| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 20/11/2017 , 07:30 (GMT+7)

07:30 - 20/11/2017

Chuyện 'bẩn' nào đã xảy ra ở dự án di dân công trình thủy điện Sơn La?

Một thông tin rất đáng chú ý tuần trước là cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Sơn La đã khởi tố 17 người (bắt tạm giam 15 người), trong đó có 2 Phó giám đốc 2 sở, ngành của tỉnh này do những sai phạm nghiêm trọng trong dự án di dân, tái định cư công trình thủy điện Sơn La.

Như Dân trí và nhiều tờ báo khác đã đưa tin, việc bắt giữ 15 cán bộ (trong tổng số 17 người bị khởi tố) của các sở, ngành của tỉnh Sơn La được thực hiện cấp tập trong ngày 16/11. Trong số người bị bắt, đáng chú ý có ông Trương Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài chính và ông Phan Tiến Diện, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường. Ông Dũng và ông Diện đều đã từng làm cán bộ huyện Mường La, nơi triển khai dự án di dân, tái định cư cho công trình thủy điện Sơn La.

Những người này bị bắt ngay tại cơ quan, trước sự chứng kiến của lãnh đạo cơ quan. Có người còn bị bắt khi đang ngồi họp. Những thông tin ban đầu được công bố cho thấy, những người bị khởi tố, tạm giam được cho là có sai phạm hoặc liên quan đến những sai phạm trong quá trình triển khai dụ án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La.

Theo cơ quan điều tra, những người liên quan bị khởi tố với tội danh: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước và thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng. Như vậy, đây là một vụ việc nghiêm trọng trong việc triển khai dự án nhóm A của quốc gia nên dễ hiểu về sự cấp bách trong việc khởi tố, bắt giữ số đông người liên quan, một số người bị bắt có tính khẩn cấp.

Ai cũng biết, công trình thủy điện Sơn La hiện nay (hoàn thành và đi vào vận hành từ tháng 12/2012), là một nhà máy thủy điện có qui mô lớn nhất của cả nước (2400 MW). Để làm được công trình này, việc di dân, tái định cư đã phải lập riêng thành một dự án có qui mô rất đồ sộ: Di dân 20.340 hộ với 92.300 nhân khẩu (riêng Sơn La là 12.584 hộ, 58.337 người) với số kinh phí cũng vô cùng tốn kém: Trên 26.457 tỷ đồng (sau này còn phải bổ sung hàng ngàn tỷ đồng).

Thủy điện Sơn La cho đến nay, hầu như không còn mấy ai nghi ngờ hiệu quả kinh tế-xã hội to lớn của nó khi hàng năm đã đem lại một sản lượng điện rất lớn (sản lượng điện bình quân 10 tỷ kWh/năm, chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện quốc gia thời điểm đi vào vận hành), hiệu quả kinh tế cao, điều hòa, cắt lũ... Tuy nhiên, hiệu quả của việc di dân, tái định cư cho công trình này vẫn luôn là dấu hỏi khi nhiều năm sau khi nhà máy thủy điện đi vào vận hành, đời sống của hàng vạn người dân phải di cư chưa được ổn định và đến năm 2016, Chính phủ mới tạm đánh giá là việc di dân đã ổn định.

Việc khởi tố, bắt giữ tới 17 cán bộ liên quan đến công tác di dân, tái định cư cho công trình trên ở Sơn La dù chưa có kết quả điều tra cuối cùng nhưng bước đầu cho thấy, không phải không có những tiêu cực ở cấp cơ sở, làm giảm hiệu quả của chủ trương lớn của Nhà nước khi đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng cho công tác này.

Theo cơ quan điều tra, hành vi sai phạm của các đối tượng ở các khâu như: đo đạc, lập bản đồ địa chính, thẩm định, thu hồi và bồi thường hỗ trợ không đúng quy định… gây thiệt hại cho nhà nước. Nhưng những hành vi trên chắc chắn cũng gây thiệt hại, làm chồng chất khó khăn cho những người dân tái định cư dự án thủy điện Sơn La.

Đó có thể là lý do khiến không ít hộ dân ở Sơn La gặp khó khăn trong ổn định đời sống, thậm chí có thời kỳ, có không ít hộ dân bỏ nơi ở mới- nơi họ thấy khó khăn hơn rất nhiều để tự tìm nơi ở mới phù hợp hơn mà không có sự hỗ trợ của nhà nước.

Do đó, người dân chờ mong cơ quan bảo vệ pháp luật nhanh chóng làm rõ, công bố, xử lý những hành vi sai phạm, nhất là nếu có những việc làm: Ăn chặn, tham nhũng...các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, từ tiền tài trợ cấp cho người dân để làm nhà, phát triển sản xuất thì càng phải làm rõ để xử lý nghiêm, và cần mở rộng phạm vi điều tra không chỉ ở Sơn La mà cả các địa phương có triển khai dự án. Nếu hành vi đó là có cấu kết, tham nhũng có tổ chức thì hình phạt càng phải nặng hơn một bậc. Có như vậy mới đem lại niềm tin cho người dân- vốn đã chịu rất nhiều thiệt thòi khi phải ra đi để có chỗ xây dựng công trình thủy điện.

Và cũng để sau này, khi Nhà nước tiếp tục giải phóng mặt bằng, xây dựng những công trình lớn hơn, phải di dân nhiều hơn thì người dân cũng có niềm tin và sẵn sàng khi nhà nước vận động di cư.

 

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm