bảo đảm tiến độ và yêu cầu, mong muốn của đại biểu HĐND thành phố và cử tri Thủ đô.
UBND thành phố đã tập trung xử lý các dự án ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai. Với tinh thần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn tối đa cho nhà đầu tư để các dự án sớm được triển khai, tránh lãng phí nguồn lực đất đai của thành phố; đồng thời, kiên quyết thu hồi những dự án có vi phạm quy định hoặc không đủ điều kiện tiếp tục thực hiện.
Qua rà soát từ năm 2011 đến nay, có 712 dự án chậm tiến độ, với diện tích hơn 5.000ha. Đến nay, sau hơn 1 năm quyết liệt triển khai thực hiện, thành phố đã rà soát và có phương án xử lý 419 dự án (trong đó đã có thông báo, quyết định thu hồi đất, chấm dứt, dừng thực hiện 118 dự án với diện tích khoảng 2.000ha).
"Hà Nội quyết tâm xử lý dứt điểm 293 dự án chậm tiến độ còn lại trước ngày 31-12-2023".
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh
Chủ tịch UBND thành phố cũng cho biết, UBND thành phố xác định công tác xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Chủ tịch UBND thành phố đã trực tiếp làm việc với từng quận, huyện để nghe báo cáo và chỉ đạo xử lý cụ thể từng dự án.
Toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc
Về công tác cải cách hành chính được các đại biểu HĐND quan tâm chất vấn, đồng chí Trần Sỹ Thanh cho biết, từ năm 2021 đến quý I-2023, tổng số thủ tục hành chính của thành phố là 1.867 (1.471 thủ tục hành chính cấp thành phố, 284 thủ tục hành chính cấp huyện và 112 thủ tục hành chính cấp xã). Thành phố đã ban hành Quyết định phê duyệt phương án ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính; đề xuất phương án ủy quyền 617/1.910 thủ tục hành chính, đạt 37%. Quyết định ủy quyền 531/617 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 86,06%.
“100% thủ tục hành chính sau khi ủy quyền đều đã được ban hành quy trình nội bộ hướng dẫn thực hiện; tiếp tục đẩy mạnh việc ủy quyền thực hiện theo phương châm “cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó thực hiện, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực”.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh
Việc tổ chức hoạt động tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" đã đi vào nền nếp, ổn định. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết đúng hạn đạt 99,81% (cấp xã là 99,89%, cấp huyện là 99,88% và cấp thành phố là 99,68%). Thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Mô hình bộ phận một cửa hiện đại” với sự đầu tư đồng bộ, thống nhất toàn thành phố từ nhận diện thương hiệu đến cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực bảo đảm việc thực hiện với mục tiêu “lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá”.
“Đến nay, thành phố Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước trong việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ công dân khi tham gia thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số trong việc thực hiện tương tác với chính quyền”, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định.
Từ năm 2021 trở lại đây, công tác chuyển đổi số đã được thành phố quan tâm triển khai. Tuy nhiên, kết quả chưa tương xứng với tiềm năng, nguồn lực của thành phố. “Đúng như đánh giá của Đoàn giám sát HĐND thành phố, công tác chuyển đổi số của thành phố trong 2 năm qua còn triển khai chậm”, Chủ tịch UBND thành phố nói.
Nhận thức được những hạn chế này, đến nay, toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố đã vào cuộc, triển khai các nhiệm vụ một cách đồng bộ, theo lộ trình chung của thành phố. Kết quả bước đầu thực hiện chuyển đổi số được ghi nhận trong thời gian gần đây: Hà Nội là một trong các tỉnh, thành phố đầu tiên bảo đảm đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính; UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo để trong thời gian ngắn, các hệ thống dữ liệu dùng chung toàn thành phố đã hoàn thành (Hệ thống thông tin báo cáo; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính 3 cấp); Ban hành các quy định, quy chế để bảo đảm vận hành, khai thác các hệ thống thông tin an toàn, hiệu quả.
"Có thể nói, với khối lượng công việc không nhỏ, trong khi đây là những nhiệm vụ mới, khó, đặc biệt với quy mô rất lớn của thành phố 10 triệu dân, nhưng với quyết tâm chính trị của thành phố, thành phố chắc chắn sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô", đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Ủy quyền đến đâu thì phân cấp, phân quyền đến đó
Trả lời chất vấn về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới đối với việc tiếp tục phân cấp, ủy quyền do đại biểu Hồ Vân Nga (Tổ đại biểu quận Hai Bà Trưng), Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đã tiến hành rà soát, kiểm kê các thủ tục hành chính thuộc cấp thành phố, cấp huyện và cấp xã; từ đó thực hiện phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính cho các cấp.
“Không phải phân cấp xong rồi để đấy, mà phân cấp phải trên thực tiễn, có quy trình, có kiểm tra. 100% nội dung phân cấp đều cơ bản đã có quy trình hướng dẫn thực hiện. Ủy quyền đến đâu thì phân cấp, phân quyền đến đó”, đồng chí Trần Sỹ Thanh nói và khẳng định, chủ trương phân cấp, ủy quyền là đúng, trong quá trình thực hiện thường xuyên rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế để thực hiện tốt hơn.
“Phân cấp, ủy quyền không bắt các quận, huyện phải mặc một “chiếc áo” giống nhau, phải căn cứ vào năng lực, trình độ, số lượng cán bộ để phân cấp, ủy quyền phù hợp, linh hoạt”.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh
Về chất vấn liên quan đến chuyển đổi số, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định, điều kiện đủ để chuyển đổi số là nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu và sự sẵn sàng của hệ thống, bên cạnh các điều kiện cần về cơ sở vật chất.
“Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Giám đốc các sở, ngành phải nhận thức được “chuyển đổi số hay là chết” thì mới làm được, chứ không phải chỉ có tiền mới làm được”.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh
UBND thành phố đã quyết liệt tập trung tham mưu Thành ủy ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngay sau khi Nghị quyết ra đời, đã thực sự tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động tại tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị của thành phố. Nghị quyết đã xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực và các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội của thành phố.
Nhận định khối lượng công việc của thành phố là vô cùng lớn trong khi nhân lực có hạn, Chủ tịch UBND thành phố mong cử tri và nhân dân Thủ đô chia sẻ bởi bộ máy hành chính thành phố dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn còn chưa đáp ứng được kỳ vọng.
“Chúng tôi xin hứa, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, đặc biệt là sau khi có Nghị quyết của Thành ủy về chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ cán bộ, kết hợp với rà soát, đánh giá, tổ chức bộ máy, luân chuyển, điều động cán bộ, mỗi người sẽ làm việc bằng hai, bằng ba để chúng ta xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp hơn”.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh