| Hotline: 0983.970.780

Chứng nhận Halal: Chìa khóa mở cửa xuất khẩu thực phẩm sang quốc gia đạo Hồi

Thứ Hai 30/11/2020 , 18:40 (GMT+7)

Chứng nhận Halal là 'giấy thông hành' để xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến sang các quốc gia Hồi giáo với thị trường khổng lồ chiếm trên ¼ dân số thế giới.

Ngày 30/11, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức diễn đàn với chủ đề “Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu và cơ hội đối với Việt Nam”.

Tham dự diễn đàn có sự góp mặt của nhiều tổ chức quốc tế, Đại sứ quán các quốc gia tại Việt Nam, đặc biệt là các quốc gia có đông đảo cộng đồng người theo đạo Hồi.

Tiềm năng chưa được khai thác

Thị trường tiêu thụ nông sản nói chung, đặc biệt là nông sản - thực phẩm đã qua chế biến dành cho các thị trường có cộng đồng người Hồi giáo hiện nay trên thế giới rất rộng lớn, chiếm hơn ¼ dân số thế giới, gồm nhiều khu vực như tiềm năng như thị trường Trung Đông, châu Phi, các nước châu Âu, nhiều quốc gia Đông Nam Á...

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn chưa thực sự quan tâm tới thị trường nông sản, thực phẩm khổng lồ và giàu tiềm năng này. Theo quy định hiện hành, để xuất khẩu được thực phẩm, nông sản đã qua chế biến vào các quốc gia Hồi giáo, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tuân thủ các quy định, quy trình sản xuất, chế biến nông sản - thực phẩm đáp ứng được các yêu cầu về chứng nhận Halal, và phải được cấp Chứng nhận Halal.

Diễn đàn có sự tham dự của đông đảo các diễn giả đến từ Đại sứ quán các quốc gia Hồi Giáo tại Hà Nội. Ảnh: Lê Bền

Diễn đàn có sự tham dự của đông đảo các diễn giả đến từ Đại sứ quán các quốc gia Hồi Giáo tại Hà Nội. Ảnh: Lê Bền

Ông Ibnu Hadi, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam chia sẻ, Halal không đơn thuần chỉ là giấy chứng nhận, mang tính “giấy thông hành” để xuất khẩu được nông sản chế biến - thực phẩm vào các quốc gia Hồi giáo, mà đó còn là cả một quy trình toàn diện và phức tạp, từ tất cả các khâu sản xuất, tới chế biến, đáp ứng được các yếu tố về văn hóa của đạo Hồi...

Bà Dato' Shariffah Mustaffa, Đại sứ Malaysia (một quốc gia có đông đảo người dân theo đạo Hồi) tại Việt Nam cũng cho rằng: Hiện nay, Việt Nam đã có 2 tổ chức đánh giá và cấp chứng nhận Halal cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chế biến – thực phẩm sang các quốc gia theo đạo Hồi.

Tuy nhiên để khai thác, thâm nhập sâu vào thị trường thực phẩm - nông sản chế biến rất rộng lớn của các quốc gia Hồi giáo, Việt Nam nên thiết lập một cơ quan, tổ chức đầu mối có đủ năng lực, được đầu tư bài bản về con người và hạ tầng mang tính có tầm vóc để nghiên cứu sâu hơn nữa về Halal. Bên cạnh đó, các tổ chức chứng nhận Halal tại Việt Nam cũng cần liên kết, hỗ trợ nhau trong công tác cấp chứng nhận Halal, và cần được Chính phủ đầu tư, hỗ trợ nhiều hơn nữa để nâng cao năng lực đánh giá, chứng nhận...

Chứng nhận Halal không chỉ là tiêu chuẩn, mà còn là tín ngưỡng

Ông Hoàng Bá Nghị, Tổng Giám đốc phụ trách Tổ chức chứng nhận về Tiêu chuẩn Halal Food xuất khẩu sang các quốc gia đạo Hồi của Tổ chức chứng nhận NHO tại Việt Nam cho biết, bên cạnh các quốc gia có người Hồi giáo, hiện nay, xu hướng tiêu thụ các sản phẩm có chứng nhận về thực phẩm Halal tại các quốc gia phát triển về du lịch cũng đang ngày càng lớn (Thái Lan, Nhật Bản hiện nay đã làm rất tốt hậu cần, dịch vụ về thực phẩm phục vụ cộng đồng người Hồi giáo trong ngành du lịch).

Đông đảo các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán các nước tại Việt Nam và các doanh nghiệp, hội hội chế biến, xuất khẩu nông, thủy sản đã có mặt tại diễn đàn. Ảnh: Lê Bền

Đông đảo các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán các nước tại Việt Nam và các doanh nghiệp, hội hội chế biến, xuất khẩu nông, thủy sản đã có mặt tại diễn đàn. Ảnh: Lê Bền

Không chỉ về thực phẩm cần phải có chứng nhận Halal, nhiều quốc gia phát triển về du lịch cũng làm rất tốt các dịch vụ về khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, spa, phương tiện vận chuyển khách du lịch, đồ lưu niệm, dược phẩm, đồ dùng... đều phải có chứng nhận Halal nhằm phục vụ chu đáo và giúp du khách của cộng đồng Hồi giáo cảm thấy được thoải mái nhất...

