Một chiếc E-4B đậu tại sân bay quốc tế Bogota, Colombia. Ảnh: USAF
Washington dường như nắm trong tay 4 chiếc máy bay loại này, theo NY Post. Chuyên cơ "ngày tận thế" có vẻ ngoài tương đối giống những chiếc máy bay Air Force One chở tổng thống Mỹ cùng đoàn tùy tùng nhưng điểm khác biệt nằm ở chỗ nó sẽ giữ vai trò như một trung tâm chỉ huy của chính phủ và quân đội trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Các chuyên gia Mỹ nâng cấp nó từ mẫu Boeing 747. Chuyên cơ "ngày tận thế" thường được gọi với định danh E-4B hay "Trung tâm Điều hành An ninh Quốc gia Trên không".
Chiếc máy bay được cho là có khả năng chống chọi với cả một vụ nổ bom hạt nhân, nổ thiên thạch hay các cuộc tấn công khủng bố, đồng thời có thể bay mà không cần tiếp nhiên liệu trong nhiều ngày liền. Thực tế, phi cơ vận hành được trong khoảng một tuần với điều kiện phải tiếp nhiên liệu trên không. Lý do duy nhất khiến nó hạ cánh là vì động cơ cần bôi trơn. Công đoạn này chỉ có thể thực hiện dưới mặt đất.
Phi cơ có ba tầng. Tổ bay gồm 112 người, biến nó trở thành chiếc máy bay quân sự sở hữu phi hành đoàn lớn nhất Mỹ, thậm chí nhất thế giới. Về kỹ thuật, phi cơ có vận tốc lên tới 998 km/h, nhanh hơn những máy bay thương mại cùng loại.
Chiếc máy bay có giá thành khoảng 223 triệu USD này trang bị một lớp lá chắn bảo vệ chống phóng xạ cũng như xung điện từ, 67 ăng-ten và chảo vệ tinh cùng hàng loạt thiết bị công nghệ cao khác.
Những phương tiện liên lạc được bố trí trong một khối bong bóng đặc biệt phía sau buồng lái. Nó cũng kết nối được cả với các tàu ngầm hạt nhân Mỹ dưới lòng biển thông qua một đoạn cáp dài 8 km bố trí ở đuôi máy bay.
"Chúng tôi thả nó xuống để truyền thông điệp mã hóa cho tàu ngầm", ABC News dẫn lời một quan chức quân đội Mỹ nói. "Hãy đưa cho chúng tôi số điện thoại của bất kỳ ai, bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu trên Trái Đất này, chúng tôi sẽ liên lạc với họ".
Bên trong khoang lái một chiếc máy bay "ngày tận thế". Ảnh: CBS
Máy bay luôn đặt trong trạng thái sẵn sàng thực thi nhiệm vụ, 24 giờ một ngày, 365 ngày một năm và có thể xuất kích chỉ trong vài phút.
Bên cạnh các công nghệ hiện đại, máy bay còn mang theo cả một đội ngũ an ninh tinh nhuệ. Ngay khi phi cơ vừa hạ cánh, lực lượng này sẽ lập tức bao vây quanh nó để bảo vệ.
Tuy nhiên, ngoài những điểm ưu việt, chuyên cơ "ngày tận thế" vẫn tồn tại một số nhược điểm, điển hình là buồng tắm trên máy bay rất nhỏ, có bồn rửa mặt nhưng không có vòi hoa sen.
Cố tổng thống Mỹ Ronald Reagan biên chế chiếc máy bay "ngày tận thế" đầu tiên vào những năm 1980 khi cuộc Chiến tranh Lạnh bước vào giai đoạn cuối, những nỗi lo âu về một kịch bản xảy ra chiến tranh hạt nhân đang lan rộng.
Một số nhân chứng cho biết, họ đã nhìn thấy chiếc máy bay xuất hiện trên bầu trời sau vụ khủng bố 11/9. Tuy nhiên, giới chức Mỹ không đưa ra bất kỳ bình luận nào liên quan đến nghi vấn trên.