Năm 2024 dù chịu tác động bất thường của thời tiết, biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi… nhưng với tinh thần đoàn kết, đồng thuận cao, được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cơ quan Trung ương, của Bộ NN-PTNT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả của các sở, ban ngành, các địa phương, đơn vị và đặc biệt là sự nỗ lực của bà con nông dân, ngành NN-PTNT Nghệ An tiếp tục hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.
Trong bức tranh tổng quan ấy thấy rằng các chương trình, dự án phát triển nông thôn được đảm bảo xuyên suốt. Từ định hướng chỉ đạo, Sở NN-PTNT đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, tập trung nguồn lực thực hiện rốt ráo các nhiệm vụ được giao, qua đó góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống cho dân cư nông thôn, đặc biệt là khu vực miền núi, các xã đặc biệt khó khăn.
Điều này được thể hiện rõ qua các Chương trình MTQG là Giảm nghèo bền vững và Phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Với riêng chương trình Giảm nghèo bền vững, nguồn vốn năm 2024 được bố trí gần 40 tỷ đồng, kết hợp kinh phí do các huyện, thành, thị thực hiện năm 2022, 2023 chuyển sang đạt gần 50 tỷ đồng đã tạo chuyển biến toàn diện, đặc biệt là Tiểu dự án 1, Dự án 3. Dự kiến đến cuối năm 2024 tỷ lệ giải ngân đạt 95%.
Trên thực tế, nhờ được thụ hưởng Chương trình Giảm nghèo bền vững các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu có điều kiện lồng ghép, triển khai nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi để người dân tiếp cận, làm bàn đạp cải thiện sinh kế, từng bước nâng tầm chất lượng cuộc sống, xa hơn nữa là đẩy nhanh quá trình thoát nghèo.
Lấy huyện Kỳ Sơn làm lát cắt, trong 2 năm 2022 và 2023 Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã tham mưu thực hiện hiệu quả 7 dự án với tổng kinh phí trên 8 tỷ đồng, bao gồm: Dự án chăn nuôi bê cái địa phương tại các xã Đoọc Mạy, Huồi Tụ, Na Loi với quy mô 74 con/74 hộ; dự án chăn nuôi bê cái lai shin tại 3 xã Bảo Nam, Hữu Lập, Phà Đánh với quy mô 67 con/67 hộ.
Dự án hỗ trợ máy cày nông nghiệp áp dụng cho 45 nhóm hộ tại các xã Bắc Lý, Chiêu Lưu, Hữu Lập, Keng Đu, Mường Ải, Mỹ Lý, Nậm Cắn; dự án chăn nuôi lợn đen với tổng đàn 104 con phân bổ cho 52 hộ…
Công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình làm được triển khai khá đồng bộ, chặt chẽ, đầy đủ các bước, đặc biệt là đảm bảo 100% đúng đối tượng (hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách, dân tộc thiểu số…). Qua theo dõi cho thấy nhiều mô hình phát huy hiệu quả tức thì, được chính các đối tượng thụ hưởng đánh giá cao.
Năm 2024 Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Kỳ Sơn tiếp tục phối hợp với UBND các xã được thụ hưởng tổ chức khảo sát, họp dân nhằm lựa chọn các dự án phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
So bó đũa, chọn cột cờ, từ nguồn phân bổ trên 7,5 tỷ đồng đơn vị đã lập kế hoạch, triển khai dự án hỗ trợ giống bê cái địa phương, giống dê địa phương, nghé, máy cày, giống vịt bầu và thức ăn chăn nuôi…
Dù vẫn tồn tại những khó khăn, vướng mắc nhất định trong quá trình triển khai nhưng phải thừa nhận Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững từng bước đang tạo ra hiệu ứng tích cực, có đóng góp quan trọng trong tổng hòa kết quả ngành nông nghiệp địa phương cũng như đẩy nhanh phát triển KT-XH của toàn tỉnh Nghệ An.