| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 16/09/2015 , 07:35 (GMT+7)

07:35 - 16/09/2015

Chuyện cả họ làm... lãnh đạo

Chuyện bộ máy chính quyền tại huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội có 13 phòng, ban thì có đến hơn 10 người là anh em, họ hàng với lãnh đạo huyện, vừa bị báo chí phanh phui, đã khiến dư luận xã hội bức xúc.

Cụ thể, ông Lê Văn Sơn, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy, là chú của Bí thư Huyện ủy Lê Văn Sang (vừa tái đắc cử Bí thư Huyện ủy nhiệm kỳ 2015-2020).

Bà Lê Thị Vinh, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch, là cô ông Sang.

Ông Lê Văn Nhiệm, Phó ban Quản lý dự án, là em họ ông Sang. 

Bà Lê Hải Hồng, Phó phòng Kinh tế, là chị họ ông Sang.

Ông Lê Văn Sức, Trưởng phòng Dân tộc, là cháu gọi ông Sang bằng chú.

Bà Nguyễn Thị Duyên, kế toán phòng Quản lý Đô thị là con dâu ông Sang.

Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, là em bên họ vợ ông Sang.

Bà Đỗ Thị Lê Hương, Phó chánh Văn phòng Huyện ủy, là con của thông gia với ông Sang.

Chưa kể con trai ông Sang là Lê Văn Trang, công tác tại phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, được quy hoạch là Phó Chủ tịch UBND huyện, hiện đang đi cơ sở, làm Bí thư Đảng ủy xã An Phú. 

Hai con trai ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện là Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Hưng, một làm ở phòng Tài chính - Kế hoạch, một làm ở phòng Nội vụ. Ông Lê Văn Cành, Phó Chủ tịch UBND huyện, cũng có con là Lê Quang Hưng làm ở phòng Nội vụ.

Đến lượt mình, những người như bà Lê Thị Vinh, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch (cô ông Sang) lại tiếp tục đưa con trai là Nguyễn Minh Hoành vào làm việc tại nơi mình phụ trách, ông Lê Văn Sơn cũng đưa con mình là Lê Đức Anh sang Ban quản lý dự án huyện…

Có thể nói chưa ở đâu mà tình trạng “con ông cháu cha” lại lộ rõ như ở địa phương này.

Dù ông Lê Văn Sơn, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy (là chú của Bí thư Huyện ủy Lê Văn Sang) đã ra sức thanh minh rằng việc bổ nhiệm cán bộ trước tiên phải nằm trong quy hoạch, có phẩm chất tốt, có năng lực…

Các vị trí công tác đều cần thiết và trải qua quá trình cân nhắc, tuyển chọn theo đúng quy trình “người trong nhà thì càng phải tính toán kỹ hơn.

Trình độ phải nổi trội hơn người khác mới chọn” (lời ông Lê Văn Sơn). Nhưng dư luận vẫn có quyền đặt câu hỏi: Nếu ông Lê Văn Sang không là Bí thư Huyện ủy, thì những người trên có được đưa vào diện “quy hoạch” không? Quá trình cân nhắc, tuyển chọn “theo đúng quy trình” ở đây là quy trình nào? Có khách quan, có công tâm, có vô tư, trung thực không? khi mà những người có họ hàng với lãnh đạo huyện lại được chọn?

Và đến lượt mình, những người “được chọn” ấy lại tiếp tục được quyền “chọn” con cháu của mình vào làm việc tại nơi mình phụ trách? Những người đó có thực sự là những người “có trình độ nổi trội” hơn người khác không? Bộ máy của huyện sẽ hoạt động ra sao khi mà chỉ có 13 phòng ban mà có đến hơn 10 người là anh em, họ hàng, con cháu của lãnh đạo, trên dưới dây rợ lằng nhằng, đụng đâu gặp người thân ở đấy?

Không biết ông Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội và ông Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội nghĩ gì về “hiện tượng” trên?