Nếu Việt Nam chú trọng vào việc tạo ra hệ sinh thái một cách bài bản về sản phẩm, dịch vụ có chứng nhận Halal, sẽ có tiềm năng rất lớn để thu hút du khách tới từ các quốc gia Hồi giáo.

Đối với quy định về xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang các quốc gia Hồi giáo, ông Hoàng Bá Nghị cho biết, hiện nay, việc xuất khẩu các sản phẩm nông sản thô (chưa qua chế biến) vào thị trường các quốc gia Hồi giáo sẽ không yêu cầu phải có chứng nhận Halal. Tuy nhiên đối với các sản phẩm nông sản đã qua chế biến, thì bắt buộc phải có.

Về các yêu cầu, điều kiện cơ bản để được cấp chứng nhận Halal, trước hết phải đảm bảo các yêu cầu về thực phẩm theo thông lệ trong thương mại quốc tế, đó là đảm bảo các yếu tố về quy định về chất lượng sản phẩm; điều kiện an toàn thực phẩm (theo các tiêu chuẩn Codex, ISO, các chứng nhận khác về điều kiện an toàn thực phẩm đối với một số thị trường riêng...).

Ngoài ra, các quốc gia theo đạo Hồi còn yêu cầu thêm chứng chỉ Halal. Chứng chỉ Halal không liên quan nhiều tới các yêu cầu thông thường về chất lượng và an toàn thực phẩm, mà liên quan nhiều tới các yếu tố về tín ngưỡng, niềm tin.

Chứng nhận Halal là điều kiện để tiếp cận với người tiêu dùng tại các quốc gia theo Đạo Hồi. Ảnh: ST

Chứng nhận Halal là điều kiện để tiếp cận với người tiêu dùng tại các quốc gia theo Đạo Hồi. Ảnh: ST

Người tiêu dùng Hồi giáo sẽ gần như không sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nông sản chế biến; các dịch vụ du lịch, sử dụng dược - mỹ phẩm... nếu các sản phẩm, dịch vụ đó không đảm bảo truy xuất và có chứng nhận Halal.

Chứng nhận Hahal được dựa vào các hệ thống Luật Hồi giáo, trong đó, các thực phẩm phải đảm bảo tuyệt đối không liên quan đến thịt lợn, không có cồn...

Ông Hoàng Bá Nghị cũng cho biết thực tế, để đạt được các yêu cầu và cấp chứng nhận Halal là không quá khó. Hiện hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều có thể đạt được.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải triển khai phối hợp với các đơn vị cấp chứng nhận Halal đã được cho phép tại Việt Nam để tiến hành kiểm tra đánh giá và cấp giấy chứng nhận Halal nhằm đảm bảo sự tin cậy của người tiêu dùng các quốc gia Hồi giáo.

Một số vấn đề mà doanh nghiệp cần lưu ý khi đánh giá để cấp chứng nhận Halal, đó là cần tuân thủ thêm một số quy định về điều kiện nhà xưởng, nguyên phụ liệu...

Thực phẩm giết mổ, chế biến theo tiêu chuẩn chứng nhận Halal cần đáp ứng một số nhóm yêu cầu như: Giết mổ đáp ứng tiêu chuẩn Codex CAC/RCP 1, hoặc ISO 2200; ISO/TS 22002. Không làm choáng/chấn động trong giết mổ động vật; kiểm tra sức khỏe động vật; sạch sẽ. Nguồn động vật phải được khai báo, cần phải khai báo rõ ràng về GMO (chuyển gen)...

Sản phẩm thực phẩm xuất khẩu lưu thông tại các quốc gia Hồi giáo theo Halal phải tuân thủ không mâu thuẫn với đạo đức Hồi giáo; không gây thù địch; không gây hại cho sản phẩm của các nhà kinh doanh khác; không gây hiểu nhầm hoặc gian dối; tất cả tài liệu và hồ sơ phải được duy trì và theo dõi...

Đây hiện là cái khó nhất hiện nay đối với các sản phẩm thực phẩm từ động vật của Việt Nam.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hiệu trưởng bắt học sinh đi lao động nếu không dự hội trại có thu phí

THỪA THIÊN - HUẾ Yêu cầu học sinh phải đi lao động nếu không dự hội trại là chưa khoa học, không phù hợp với mục tiêu của hoạt động giáo dục, dễ nảy sinh suy nghĩ nhạy cảm.

Mua bán rùa quý tràn lan từ 'chợ ảo' đến đời thực

Thời gian qua, hoạt động mua bán rùa diễn ra công khai tại các cửa hàng thú cưng trên địa bàn thành phố Hà Nội, thách thức các cơ quan chức năng.

Bình luận mới nhất