Từ nước sinh hoạt…
Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết các công ty cấp nước cũng như Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nên đến thời điểm nầy tỉnh đã khắc phục được phần nào việc thiếu nước ngọt.
Đó là cung cấp toàn bộ nước sinh hoạt cho TP Sóc Trăng cũng như các vùng lân cận. Các vùng nông thôn, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn cũng đang tìm giải pháp đảm bảo cho người dân có nước sạch dùng ở mức hạn chế.
Để đủ nước sạch sinh hoạt cho các hộ dân, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã khoan 33 giếng tạo nguồn, nâng cấp mở rộng tuyến ống cấp nước cho các khu vực bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn.
Từ các công trình cấp nước tập trung hiện có với chiều dài trên 720.000m, đã phục vụ cho 21.600 hộ dân. Ngoài ra, trung tâm đã xây dựng mới 3 trạm cấp nước cho 4.950 hộ dân.
Ông Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Sóc Trăng cho biết: Đến thời điểm này, chúng tôi đã giải quyết được cho hàng ngàn hộ dân ở những khu vực đang thiếu nước nghiêm trọng có nước dùng. Phấn đấu từ nay hết quý 3 năm 2020 sẽ giải quyết cho 24 ngàn hộ dân còn lại đang thiếu nước.
Bên cạnh đó, để hoàn thành mở rộng đường ống cấp nước sạch đến tất cả các điểm dân cư tập trung, trung tâm sẽ đầu tư khoảng 5-7 nhà máy nước sạch cấp vùng, công suất cấp nước từ 5.000 – 8.000 m3/ngày đêm, đủ năng lực cấp nước cho 10.000 – 15.000 hộ dân.
Đến nước tưới cây ăn trái
Ở vùng cây ăn trái, ông Trần Văn Nhị, ở ấp Hiệp Nhơn, xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết: Năm nay tôi gần 65 tuổi, chưa khi nào gặp cảnh nắng nóng kéo dài đã gần 2 tháng, cuộc sống rất vất vả vì thiếu nước ngọt. Xung quanh thì nước mặn bao vây. Nhà trồng 9 công sầu riêng đang héo úa, vàng lá nặng.
Đã có hơn 30% cây trồng bị suy kiệt và chết. Số còn lại buộc phải hái trái để cứu cây sống qua thời điểm khắc nhiệt này.
Ông Nhị tâm sự, vào ngày 20/3 UBND xã có cấp nước ngọt nhưng số lượng không lớn, cụ thể cây sầu riêng trên 5 năm tuổi được nhận 100 lít nước/cây, còn sầu riêng dưới 5 năm tuổi chỉ nhận được 50 lít/cây. Số nước này mang về đổ vào gốc cây “như trâu uống đìa” không thấm tháp vào đâu, nhưng trong tình cảnh này có còn hơn không, mong có nước để cây khỏi chết đã.
Hai tháng nay, kinh tế gia đình ông Nhị khó khăn mà chi phí mua nước cứu vườn sầu riêng quá cao từ 120.000 – 150.000 đồng/m3 (tùy đường xa gần) nên phải dùng nước rất tiết kiệm.
Tắm, giặt đều dùng nước sông, dẫu biết nước nhiễm mặn, không hợp vệ sinh. Rất mừng những ngày qua, xe của bộ đội và các mạnh thường quân đem nước ngọt về, người dân ai cũng vui mừng, xem nước ngọt quý như vàng.
Ông Trương Văn Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Phước, cho biết: Nhiều tháng qua, trên địa bàn xã không có một giọt mưa, cộng với mặn xâm nhập nên người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Toàn xã có hơn 610ha sầu riêng đang cho thu hoạch trái, thì hơn 36ha bị chết do thiếu nước. Huyện phải hỗ trợ kinh phí thuê sà lan chở nước ngọt từ sông Hậu bên Đồng Tháp về cung cấp cho dân để cứu cây sầu riêng.
Theo ông Trinh, nước sạch cung cấp cho người dân sinh hoạt hàng ngày cũng không đảm bảo vì nước mặn đã bao quanh xã làm mạch nước ngầm bị mặn theo. Với mục tiêu không để người dân thiếu nước sinh hoạt, gặp khó khăn trong cuộc sống nên địa phương đã tìm mọi biện pháp, mọi phương tiện để đưa nước ngọt về, giải tỏa “cơn khát” cho người dân.
Thống kê mới nhất của Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, hơn 36.100ha vườn cây của tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp hạn mặn. Trong đó hơn 24.700ha vườn cần gấp rút bảo vệ do rất mẫn cảm với nước mặn.
UBND tỉnh đã quyết định chi hơn 37 tỷ đồng thuê sà lan chuyển khoảng 1,37 triệu m3 nước ngọt từ khu vực Đồng Tháp về các huyện Cai Lậy, Châu Thành, thị xã Cai Lậy… cứu hơn 13.000ha sầu riêng. Thời gian vận chuyển nước ngọt về phục vụ miễn phí cho vườn sầu riêng từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4/2020.
Theo TS Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam đề nghị, nên có chương trình cấp quốc gia về dự trữ nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho vùng ĐBSCL.
Tiếp tục đầu tư các hệ thống đê bao, xây dựng hệ thống tưới tiêu (thủy lợi nội đồng) hợp lý nhằm ứng phó hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn, cũng như phòng chống ngập úng. Tăng cường năng lực cho hệ thống cảnh báo và dự báo thời tiết, khí hậu, thủy văn và nông nghiệp.