Nhà nông ở ĐBSCL đã biết thích ứng với điều kiện tự nhiên bằng cách trồng lúa trong mùa mưa nhờ có nước trời, rồi cho nước mặn vào ruộng nuôi tôm trong mùa khô. Với phương thức canh tác này, nông dân đã tạo ra nguồn thu nhập mới mà trước đây không thể có được trong mùa khô.
Nhiều năm qua, mô hình lúa - tôm thực sự là cách làm thông minh, đã mang lại nguồn "lợi nhuận kép" cho bà con. Tuy nhiên, do trong mùa nắng đưa nước mặn vào nuôi tôm, nước mặn đã khuyếch tán vào lớp đất mặt. Vì vậy, để vụ lúa trong mùa mưa đạt kết quả tốt, trước khi xuống giống phải rửa mặn cho đất nhanh bằng cách kết hợp giữa “đuổi” và “rửa”. Rửa mặn nhanh còn giúp xuống giống được sớm, tránh hạn - mặn cuối vụ lúa và cũng là mong muốn của tất cả nhà nông canh tác mô hình này.
Kỹ thuật đuổi và rửa mặn nhanh được thực hiện bằng cách xới xáo lớp đất mặt để nước rửa dễ dàng ngấm xuyên qua đất. Chỉ cần xới sâu khoảng 7 - 8 phân là được vì nước mặn khuyếch tán không sâu. Tiếp đến là đuổi mặn bằng cách bón phân Đầu Trâu Mặn – Phèn hoặc vôi. Chất Canxi trong phân Đầu Trâu Mặn Phèn (hay vôi) có điện tích dương sẽ đẩy (đuổi) mặn Natri có cùng điện tích dương ra khỏi keo đất để nước mang đi (rửa) được dễ dàng. Để rửa mặn triệt để, phải làm những rãnh nước trong ruộng. Rãnh có kích thước sâu khoảng 20cm, rộng hoảng 20cm. Các rãnh cách nhau khoảng 6 - 9m. Và một yếu tố quan trọng là khi rửa phải có đủ nước để rửa. Nơi nào có nước sông ngọt sớm thì bơm nước lên rửa cùng với nước mưa.
Mặc dù đã rửa mặn, nhưng phải kiểm tra độ mặn trước khi xuống giống bằng cách đào lỗ giống như đo pH đầu vụ (xem cách đào lỗ đo pH) và dùng dụng cụ hay máy đo mặn đề được. Khi độ mặn dưới 1‰ là xuống giống được, nhưng tốt nhất là dưới 0,5‰. Năm nào mùa mưa đến sớm, lượng mưa nhiều sẽ giúp cho việc đuổi và rửa mặn càng thêm thuận lợi. Điều này, đồng thời cũng sẽ giúp cây lúa phát triển tốt, từ đó, giúp bà con tiết kiệm chi phí đầu tư phân thuốc khi phải chi cho việc khắc phục tình trạng lúa ngộ độc mặn ngay từ đầu vụ của những năm trước đây.
Về khâu bón phân cho mô hình lúa - tôm, cùng với việc bón lót đầu vụ để đuổi và rửa mặn trong đất, ở giai đoạn bón thúc, bà con có thể sử dụng phân bón chuyên dùng Đầu Trâu Lúa Tôm cho cả vụ. Phân có tỉ lệ NPK cân đối 21-10-10 sẽ giúp cây lúa phát triển tốt, năng suất cao, môi trường an toàn. Cụ thể, quy trình bón phân cho mô hình lúa tôm như sau.
- Lúc làm đất, rửa mặn: Bón lót phân Đầu Trâu Mặn Phèn với liều lượng 100 - 150kg/ha.
- Ở giai đoạn 7 - 10 ngày sau sạ (thúc 1): Bón phân Đầu Trâu Lúa Tôm, lượng bón 80kg/ha.
- Ở giai đoạn 18 - 22 ngày sau sạ là thời điểm bón thúc lần 2: Bón Đầu Trâu Lúa Tôm, lượng bón 100 - 120kg/ha. Chú ý, đây là giai đoạn cây lúa đẻ nhánh và nuôi chồi hữu hiệu, việc bón thúc này rất quan trọng, đặc biệt với nền đất nuôi tôm.
- Giai đoạn đón đòng, tức thời điểm bón thúc 3: Xác định thời điểm bón là lúc cây lúa có tim đèn 1 - 3 ly. Vì vậy, bà con bón theo quy luật "không ngày, không số", chỉ bón khi thăm đòng, xác định tim đèn 1 - 3 ly mới tiến hành bón phân Đầu trâu Lúa Tôm, lượng bón 80 - 100kg/ha
Hiện nay, việc sản xuất lúa gạo đang ngày càng chịu tác động xấu từ biến đổi khí hậu, giá phân bón và các loại vật tư đầu vào tăng cao, giá lúa biến động thất thường… Vì vậy, trong quá trình canh tác, bà con cũng cần chú ý tính toán, áp dụng quy trình canh tác, bón phân hiệu quả nhất để vừa đảm bảo tiết kiệm chi phí sản xuất tối đa mà ruộng lúa vẫn giữ vững năng suất chất lượng, lợi nhuận cao trong mô hình canh tác lúa - tôm.